Lời toà soạn: Là "cha đẻ" của Slush, một trong những sự kiện công nghệ và khởi nghiệp lớn nhất châu Âu, nhưng cái tên Peter Vesterbacka được biết đến rộng rãi hơn với biệt hiệu “Mighty Eagle” (“Đại bàng hùng dũng”) của công ty giải trí Rovio, đơn vị sản xuất ra trò chơi Angry Birds gây nghiện khắp thế giới. Là một doanh nhân ưu tú với tư tưởng và tầm nhìn tiên phong của khu vực Bắc Âu, năm 2011, ông được tạp chí TIME bình chọn là 100 người có ảnh hưởng nhất toàn cầu. Ông còn là người thúc đẩy sự đời của một nơi được dự báo tương lai sẽ là Silicon Valley của châu Âu với một dự án liên chính phủ trị giá 15 tỷ USD.
Trò chuyện với VietNamNet trong lần đến Việt Nam giới thiệu và tìm hiểu cơ hội hợp tác giáo dục, Peter Vesterbacka bày tỏ rằng: Để quốc gia thành công, chính phủ, trường học hãy tạo cơ hội cho thế hệ trẻ đảm đương trách nhiệm. Còn mỗi cá nhân khởi nghiệp, hãy ... đừng ngại soi gương.
Peter-Vesterbacka: "Cần làm cho sinh viên cảm thấy gắn kết và có quyền làm chủ". Ảnh: Thuý Nga |
“Chúng tôi muốn người trẻ vận hành sự kiện”
Phóng viên: Việt Nam mới đây đã quyết định đưa nội dung khởi nghiệp vào dạy tại các trường đại học. Phần Lan được biết đến là đất nước thành công với nhiều chương trình khởi nghiệp, sáng tạo. Ông có thể chia sẻ kinh nghiệm gì với Việt Nam?
Peter Vestebacka: Chính phủ có thể làm được một vài thứ. Nhưng bên cạnh những chính sách từ trên đưa xuống, chúng ta cần phải làm cho SV có trách nhiệm, cảm thấy gắn kết và có quyền làm chủ. Phải trao cho SV quyền lợi và trách nhiệm.
Chẳng hạn như trong Slush, sự kiện khởi nghiệp với khoảng 17.500 người tham dự, 2.300 dự án khởi nghiệp và 1.100 nhà đầu tư từ 130 quốc gia trên khắp thế giới ở Phần Lan, SV là người tự thực hiện.
Chúng tôi có những chương trình do chính SV tổ chức: SV thúc đẩy, Ươm mầm SV, Tham quan doanh nghiệp và rất nhiều chương trình khác... Việc trao quyền để SV tự thực hiện dự án là vô cùng quan trọng.
Nhiều năm trước, chính phủ Singapore đã ngỏ ý muốn mời chúng tôi tổ chức Slush tại đảo quốc. Thời điểm đó, chúng tôi luôn từ chối. Nhưng sau đó chúng tôi đã đồng ý, với việc đưa ra một yêu cầu rất xác đáng rằng: “Chúng tôi muốn người trẻ sẽ vận hành sự kiện”.
Sự giúp đỡ từ chính phủ là điều trọng yếu, còn khi tiến hành triển khai thực sự, chúng ta cần người trẻ. Tôi nghĩ điều này cũng đúng tại Việt Nam.
Để đất nước thành công, hãy cho thế hệ trẻ đảm đương trách nhiệm. Họ sẽ biến mọi điều thành hiện thực. Họ sẽ biến Việt Nam trở nên tốt đẹp hơn.
Chúng tôi có mục tiêu khá tham vọng là mong muốn có 20,000 SV VN tới Phần Lan mỗi năm. Con số này ở Trung Quốc và Ấn Độ lần lượt là 60,000 và 50,000.
