Tôi được tiếp xúc với 34 học sinh đầu tiên của Trường nội trú Hy Vọng (Hope School). Đây là những cháu bé mồ côi cha mẹ trong đại dịch Covid-19 vừa qua, được tập đoàn FPT tuyển sinh và sẽ nuôi dạy miễn phí đến khi các em ra trường.

Toà nhà ăn ở, sinh hoạt của học sinh Trường nội trú Hy Vọng. (Ảnh: Hải Đăng)

Ông Hoàng Quốc Quyền, Giám đốc dự án Hope School, cho biết đây là lần đầu tiên các em học sinh trường Hy Vọng tiếp xúc với người ngoài kể từ thời điểm bắt đầu nhận học sinh từ tháng 2 năm nay. Việc hạn chế tối đa tiếp xúc với người lạ trong thời gian đầu nhằm tạo không gian riêng tư cho các bé yên tâm học tập và phát triển bản thân, vượt qua những mất mát chưa kịp nguôi ngoai.

Chúng tôi được gặp các em ngay dưới khu vực ăn ở, sinh hoạt - là một toà nhà cao tầng nằm trong FPT City rất rộng ở Đà Nẵng. Sau những bỡ ngỡ ban đầu, hàng chục bé tuổi đời từ lớp 1 đến lớp 12 bắt đầu cùng ca hát, cùng chơi thể thao với những cô chú, anh chị trong đoàn. Những khó khăn, mất mát dường như không còn hiện diện trong đôi mắt các em. 

B., cậu bé lớn nhất tại đây, kể với PV VietNamNet về những hoạt động tại trường. Cậu cho biết điều kiện vật chất lẫn tinh thần ở đây đều tốt hơn so với nhà mình ở quận 4, TP.HCM.

Ông Quyền cho hay trường Hope tạo điều kiện để học sinh có thể vui chơi, giải trí hợp lý nhất nhằm khuyến khích tính sáng tạo của mỗi bé.

Các học sinh Trường Hy Vọng đang chơi cùng nhau dưới khuôn viên nhà trường. (Ảnh: Hải Đăng)

Hiện nay trường tiếp nhận 34 học sinh, sẽ tuyển sinh thêm 200 em vào ngày 1/8 sắp tới, và khai giảng vào đầu tháng 9.

Ông Nguyễn Văn Khoa, Tổng giám đốc FPT, nói rõ trường Hope không phải trung tâm bảo trợ xã hội, không phải trung tâm SOS, mà là ngôi trường đào tạo học sinh thành người giỏi.

“Anh Bình (Chủ tịch FPT Trương Gia Bình - PV) muốn các em trở thành người giỏi ở mọi lĩnh vực trong xã hội, từ sản xuất, công nghệ, đến thể thao, nghệ thuật,...”, ông Khoa phát biểu. Đồng thời, phía trường mong muốn các em sau khi thành đạt sẽ trở lại địa phương để giúp đỡ quê hương, nơi những người thân đã mất đi vì dịch bệnh. 

Trường Hope dự kiến vận hành trong 24 năm, nuôi các em hoàn thành đến lớp 12, đại học, thậm chí học cao hơn nếu các em có khả năng. Sau thời gian này, mô hình có thể được thay đổi và duy trì như một sự đóng góp cho xã hội.

Hope School được vận hành bởi quỹ Hy vọng, FPT là 1 trong các thành viên sáng lập. Nguồn tài chính được cam kết bởi FPT và người FPT. Ngoài ra nhiều tổ chức, đơn vị cũng chung tay đồng hành cùng FPT như Sovico, Thiên Long, TW Đoàn...

Anh lớn dìu dắt em nhỏ, người trước giúp đỡ người sau

T. có gương mặt bầu bĩnh, đang học lớp 6, ở cùng anh trai học lớp 9, cũng tại trường Hope. Cậu nói thích các hoạt động thể thao trong trường như bóng rổ, đá cầu. “Nhưng con thích nhất là buổi chiều sau giờ ăn và nghỉ trưa, vì lúc đó được tự do sinh hoạt”, T. nói. Cậu học sinh cũng thích món cá chiên của các cô bảo mẫu nấu tại trường. Khi hỏi về ước mơ nghề nghiệp, T. suy nghĩ một lát rồi trả lời muốn trở thành công an. Cậu nói làm công an để bắt trộm. 

Trò chuyện xong cùng tôi, T. lễ phép nói “chào chú con đi”. Trong khi tôi trò chuyện với T., một cậu bé khác lớn tuổi hơn một chút, tên Th., đến nhìn vào tôi và nói rành mạch: “Chú đứng nói chuyện với em nhé!” rồi rời đi, như một cách gửi gắm nhưng cũng ngầm nhắc nhở em và nhắc cả chú rằng vẫn có người đang quan sát và bảo vệ em. 

Tinh thần anh chị hỗ trợ em út, người trước dìu dắt người sau cũng chính là nguyên tắc của trường Hope mà ông Quyền có nhắc đến. 

Với nhiều lứa tuổi khác nhau, các anh chị lớn được giao dìu dắt các em nhỏ. (Ảnh: Hải Đăng)

Khi được hỏi về việc vận hành hơn 1.000 học sinh đủ mọi hoàn cảnh khác nhau, cộng với nỗi đau các em không may gặp phải, ông Quyền cho rằng ngoài tình yêu thương là gốc rễ, sự phân chia theo tinh thần quân đội sẽ giúp việc quản lý chặt chẽ hơn. Hope đơn giản hoá việc quản lý bằng cách chia số lượng học sinh cụ thể cho từng giáo viên. Và chia nhóm học sinh theo từng tiểu đội để các em quản lý, bảo ban nhau. 

