- “NXB đã nộp lưu chiểu cho Cục, khi thu hồi thì họ phải báo cáo với Cục, đằng ngày họ âm thầm thu hồi thì chúng tôi vẫn coi như là họ vẫn đang phát hành cuốn đó. Việc này là sai quy định và lại thêm một tội nữa", ông Chu Văn Hòa, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành.
Như VietNamNet đã đưa tin, cuốn sách “Bộ luật dân sự và văn bản hướng dẫn thi hành 2014” NXB Lao động – Xã hội đang khiến dư luận bức xúc vì bìa sách phản cảm. Điều đáng nói là hình ảnh trên bìa sách, thay vì vị thần Công Lý lại là hình ảnh diễn viên Công Lý mặc một chiếc quần ‘chíp’ hai tay cầm hai cán cân.
Ông Chu Văn Hòa, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành
VietNamNet đã có buổi trao đổi với ông Chu Văn Hòa Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành để tìm hiểu về hướng xử lý của cơ quan đứng đầu ngành xuất bản.
- Thưa ông, đến thời điểm này Cục đã nhận được những báo cáo nào từ phía nhà xuất bản Lao động – Xã hội?
NXB Lao động –Xã hội đã có báo cáo cho Cục lần thứ nhất. Họ cũng triển khai nhanh, cho người đến làm việc với bộ phận thanh tra để xác định mức độ vi phạm.
Chúng tôi đã có buổi làm việc với nhau, ngoài vụ việc sách luật in hình diễn viên Công Lý thì chúng tôi cũng làm rõ một bìa sách khác cũng là sách Luật nhưng một bên in hình cái cân, bên kia in hình đô la. Bìa sách này cũng của NXB Lao động – Xã hội.
Cùng một lúc chúng tôi đình chỉ phát hành trên toàn quốc 2 cuốn này, yêu cầu nhà xuất bản có biện pháp thu hồi triệt để. Chuyện thu hồi này là việc của họ, chậm nhất trước ngày 21/11 phải báo cáo. Còn đối với cơ quan quản lý nhà nước là đình chỉ phát hành. Từ bây giờ, những đơn vị, cá nhân nào tiếp tục bày bán cuốn sách vi phạm trên thị trường là không được.
- Cục đã ra văn bản đình chỉ, hướng xử lý tiếp theo sẽ như thế nào thưa ông?
Hình thức phạt thì ngoài hình thức phạt hành chính theo luật định, lần này, Cục yêu cầu nhà xuất bản phải làm rõ trách nhiệm cá nhân. Trong đó cụ thể là lãnh đạo, trách nhiệm của người chịu trách nhiệm nội dung cuốn sách, người biên tập cuốn sách. Mà không chỉ trách nhiệm của NXB, Cục sẽ tiếp tục làm việc với đối tác liên kết, xem xét mức độ vi phạm của đối tác liên kết trong trường hợp này có hướng xử lý thích hợp. Sẽ không có chuyện chỉ một bên chịu trách nhiệm mà đối tác liên kết cũng phải đồng thời chịu trách nhiệm.
Chúng tôi đang cho xác minh lại đối tác liên kết với NXB Lao động – Xã hội. Đơn vị này phải nộp các tài liệu về vấn đề liên kết. Sau đó, Cục sẽ xem xét các văn bản đó. Trên cơ sở đó mới xác minh hình thức và mức độ vi phạm.
Với đối tác liên kết, nhẹ thì phạt tiền và thu hồi, nặng thì có thể tạm đình chỉ việc tham gia liên kết theo các quy định của Luật Xuất bản. Lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông yêu cầu xử lý thật nghiêm khắc vụ này. Cục sẽ xử lý kiên quyết và sẽ sớm thông qua văn bản về các hình thức xử lý tiếp theo.
