- The Monuments Men là bộ phim đầu tiên kể chuyện có thật về đội quân các nhà khoa học, sử gia, họa sĩ...xông pha giữa tầm bom đạn của Thế chiến thứ hai để cứu được hơn 5 triệu cổ vật bị Hitler đánh cắp.

Fan tung trailer 'Non-Stop' phiên bản Lego cực hài

Số phận của những cổ vật, di tích cất lên tiếng nói cho lịch sử luôn là đối tượng của nạn cướp bóc chiếm đoạt trong chiến tranh, kể từ thời La Mã cổ đại cho tới những xung đột quân sự gần đây như ở Syria. Chiến tranh kéo theo tình trạng phá hủy đền thờ, thánh đường và giành giật cổ vật.

{keywords}
Geore Clooney (giữa) trong phim The Monuments Men.

Cuộc chiến thầm lặng

Thế giới điện ảnh đã kể rất nhiều về Thế chiến thứ hai, nhưng điều lạ lùng là chưa từng có bộ phim nào khai thác việc giữ gìn các cổ vật, di tích cổ trước sự hủy diệt của cuộc chiến. Nơi mà Hitler đã trở thành bạo chúa đáng sợ khi cướp về hàng triệu cổ vật, sách cổ, nữ trang, kiệt tác nghệ thuật (của Leonardo da Vinci, Michelangelo, Raphael, Picasso...) để mở một bảo tàng có quy mô hoành tráng nhất thế giới tại quê nhà của mình ở Linz (Áo). Nhà độc tài này còn có cả một đội quân đặc biệt Einsatzstab Reichsleiter Rosenberg (ERR) – với nhiệm vụ chính là săn lùng những kiệt tác mà ông ta muốn sở hữu.

The Monuments Men của đạo diễn George Clooney (kiêm đồng biên kịch và đóng chính) thuật lại câu chuyện có thật về đội quân đặc biệt có tên gọi Monuments Men (MFAA), ra đời lần đầu tiên trong giai đoạn cuối của thế chiến thứ hai. Họ gồm những chuyên gia, học giả, nhà sử học, họa sĩ...có nhiệm vụ thâm nhập sâu khu vực chiến sự để cứu lấy hàng triệu cổ vật bị mắc kẹt và cướp bóc. 

Bộ phim được xây dựng dựa trên cuốn sách ăn khách The Monuments Men: Allied Heroes, Nazi Thieves, and the Greatest Treasure Hunt in History của nhà văn Robert Edsel. Đối với Edsel, đó chính là những người anh hùng với những chiến công thầm lặng.Cuốn sách lẫn phim lần lại lịch sử về The Monuments Men, vốn là đội quân được triển khai năm 1943 sau khi hiệp hội bảo tàng gửi cảnh bảo tới lãnh đạo phe đồng minh rằng việc quân đội đổ bộ vào châu Âu có thể sẽ gây ra những thiệt hại lớn cho các công trình kiến trúc hàng trăm năm tuổi, cũng như những gian trưng bày đang lưu giữ hàng trăm các kiệt tác nghệ thuật. Tướng Eisenhower đã lệnh yêu cầu phải nỗ lực hết sức để hạn chế tối đa tổn thất cho tác phẩm nghệ thuật vô giá của nhân loại.

Di sản để lại

{keywords}
Monuments Men gồm những chuyên gia, học giả, nhà sử học, họa sĩ...có nhiệm vụ thâm nhập sâu khu vực chiến sự để cứu lấy hàng triệu cổ vật bị mắc kẹt và cướp bóc. 

Mặc dù tính đến năm 1951, đã có tổng cộng khoảng 350 thành viên hoạt động trong MFAA, nhưng chỉ có 7 chiến sỹ gia nhập quân ngũ trong vòng 6 tuần đầu sau ngày quân đồng minh đổ bộ. Và tất cả bọn họ đều không hề có kinh nghiệm chiến đấu. Như thể một phép màu, họ đã thành công trong việc tìm lại được hơn 5 triệu món cổ vật – ước tính bằng khoảng 20% tổng số lượng cổ vật bị cướp đi. 

Trong khi các thành viên của nhóm Monuments Men đều đạt được những thành công vang dội trong sự nghiệp nghệ thuật của mình – rất nhiều người trong số họ đã trở thành giám đốc hay quản lý bảo tàng thì những chiến công mà họ đạt được trong thời chiến lại được rất ít người biết tới.