Điều này không phải chỉ là lời nói của ông Quyền, mà có thể quan sát trên thực tế. Chẳng hạn, trong sự kiện mà chúng tôi đến thăm trường một cách không chính thức, bên cạnh các giáo viên của trường, còn có một cậu trai vóc dáng to cao hỗ trợ mọi người, quản lý các em. Nói với tôi, em nói em tên B., vào Hope từ những ngày đầu. B. hiện đang chờ kết quả thi vào ngành Marketing của Đại học FPT. 

Theo B., em được giao nhiều trách nhiệm, bao gồm quản lý và nhắc nhở các em nhỏ hơn trong cuộc sống hàng ngày. Em khá quen thuộc với công việc này vì từng hoạt động ở đoàn trường và đoàn phường ngày còn ở nhà tại quận 4, TP.HCM. Tại Hope, em cho biết điều kiện vật chất tốt hơn ở nhà, lại có nhiều hình thức giải trí về tinh thần hơn. 

Giống như em T., B. thích các hoạt động thể thao ngoài trời như chạy bộ, bóng rổ, và phụ giúp các thầy cô chăm sóc vườn tược. 

Ông Quyền cho biết ngoài giờ học và giải trí, học sinh được tham gia trồng rau, trồng hoa. “Cô chú nào muốn lấy rau về ăn thì tự hái rồi trả tiền cho các cháu”, ông Quyền nói với chúng tôi. Tiền bán rau sẽ được bỏ vào quỹ để các cháu có thêm khoản chi tiêu.

Giám đốc dự án trường Hope khẳng định sẽ áp dụng quy định để rèn giũa các em vào khuôn khổ, tuy nhiên vẫn tạo không gian để mỗi học sinh phát triển niềm đam mê cá nhân, tài năng bản thân, để trở thành người các em mong ước sau này.

Sinh hoạt theo môi trường quân đội

Trong số khoảng 6.500 học sinh bị mồ côi cha hoặc mẹ, hoặc mất cả cha lẫn mẹ trên cả nước, những người FPT đã tiếp cận được khoảng 2.000 gia đình. Hành trình đi đến các gia đình trên khắp đất nước vẫn đang tiếp tục để đón thêm học sinh vào trường. Theo ông Quyền, các học sinh bị mồ côi nhiều nhất ở các tỉnh TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Cần Thơ và khu vực miền Trung. 

“Toàn bộ việc học tại đây được huấn luyện như trong quân đội. Các con được sử dụng điện thoại 30-45 phút mỗi ngày. Được chia nhóm thành tiểu đội 12 người. Đây cũng là lực lượng “cán bộ khung” để đón các bé khác tháng 8 sắp tới”, Giám đốc trường Hy Vọng nói.

Trong trường, bé D. nhỏ nhất đang học lớp 1 nhưng cũng dậy từ 5h30 sáng, sinh hoạt cùng với các anh chị.

Các bé được phát 4 bộ đồ/năm, mỗi quý 1 bộ, kèm theo đồ đạc mặc trong nhà. Ngoài ra, mỗi học sinh cũng được cho tiền tiêu vặt tuỳ theo độ tuổi cấp 1, cấp 2 hay cấp 3.

Ông Quyền kể, hồi mới nhận học sinh vào, 12h khuya có em gọi thầy ơi em đau bụng, phải lập tức hỗ trợ cho em. Có em lớp 6 lần đầu hành kinh nhưng thời điểm đó chưa có nữ y tá, mọi người ban đầu lúng túng nhưng rồi cũng xử lý xong. “Tất cả những kỷ niệm, những thứ mình trải qua như vậy với các em cũng là hạnh phúc của mình”, vị giám đốc - đồng thời là ông bố 5 con - chia sẻ.

Học sinh trường Hy Vọng đá bóng giao lưu với các cô chú phóng viên đến thăm trường. (Ảnh: FPT)

Cho con chữ chứ không cho tiền

Đối với những cô cậu bé mất cả cha mẹ do dịch bệnh, ông Quyền khẳng định FPT không cho tiền hay cho sổ tiết kiệm, thứ mà người FPT hoàn toàn có thể làm được. Do đó, việc thành lập trường Hope là nhằm cho các em con chữ, cho tương lai. Do tính chất của quá trình “trồng người”, việc làm này sẽ phải mất thời gian để thấy kết quả, có thể phải 5 hay 10 năm nữa. 

Ngoài việc ăn ở, sinh hoạt diễn ra tại toà nhà trong khu FPT City Đà Nẵng, việc học của các em được thực hiện hoàn toàn trong hệ thống các trường của FPT - vốn đầy đủ cấp học từ lớp 1 lên đến cao học.

Ngoài ra, ông Quyền cho hay, Đại học Phan Chu Trinh hỗ trợ chăm sóc, khám bệnh cho toàn bộ học sinh trong vòng 20 năm, nhằm giúp các em được đủ đầy cả về học tập, cuộc sống và sức khoẻ.

“Tương lai, có bạn muốn làm thầy giáo, muốn làm bác sĩ, có người lại muốn theo ngành tâm lý. FPT sẽ chính là bệ đỡ đẩy các em đi. Chúng tôi cũng tin rằng đất nước này, hệ thống này sẽ giang tay hỗ trợ các em trong hành trình cuộc sống”, ông Quyền chia sẻ.

Ngoài ra, giám đốc dự án Hy Vọng cũng cho biết, có những trường đại học trên thế giới, như Mỹ và Nhật, sẵn sàng tiếp nhận các em khi lớn lên, với điều kiện duy nhất là phải có một trình độ nhất định. Do đó, FPT sẽ dạy các em kiến thức đủ để học tập vươn xa hơn.