- Chiều 7/6, trong buổi làm việc ngoài dự kiến với Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết sẽ sớm tăng số lượng các trường ĐH, CĐ không trực thuộc các bộ.
Trường sư phạm xin tiền Bộ để đổi mới
PGS.TS Nguyễn Kim Hồng, hiệu trưởng Trường ĐHSP TP.HCM, cho biết trường có 34 ngành đào tạo trong đó có 18 ngành đào tạo sư phạm, 16 ngành đào tạo ngoài sư phạm. Có 28% giảng viên có trình độ tiến sĩ.
Theo ông Hồng, hiện nay các trường sư phạm ít được chỉ tiêu đào tạo giảng viên theo chương trình đào tạo tiến sĩ, thạc sĩ ở nước ngoài (chương trình 322 trước đây và 911 hiện nay).
Ông Hồng đề nghị nếu muốn tăng nhanh số lượng giảng viên có trình độ tiến sĩ và thạc sĩ được đào tạo ở nước ngoài, Bộ GD-ĐT tách riêng chỉ tiêu cho các trường sư phạm khỏi chỉ tiêu chung của đề án 911 như hiện nay.
Trường đề nghị Bộ đầu tư cho các trường sư phạm về công nghệ thông tin, đủ để thực hiện đổi mới giáo dục đại học và giáo dục phổ thông, trong đó có cả hạ tầng cơ sở vật chất để các trường có thể xây dựng bài giảng trực tuyến.
Ông Hồng cho biết, một khóa học trực tuyến hết khoảng 1 tỷ đồng. Chỉ riêng Khoa tiếng Anh cần có 30 khóa học trực tuyến, tức cần 30 tỷ đồng trong 4-5 năm tới.
Trường cũng xin Bộ đầu tư Trung tâm khảo thí phục vụ cho thi theo hướng đánh giá năng lực như ĐHQG Hà Nội, và là cơ sở đánh giá năng lực ngoại ngữ khu vực. Trường mong muốn sử dụng cơ sở 3000m2 đất hiện có, dự kiến xây dựng khoảng 25- 35 phòng máy, mỗi phòng trang bị 40 máy tính, tổng kinh phí đầu tư từ 25-30 tỷ đồng. Theo ông Hồng có thể kêu gọi xã hội hóa để đóng góp về phần máy tính, riêng phần xây dựng cơ bản từ 10 đến 15 tỷ đồng đề nghị Bộ xem xét đầu tư.
Sớm tăng số trường ĐH, CĐ không trực thuộc các bộ
Đối thoại với cán bộ giảng viên trường ĐH Sư phạm TP.HCM, ông Phùng Xuân Nhạ biết hiện nay trong cả nước có 117 cơ sở đào tạo sư phạm với tình trạng giáo viên vừa thừa, vừa thiếu. Vì vậy, sắp tới sẽ quy hoạch lại hệ thống các trường sư phạm, với từ 8- 9 cơ sở lớn, còn lại là các phân hiệu để tập trung nguồn lực.
Ông Nhạ ủng hộ đề nghị sử dụng phương thức thi đánh giá năng lực để tuyển sinh của trường sư phạm, và kiến nghị về tách chỉ tiêu tuyển sinh đề án 911 riêng cho khối sư phạm.
Trước câu hỏi về định hướng phát triển của Bộ trong thời gian tới, ông Nhạ cho biết, Bộ lựa chọn 8 vấn đề trọng tâm, thực hiện theo hướng giải quyết dứt điểm. Đó là các vấn đề: Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đào tạo, trong đó có mạng lưới các trường sư phạm; Tăng cường năng lực đội ngũ giáo viên, giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục; Tiếng Anh; Ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học; Phân luồng sau trung học cơ sở; Tự chủ đại học; Quốc tế hóa giáo dục; Đào tạo nhân lực chất lượng cao.
Một giảng viên Khoa Tâm lý giáo dục đưa ra góp ý với Bộ trưởng Nhạ, theo giảng viên này, chủ trương không tuyển sinh những ngành không có việc làm nghe thì hay, “nhưng nhìn ở góc độ khác học sinh không đi học thì ở nhà làm gì? Nên chăng cứ để các em đi học, sau đó tìm việc như thế nào là quyền của các em. Một đất nước có nhiều người tốt nghiệp đại học vẫn tốt hơn là dừng ở bậc học thấp hơn”.
Trước ý kiến này, ông Nhạ cho rằng đã học thì phải ra làm việc, học xong không có việc làm chỉ gây tốn kém, và gánh nặng cho gia đình, xã hội. “Mọi người vẫn quan niệm đi học không biết cái này sẽ biết cái kia, quyết định đi học hay không là của gia đình. Tuy nhiên, trách nhiệm của bên cung cấp dịch vụ là đảm bảo chất lượng và định hướng. Hiện nay kinh tế đang khó khăn, không có cầu mà cứ đào tạo sẽ gây lãng phí”
Ông Nhạ cũng cho biết, Bộ đang chuẩn bị trình Chính phủ phê duyệt nghị định về tự chủ đại học.
Theo ông Nhạ, “Việc tự chủ là khó khăn nhưng không phải vì khó mà không làm. Định hướng tới đây là trường đại học không trực thuộc bộ nào cả. Sẽ rất sớm trong nhiệm kỳ của tôi sẽ có các trường không trực thuộc bộ nào như hai ĐHQG hiện nay. Những trường nào có năng lực cao, giải trình tốt sẽ sớm được tự chủ”
- Lê Huyền- Ngân Anh