- PGS.TS. Đoàn Lê Giang cho rằng đề thi đã đổi mới tiến gần đến mục đích kiểm tra năng lực Ngữ văn của học sinh và phân loại trình độ để phục vụ cho tuyển sinh nhưng vẫn còn 3 điều cần suy nghĩ.


Đề có 2 phần: phần 1 Đọc hiểu (3 điểm), phần 2 Làm văn (7 điểm).

Phần 1 có 2 trích đoạn hỏi tổng cộng 8 câu. Trích đoạn 1 là một đoạn thơ của Trần Đăng Khoa về những người lính giữ đảo.Trích đoạn 2 là trích đoạn từ sách giáo khoa về chứng vô cảm.

  {keywords}
Thí sinh làm bài thi môn Ngữ văn (Ảnh Lê Anh Dũng)

Cả hai trích đoạn ấy đều khá hay và mới với thí sinh.8 câu hỏi đều sát vấn đề và vừa sức với thí sinh.

Tuy nhiên, đề thi cần xem xét: Chuyển 8 câu hỏi thành câu hỏi trắc nghiệm thì có tốt hơn không; 8 câu trả lời từ 2 trích đoạn khá dài mà chỉ lấy được 3 điểm thì đã hợp lý chưa?

Phần 2 có 2 câu yêu cầu làm bài nghị luận: Một là nghị luận xã hội về rèn luyện kỹ năng sống. Hai là bài phân tích một trích đoạn trong tác phẩm đã học trong nhà trường là Chiếc thuyền ngoài xa.

Câu nghị luận xã hội khá hay, mới mẻ, phù hợp với tâm lý lứa tuổi. Câu nghị luận văn học trong đề chép cả đoạn văn rất dài, dù bài này đã được học. Điều đó cho thấy nhóm ra đề muốn thí sinh phân tích trực tiếp từ văn bản chứ không phải học thuộc văn mẫu.

Đánh giá chung, đề thi năm nay vẫn tiếp tục con đường đổi mới cách thức đánh giá môn Ngữ văn chống văn mẫu, chống học vẹt mà đi vào kiểm tra năng lực của học sinh. Đề thi phù hợp với trình độ của học sinh.

3 vấn đề cần tiếp tục suy nghĩ

Với đề thi này học sinh có học lực trung bình cũng có thể làm được trên dưới 5 điểm. Tuy nhiên cũng còn có một số vấn đề cần tiếp tục suy nghĩ:

Thứ nhất, đề thi thế này khó cho học sinh giỏi thể hiện năng lực của mình. Học sinh khá giỏi nếu sơ ý cũng có thể bị mất điểm.

Thứ hai, tám câu đầu hỏi ở Phần 1 khá mơ hồ về phương án trả lời, rất dễ tạo sự co giãn trong việc cho điểm – ngoài chuyện được cho quá ít điểm như đã nói ở trên.

Thứ ba, ban ra đề vẫn chưa đi đến phương án hợp lý hơn: thi trắc nghiệm và chỉ để dành một phần tỷ lệ nhỏ cho điểm làm văn.

Điều này nhiều người đã khuyến cáo từ lâu, bản thân chúng tôi cũng đã góp ý từ hơn 10 năm trước.

Đề thi hiện nay vẫn để ra quá nhiều khoảng không co giãn cho người chấm. Trong khi đó, người chấm thì phân tán ở nhiều cơ sở, năng lực và cách chấm điểm không thống nhất, nên rất dễ dẫn đến kết quả điểm số không đồng đều.

PGS.TS. Đoàn Lê Giang (Trưởng khoa Ngôn ngữ và Văn học, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, thuộc ĐHQG TP.HCM)

  • Lê Huyền (Ghi)