Phóng viên: Được biết ông đang làm giáo sư thỉnh giảng về Khởi nghiệp và Sáng tạo tại một trường đại học ở Thượng Hải (Trung Quốc). Ở trường đó, người ta chú trọng vấn đề giáo dục khởi nghiệp ra sao?
Tôi là đang thỉnh giảng tại bộ môn Khởi nghiệp và Sáng tạo của Trường ĐH Tongji - trường tốp 10 của Trung Quốc (TQ).
Chúng tôi tập trung vào giảng dạy cho sinh viên hiểu làm thể nào để trau dồi tinh thần khởi nghiệp và sáng tạo trong mọi lĩnh vực đời sống.
Phần Lan và TQ cùng chia sẻ và học tập nhiều bài học kinh nghiệm cho nhau. Hiện nay có nhiều công ty khởi nghiệp của TQ đặt trụ sở tại Helsinki, với tham vọng mở rộng tính quốc tế và vươn tới châu Âu.
Tôi cùng với các cộng sự tại trường ĐH của TQ hỗ trợ xây dựng một trường THPT. Chúng tôi sử dụng 40% chương trình học Phần Lan và 60% TQ, đã vận hành được 2 năm và sớm thôi sẽ cho thấy chất lượng đầu ra của học sinh như thế nào.
Hệ thống giáo dục điển hình ở Trung Quốc là: Thời gian học một ngày dài, lượng bài tập về nhà khổng lồ. Trong khi ở Phần Lan dành ít thời gian hơn. Chúng tôi ứng dụng cách học tập qua hiện tượng, dự án.
Ở Singapore, học sinh đạt được thành tích tốt trong các bài thi trên giấy, nhưng cũng giống như TQ, các em có nhiều bài tập về nhà, thời gian học ở trường rất dài và thường xuyên kiểm tra. Thực sự học sinh không tiếp thu được những kiến thức và kỹ năng trang bị cho cuộc sống.
Một người bạn của tôi sống lâu năm tại Singapore đã không còn tuyển dụng sinh viên địa phương nữa bởi vì khả năng của họ không phù hợp với xu hướng tuyển dụng nhân sự ngày nay như sáng tạo và giải quyết vấn đề.
Điều làm tôi hạnh phúc khi làm việc với trường của TQ là chúng tôi cùng nhau hợp tác để sửa chữa những sai lầm trong giáo dục.
Hãy để sinh viên quan tâm đến thực tế nhiều hơn
Phóng viên: Các trường ĐH ở VN có thể thay đổi gì để thúc đẩy đào tạo sinh viên hiệu quả hơn?
Thực tế thì chúng tôi chưa làm tốt công tác giới thiệu giáo dục đại học Phần Lan tới thế giới.
Đa phần chúng ta dựa vào các bảng xếp hạng để đánh giá chất lượng đại học, nhưng các bảng xếp hạng không nói lên tất cả.
Phần Lan chỉ có ĐH Helsinki nằm trong danh sách top thế giới. Nhưng có nhiều điều đặc biệt hơn các chỉ số xếp hạng. Đó là sự tiến bộ mà mỗi SV đạt được khi theo học tại trường.
Peter-Vesterbacka: "Trong một chương trình hợp tác, Singapore gửi nhiều SV tới học tại Phần Lan và làm việc cho các công ty địa phương, nhận được tín chỉ cho phần công việc họ làm trong khoảng 6-7 tháng". |
Một thước đo quan trọng khác là “trải nghiệm” bên cạnh “kiến thức học thuật”, để SV cần bằng giữa học tâp và các khía cạnh khác của cuộc sống.
Rất nhiều SV thử thách bản thân bằng việc tập mở công ty khi còn trên ghế nhà trường. Tinh thần khởi nghiệp không chỉ được giảng dạy trong trường học mà đương nhiên là một phần quan trọng trong đời sống xã hội Phần Lan.
Đây là lần đầu tiên đến Việt Nam nên thực ra tôi muốn tìm hiểu nhiều hơn là khuyên nhủ điều gì đó.
