Bắt đầu xuất hiện ở các quốc gia khác trước khi vào Việt Nam, trò chơi thực tế ảo Pokemon Go một mặt có sức hấp dẫn vô cùng lớn với giới trẻ, mặt khác nó lại là mối lo ngại với các bậc phụ huynh và các quan chức ngành giáo dục. Một số quốc gia đã lên kế hoạch yêu cầu nhà sản xuất không đặt sinh vật ảo này ở bất cứ khu vực trường học nào của họ.
Người trẻ chơi Pokemon Go ở Đài Loan |
Từ đầu tháng 7, Indonesia là một trong số những quốc gia đầu tiên áp dụng lệnh cấm chơi Pokemon Go với đối tượng là cảnh sát và người trong quân đội trong khi đang làm nhiệm vụ. Hiện tại, Chính phủ nước này cũng đang xem xét việc cấm Pokemon Go ở các trường học và khẳng định rằng trò chơi này gây hại cho tâm trí của trẻ và khiến chúng trở nên “lười biếng”.
Bộ trưởng Nữ quyền và Bảo vệ trẻ em Indonesia cho biết việc cấm Pokemon Go ở trường là để giúp bọn trẻ tập trung vào học tập. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa rõ quy định này sẽ được thực hiện khi nào và bằng cách nào.
Cũng có động thái tương tự, Bộ trưởng Bộ Giáo dục Đài Loan cũng đang xem xét liệu có nên cấm trò chơi nổi tiếng này trong khuôn viên các trường học hay không dưới áp lực từ những cuộc gọi than phiền của phụ huynh ngày một tăng trong thời điểm sắp bước vào năm học mới 2016-2017 – Bộ trưởng Pan Wen-chung cho hay.
Ông Pen cũng cho biết Bộ này sẽ tham khảo cách làm của các quốc gia khác với vấn đề này, trong đó cũng sẽ gửi đi một thông báo cho nhà phát triển trò chơi để yêu cầu họ thu hồi các vị trí giấu Pokemon trong khu vực trường học.
Trong khi đó, cơ quan điều phối viễn thông quốc gia của Thái Lan đã gửi một bức thư khẩn tới nhà phát triển trò chơi Pokemon Go – Niantic Inc – để yêu cầu công ty có trụ sở tại Mỹ này thiết lập 4 khu vực cấm Pokemon xuất hiện, bao gồm: những nơi thuộc sở hữu cá nhân, đền chùa, khu vực riêng tư và những khu vực nguy hiểm như đường phố, sông nước và đường tàu…
Ủy ban Viễn thông và Phát thanh truyền hình quốc gia của nước này cũng đề nghị tất cả các nhà khai thác di động phải cung cấp bản hướng dẫn dành cho người chơi Pokemon Go. Nhà điều phối này cũng muốn các nhà khai thác thiết lập sự kiểm soát của phụ huynh đối với việc sử dụng trò chơi thực tế ảo, bằng cách thiết lập các hệ thống báo động tự động như một lời cảnh báo cho cha mẹ của người chơi, đề phòng họ bị “sốc” khi nhận hóa đơn điện thoại.
Cũng giống như Đài Loan, lãnh đạo các trường học cho biết họ sẽ yêu cầu nhà sản xuất Pokemon Go không đặt bất cứ sinh vật ảo nào của trò chơi này bên trong khuôn viên trường học và những khu vực xung quanh nhằm tránh gây ảnh hưởng đến việc học tập của học sinh.
Pokemon Go không chỉ là nỗi lo ngại với các trường học châu Á. Trường Wellington College (Anh) mới đây cũng đặt một tấm biển ở sân trường để nhắc nhở người chơi rằng khu vực này không cho phép chơi Pokemon.
Tấm biển cấm chơi Pokemon Go ở trường Wellington College |
Ngôi trường có học phí 37.000 bảng/ năm này cũng nói rằng lệnh cấm áp dụng với tất cả mọi nơi thuộc khuôn viên trường rộng 400 mẫu Anh này, trong đó bao gồm cả khu vực rừng cây, hồ nước, vườn và sân chơi. Được biết trường này có khoảng 1.050 học sinh từ 13 tới 18 tuổi.
Cũng về câu chuyện Pokemon, giám đốc điều hành của Nature Play WA – Griffin Longley – tin rằng tốt hơn là những đứa trẻ thích chơi trò bắt Pokemon nên để điện thoại của mình ở nhà khi bước vào năm học mới.
Tuy nhiên, phát ngôn viên của Bộ Giáo dục Úc cho biết mỗi trường học đều có một chính sách sử dụng điện thoại riêng, và cơ quan này chưa nhận thấy bất cứ vấn đề nào liên quan đến trò chơi này cho tới khi năm học mới bắt đầu.
Sau khi xuất hiện ở Việt Nam dù chỉ mới vài ngày, Pokemon Go ngay lập tức gây “sốt” cộng đồng game thủ Việt. Sức hút của trò chơi nổi tiếng này cũng làm nảy sinh không ít những câu chuyện dở khóc dở cười cũng như những phiền nhiễu, đặc biệt là ở những người trẻ.
- Nguyễn Thảo (tổng hợp)