Trường học không giáo viên

Những lớp học không bàn ghế, không tường ngăn, những giờ học không sách giáo khoa không còn xa lạ ở Phần Lan. Nhưng trường học không giáo viên thì năm học tới này (2019-2020) mới chính thức khai giảng. Đó là trường Hive Helsinki (tạm dịch: Tổ ong Helsinki) do Suprcell, một công ty sản xuất trò chơi online nổi tiếng của Phần Lan thành lập ở Helsinki .

Theo Supercell, tên gọi của trường nói lên bầu không khí giàu năng lượng và làm việc cùng nhau như đàn ong của người học.

Hive Helsinki ra đời dựa trên hình mẫu của trường Lập trình École 42, được thành lập năm 2013 tại Paris . Đây là một trong 10 trường theo mô hình của trường École 42 và là trường đầu tiên ở khu vực Bắc Âu. Mục đích của trường là cung cấp thêm đội ngũ lập trình đang có nhu cầu ngày càng cao ở Phần Lan, mặc dù hiện đang có khoảng 9000 người làm việc trong lĩnh vực này ở đây.

Trường học sẽ không có giáo viên, không có giáo trình, học sinh sửa lỗi cho nhau và các “cốt thủ” buộc phải làm việc với nhau.

Chương trình học của trường kéo dài 3 năm. Trường luôn mở cửa cho học viên để việc học (thường là các dự án) có thể được tiến hành bất cứ lúc nào.

Điều đáng chú ý là, mặc dù lập trình gắn liền với toán học, song Hive sẽ chiêu tập học viên từ các xuất phát điểm khác nhau.

Bất cứ ai từ 18 đến 30 tuổi đều có thể đăng ký. Các bài kiểm tra đầu vào đo lường khả năng suy luận logic mà không cần phải có kinh nghiệm mã hóa trước. Người sáng lập và hiện là CEO của Supercell, Ilka Paananen nói.

“Hiện tại, các lập trình viên thường là nam giới, lớn lên trong những gia đình tương đối khá giả. Supercell muốn tăng số lượng lập trình viên, nhưng trên hết là đưa mọi người vào ngành từ những thành phần, giới tính đa dạng hơn, Chúng tôi muốn lập trình được lan truyền đến tất cả các thành phần của xã hội, vì nhu cầu của các công ty rất đa dạng. Bên cạnh các lập trình viên giỏi toán học, các lập trình viên định hướng nghệ thuật cũng cần thiết.”

Đó cũng là tư tưởng “giáo dục bình đẳng cho mọi người” được ghi trong luật giáo dục của Phần Lan. Tháng 8 tới Hive Helsinki sẽ khai giảng. Linda Liukas, Chủ tịch Hội đồng quản trị của trường cho biết: 2.400 (trong số 7.800 người ghi danh) đã vượt qua vòng tuyển chọn ban đầu.

“Trong số người đăng kí có 34% là phụ nữ. Đó là một khởi đầu tốt, tuy nhiên chúng tôi muốn cân bằng tỉ lệ giữa nam và nữ trong giới lập trình”.

Bước tuyển chọn tiếp theo là một đợt thực tập chuyên sâu kéo dài bốn tuần được tổ chức vào tháng 7 và tháng 8 dành cho 300 ứng viên sẽ được chọn để cuối cùng lấy 100 người bắt đầu học vào mùa thu. Và hai năm tiếp theo con số học sinh sẽ tăng lên 150 người mỗi năm.

Minna Kivihalme, hiệu trưởng Hive, vốn là giáo viên lập trình của Đại học Haaga-Helia (Helsinki) và nhiều năm làm việc ở Paris, cho biết: “Hive Helsinki là một trường công nghệ đặc biệt: không có giáo viên, không giáo trình. Học sinh học cách giải quyết các nhiệm vụ của mình một cách độc lập và học hỏi lẫn nhau. Hầu như tất cả các nhiệm vụ được thực hiện theo nhóm, bởi vì cuộc sống làm việc thường là làm việc theo nhóm. Phương pháp này trái ngược với giáo dục truyền thống. Đó là điểm mạnh của trường”.

HIVE Helsinki không nằm trong hệ thống giáo dục đại học Phần Lan, vì thế người học sẽ không được cấp bằng.