Tôi chỉ có một vài chia sẻ thế này. Trường học hãy mở rộng các mối quan hệ hợp tác với các đối tượng và tổ chức khác trong xã hội.
Thứ 2, hãy để SV làm nhiều hơn, chịu trách nhiệm nhiều hơn; họ sẽ được học nhiều hơn và thành công hơn.
Hãy quan tâm hơn nữa tới những điều thực tế trong xã hội. Sinh viên cần thấy việc học có ý nghĩa với mình. Giáo viên chỉ đóng vai trò tham vấn và hãy tin tưởng vào sinh viên.
Các trường Việt Nam có thể tìm kiếm các cơ hội hợp tác với trường đại học của Phần Lan, ví dụ như trao đổi sinh viên; đề xuất các chương trình hợp tác chính thức, song bằng; trao đổi giáo viên/giảng viên… Chúng tôi cũng muốn kết hợp với các đối tác Việt Nam trong việc thúc đẩy phong trào khởi nghiệp trong sinh viên.
Hãy chủ động, làm điều mình thích
Phóng viên: Bàn về khởi nghiệp, nhiều sinh viên nói với chúng tôi rằng, họ đọc sách thì được khuyên rằng, nếu khởi nghiệp nên tự thân vận động, chứ đừng trông đợi vào nhà đầu tư bởi xác suất được rót vốn cũng như xác suất trúng sổ xố. Ông có phản hồi gì về điều này?
Tôi nghĩ rằng tự lập là điều quan trọng, bởi vì đến cuối cùng thì bạn là người chịu trách nhiệm với những gì mình làm. Và đương nhiên, chúng ta cũng nói đến việc kêu gọi đầu tư khi khởi nghiệp.
Một vài năm trước khi ở Jakarta (Indonesia), một doanh nhân nói với tôi: “Peter! Ông phải biết rằng ở Jakarta này rất khó để bạn tìm được nguồn vốn đầu tư”. Tôi trả lời rằng, thực sự thì gây quỹ đầu tư ở đâu cũng khó, dù là Helsinki hay Silicon Valley, nếu bạn luôn nghĩ việc đó khó thực hiện.
Nhưng nếu ý tưởng của bạn tuyệt vời, bạn lại có một nhóm cộng sự tốt thì việc nhận được tiền vốn chẳng phải là thách thức lớn nhất.
Chúng ta thường nói với nhau là: “Ôi! Làm việc này thật dễ, việc kia thật đơn giản nhưng kiếm tiền đầu tư thì thật khó”. Vậy làm thế nào để kiếm được tiền?
Cách tốt nhất để tìm ra câu trả lời đó là: Tấm gương!
Hãy nhìn mình trong gương và nói rằng: “Ồ! Việc này rất dễ!”. Tôi khuyên bạn hãy luôn kiên định.
Với Angry Birds, chúng tôi đã đành nhiều thời gian thử nghiệm, phát triển, 6 năm với 51 trò chơi và vẫn cứ thử và học tập từ những kinh nghiệm trước đó.
Nhiều câu chuyện thành công đi kèm với sự chờ đợi của thời gian. Bạn có một ý tưởng hay và sau khi trình bày với một nhà đầu tư tiềm năng, bạn nhận được lời khước từ. Bạn cũng như 100 ý tưởng khác bị từ chối. Nhưng hãy tiếp tục.
Bạn sẽ đối mặt với vô vàn khó khăn khi khởi nghiệp. Hãy luôn “điên”!
Có quá nhiều thứ đơn giản bạn có thể làm nhưng khởi nghiệp cần chút điên rồ. Điên rồ sẽ giúp bạn thay đổi thế giới!
Nếu muốn sống một cuộc sống nhẹ nhàng, hãy làm cho một công ty lớn, làm việc hành chính từ sáng tới chiều.
Nhưng suy cho cùng, hãy làm điều mình thích.