Quy trách nhiệm cuối cùng là ai? Những ai phải chịu trách nhiệm? vấn đề này phải được làm rõ. Lần này, với hành lang pháp lý hiện có, Cục đặt ra hai vấn đề. Một là xác định đúng mức độ vi phạm và xác định được nguyên nhân vi phạm để khắc phục triệt để. Thứ hai là Cục đặt mục tiêu quy được đúng trách nhiệm cá nhân chứ không chung chung cho NXB và có biện pháp xử lý tương ứng.
Ví dụ, nếu biên tập chịu trách nhiệm cuốn sách này mà để xảy ra vi phạm thì lần tới, Cục sẽ không cấp chứng chỉ hành nghề biên tập viên cho đối tượng này. Qua vụ việc này, Cục cũng sẽ phát hành chứng chỉ hành nghề. Những người không có chứng chỉ hành nghề thì không được đứng tên biên tập sách. Nếu không thì ông giám đốc bán giấy phép, in đại trà. Đây là câu chuyện chúng ta phải làm để chấn chỉnh lại hoạt động xuất bản.
Những điều này đã được chuẩn bị rất kỹ khi xây dựng hành lang pháp lý trong luật từ đó nâng cao chất lượng xuất bản. Cứ mỗi lần phát hiện vi phạm là mỗi lần chúng ta rà soát lại theo tinh thần của hành lang pháp lý mới, trên cơ sở đó chấn chỉnh dần dần hoạt động xuất bản. Mong quần chúng nhân dân và báo chí càng phát hiện ra vi phạm thì càng tốt để sớm chấn chỉnh hoạt động này.
- NXB Lao động - Xã hội có nói, đối tác liên kết với NXB in xong và nộp lưu chiểu cũng như phát hành ra thị trường vào tháng 7/2014 nhưng ngay sau đó, NXB đã phát hiện lỗi sai và thu hồi. Cục có biết việc này?
Hoàn toàn không, chúng tôi không được báo cáo gì hết. NXB đã nộp lưu chiểu cho Cục, khi thu hồi thì họ phải báo cáo với Cục, đằng ngày họ âm thầm thu hồi thì chúng tôi vẫn coi như là họ vẫn đang phát hành cuốn đó. Việc này là sai quy định và lại thêm một tội nữa.
- Những năm gần đây, dư luận cũng đã nhiều lần lên tiếng về sự lỏng lẻo trong quản lý liên kết xuất bản hiện nay. Nhiều NXB gần như chỉ làm nhiệm vụ cung cấp giấy phép xuất bản cho đối tác rồi ngớ người khi phát hiện xuất bản phẩm đã bị tự ý thay đổi rất nhiều so với bản duyệt ban đầu. Theo ông, có cần thêm chế tài xử phạt mạnh hơn nữa?
Không cần thêm văn bản luật nào nữa. Việc liên kết xuất bản đã có từ lâu rồi. 20 năm nay, hiện tượng buông lỏng quản lý liên kết là có và càng ngày càng nặng. Từ lâu Cục đã cảnh báo điều này.
Thực ra, không phải Luật không có chế tài đủ mạnh. Luật Xuất bản năm 2012, NĐ 159 và NĐ 195 quy định quá rõ ràng, cá nổi lên là bắt thôi. Sự lỏng lẻo trong quá trình xuất bản liên kết lâu nay vẫn xảy ra nhưng vấn đề là do mình chưa bắt được. Lâu nay lưới rách, cá không nổi. Bây giờ cá mới bắt đầu nổi bởi thế nó rộn ràng lên.
3 năm qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đầu tư xây dựng hệ thống văn bản pháp luật để quản lý chặt chẽ và đồng bộ đối với hoạt động xuất bản. Tất cả nhằm mục đích quản lý đồng bộ đối với hoạt động này đi vào quy chuẩn để hạn chế tối đa sai sót. Trên cơ sở những quy định ở những văn bản này, chúng ta có thể đấu tranh một cách có hệ thống đối với hiện tượng làm ẩu, làm sai trong xuất bản lâu nay. Số NXB, liên kết làm ẩu, ăn cắp bản quyền, in ẩu sẽ dần dần được đưa ra ánh sáng.
Xin cảm ơn ông!
Tình Lê