Tuy nhiên, Supercell tin rằng điều này không quan trọng từ quan điểm việc làm. Minh chứng là sinh viên tốt nghiệp từ trường kiểu này ở Paris đều làm việc trong lĩnh vực của họ, trong đó 80% sinh viên đã thực sự làm việc trước khi tốt nghiệp.

Thư viện không người phục vụ

Việc tự động mượn và trả sách ở các thư viện Phần Lan đã được thực hiện từ hàng chục năm trước đây.

Song thư viện mở cửa mà không có nhân viên, khách đến thư viện tự phục vụ mình thì mới chỉ bắt đầu xuất hiện từ năm 2014 ở Espoo, thành phố giáp Helsinki về phía tây nam.

{keywords}
Góc sách thiếu nhi ở thư viện Oodi. Ảnh: Võ Xuân Quế.

Đến nay, chỉ sau 5 năm, Espoo đã có 10 thư viện hoạt động theo hình thức này. Còn trên khắp Phần Lan con số đã lên đến hơn 100. Khách vào thư viện và tự phục vụ theo nhu cầu của mình thông qua thẻ thư viện được số hóa và hệ thống camera giám sát. Khi số lượng thư viện tự phục vụ tăng lên, số lượng khách đến thư viện Phần Lan đã tăng lên rất nhiều. So với năm ngoái lượng khách đến thư viện nói chung tăng 9% và so với thư viện tự phục vụ tăng 47%. Nhờ vậy, khách đến tư viện và mượn từ thư viện đạt kỷ lục trong năm 2018 ở Phần Lan, với 34 411 382 lượt trên 5,5 triệu dân.

Cùng với tự phục vụ, giờ mở cửa của thư viện ở một số nơi đã kéo dài hơn. Chẳng hạn thư viện Kauklahti (ở Espoo), Thư viện Oodi (Helsinki) mở cửa mỗi ngày từ 7 giờ sáng đến 10 giờ đêm. Còn tất cả các thư viện khác đều mở cửa từ 8 giờ sáng đến 8 giờ tối từ thứ 2 đến thứ 7.

Cuối tháng 3/2019 vừa qua, Thư viện thành phố Espoo đã được chọn là thư viện tốt nhất thế giới tại Hội chợ sách quốc tế London, dựa trên số lượng khách đến thư viện và chất lượng vụ.

Đây là tuyên ngôn của thư viện được viết trên tường ở các thư viện Espoo: "Chào mừng bạn đến thư viện! Hãy đọc, chơi, tự phục vụ! Thư viện dành cho tất cả mọi người. Là khách hàng của thư viện, bạn cần tôn trọng những người khác. Thư viện là nơi phục vụ miễn phí và không phân biệt đối xử."

"Hoạt động như vậy thậm chí không đắt lắm", Antti Seppänen một cán bộ chính quyền vùng Nam Phần Lan cho biết.

Để thực hiện được việc thư viện mở cửa, không cần nhân viên, khách tự phục vụ cần có một tiêu chí đầu tiên là sự trung thực của người dân và ý thức tôn trọng quy tắc chung.

Người Phần Lan nổi tiếng về trung thực trên thế giới. Nhiều cuộc thăm dò và khảo sát trong nước và quốc tế đã cho thấy điều đó.

Năm 2011, một cuộc thăm dò quan niệm của người Phần Lan về những vấn đề thuộc đạo đức trong cuộc sống cho thấy 85% người Phần Lan tham gia thăm dò cho rằng: không ốm mà nói ốm để nghỉ việc là điều tồi tệ nhất.

Năm 2013, một cuộc thử nghiệm của báo Reader’s Digest (Mỹ) cho biết người dân Helsinki trung thực nhất trong một thử nghiệm của họ ở 5 thành phố trên thế giới.

Võ Xuân Quế

"Để quốc gia thành công, hãy cho người trẻ đảm đương trách nhiệm"

"Để quốc gia thành công, hãy cho người trẻ đảm đương trách nhiệm"

-Hãy để người trẻ vận hành, làm chủ là quan niệm của Peter Vesterbacka, một trong những doanh nhân trong danh sách "người có ảnh hưởng nhất thế giới".