Thực tế thì tinh thần khởi nghiệp không chỉ là việc bạn đứng ra mở một công ty. Mà là mọi điều trong cuộc sống. Có thể trong các doanh nghiệp lớn, trong tổ chức nhà nước, tinh thần khởi nghiệp tức là thực sự làm và biến điều gì đó thành hiện thực.
Ít nhất đối với bản thân tôi, điều đó đồng nghĩa với việc con người sẵn sàng hành động chứ không chờ đợi người khác cầm tay chỉ việc.
Phóng viên: Ông duy trì sự ảnh hưởng của mình như thế nào sau khi tạp chí TIME bình chọn là 1 trong “100 gương mặt có tầm ảnh hưởng thế giới” của năm 2011?
(Cười…)! Ồ. Bảng danh sách ấy đã qua lâu rồi!
Phóng viên: Mục đích lớn nhất trong cuộc sống của ông là gì?
Tôi muốn làm những điều tuyệt vời nhất cho giáo dục.
Giáo dục là vũ khí quyền lực nhất để thay đổi thế giới và cũng là cách làm bền vững nhất.
Tôi muốn cải cách giáo dục toàn cầu trong vòng 10 năm nữa. Tôi muốn kết hợp giáo dục, khởi nghiệp và giải trí vào một mô hình cải cách xã hội.
Hệ thống giáo dục có thể học được nhiều điều từ các trò chơi giải trí. Mỗi ngày có khoảng 700 trò chơi mới ra đời. Thị trường trò chơi vô cùng cạnh tranh, chỉ những trò chơi hấp dẫn nhất trụ lại được trên thị trường. Chúng ta có thể học hỏi từ những trò chơi xuất sắc này, cách chúng được thiết kế và thu hút người chơi.
2 sinh viên Tapio Rajahalme và Emil Oksanen (Trường ĐH Vaasa) hiện đang điều hành dự án khởi nghiệp ở Ấn Độ, chia sẻ: "Hệ thống giáo dục Phần Lan sẵn sàng để SV thử nghiệm. Họ rất linh hoạt và khuyến khích SV thử và sai. ĐH tạo điều kiện để SV lấy tín chỉ khi họ làm việc cho các công ty. Chỉ cần trao đổi trước với trường về kế hoạch và nhận được sự chấp thuận của giáo viên phụ trách; Hoặc là sau khi hoàn thành công việc, bạn thông báo lại những việc đã làm.
|
Khiêm tốn trên bản đồ dân số thế giới với hơn 5 triệu dân nhưng Phần Lan là một "cường quốc" trong lĩnh vực giáo dục.
Điều đặc biệt là triết lý giáo dục suốt đời, khởi đầu từ giáo dục mầm non, tiếp nối liên tục tới giáo dục đại học và đa dạng cơ hội giáo dục dành cho cả người trưởng thành.
Thành quả này không phải đến một cách ngẫu nhiên mà là nỗ lực cải cách giáo dục mạnh mẽ của cả xã hội trong vòng hơn 50 năm qua. Thậm chí là cho tới bây giờ, chúng tôi vẫn không ngừng tiến hành thử nghiệm và cải cách giáo dục. Chúng tôi tự hào về những kết quả đã đạt được nhưng không tự thỏa mãn mà vẫn nỗ lực để làm tốt hơn.
Tư duy này hẳn không chỉ dành riêng cho lĩnh vực giáo dục.
Xin cảm ơn ông!
Hạ Anh (Thực hiện)
Ảnh: Thuý Nga
Tiến sĩ Việt kiều: Giáo dục đại học Việt Nam có vấn đề
- Tiến sĩ Nguyễn Hải Linh, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Việt Nam ở Hàn Quốc, cho rằng trình độ học sinh từ tiểu học tới THPT của Việt Nam không thua kém các nước khác, song đến bậc đại học thì nảy sinh nhiều vấn đề.