Trong những cuộc chiến diễn ra gần đây tại Bosnia, Trung Đông và Bắc Phi, người ta đã phải chứng kiến rất nhiều những di sản văn hóa bị phá hủy bởi bom đạn chiến tranh. Các di chỉ khảo cổ liên tục bị đào bới bởi những kẻ cơ hội, lợi dụng cuộc chiến để đánh cắp và buôn lậu các cổ vật ra thị trường. Có thể hiểu mọi người đều mong muốn các lực lượng quân đội đều tiếp tục duy trì đội quân Monuments Men trong hàng ngũ của mình như đã từng làm trong Thế chiến thứ hai.

Tuy nhiên, tính đến nay trên toàn châu Âu và nước Mỹ, cũng mới chỉ có khoảng 14 đội MFAA. Con số này đã bao gồm cả lực lượng dự phòng mà quân đội Mỹ có thể điều động bất cứ lúc nào. Quân đội Anh thậm chí không có thành viên nào phụ trách. Những đội MFAA hiện nay còn không được tham gia các lớp tập huấn đặc biệt trước khi ra chiến trường Iraq và Afghanistan. 

{keywords}
Matt Damon và Cate Blanchett (vừa đoạt giải Oscar nữ chính) trong phim.

Và hậu quả: quân đội Mỹ đã vấp phải sự chỉ trích nặng nề của dư luận khi không thể bảo vệ được những di sản văn hóa của Iraq trong thời gian đổ bộ và chiếm đóng tại quốc gia này. Ngay trong những ngày đầu tiên của cuộc chiến, bảo tàng quốc gia Iraq đã bị đánh cướp và quân đội thậm chí còn dựng căn cứ ngay trên những khu vực nhạy cảm ở các thành phố cổ kính.   

Đồng biên kịch phim Grant Heslov chia sẻ: “Thậm chí ngày nay, mọi người vẫn đang cố gắng giành lại những gì mà phát xít đã tước đoạt của gia đình họ. Gần đây, một kho báu khổng lồ đã được tìm thấy trong một căn hộ ở thành phố Munich – 1,500 tác phẩm nghệ thuật của các đại danh họa Matisse, Picasso, Dix và các họa sỹ khác với tổng giá trị lên tới 1,5 tỉ đô-la, vốn được cho rằng đã vĩnh viễn thất lạc. Tôi nghĩ điều này chỉ ra rằng, đó không phải là một câu chuyện đã chấm dứt vào năm 1945. Công cuộc tìm kiếm những kiệt tác bị thất lạc vẫn đang tiếp tục được tiến hành”.

Thương vụ truy tìm

{keywords}
Còn hàng triệu cổ vật vẫn chưa được tìm thấy để trả về cho chủ nhân sau Thế chiến thứ hai.

Đến nay, vẫn còn rất nhiều việc phải làm để giải quyết được những hậu quả mà Thế chiến II gây ra. Ví dụ như với nước Pháp, ít nhất 20.000 cổ vật đã được vận chuyển tới gian triển lãm Jeu de Palme nằm gần bảo tàng Louvre. Tại nơi đây, quân Đức quốc xã đã lựa chọn những tác phẩm xuất sắc nhất để trao cho những người đứng đầu, số còn lại sẽ được cất giấu trong các địa điểm bí mật, bị đem rao bán hoặc đem đốt thành tro. 

Hầu hết những cổ vật này đều thuộc quyền sở hữu của những gia đình Do Thái, sau đó đều đã bị thiệt mạng bởi nạn tàn sát hàng loạt của Đức quốc xã. Và giờ đây, hậu duệ của những gia đình này muốn được biết điều gì đã xảy ra với những cổ vật gia truyền của dòng tộc mình. 

Giờ đây có cả một ngành công nghiệp, nơi mà các công ty tư nhân bắt tay với chính chủ sở hữu của các cổ vật để tiến hành buôn bán. Ông Witman – cựu đặc vụ FBI nhận định: “Họ không tìm kiếm những gì đã bị thất lạc. Họ tìm tới những nơi đang sở hữu các món đồ đó và thực hiện các thương vụ. Hành động đó mang đậm tính thương mại vì các công ty này sau đó sẽ đòi một khoản tiền phí khổng lồ nếu những người chủ sở hữu đích thực muốn lấy lại được hiện vật. Đó không phải là cách mà mọi người khắp nơi trên thế giới đang làm để trao trả lại cổ vật cho chủ nhân của chúng”.

Một trong số những thành viên cuối cùng của Monuments Men hiện vẫn còn sống chính là Harry Ettlinger. Ông hồi tưởng: “Thay vì lấy đi một thứ gì đó, chúng tôi mang nó trả về chỗ cũ. Thật đặc biệt phải không”. Và sự thiếu vắng các đội quân Monuments Men trong lực lượng quân đội hiện đại đã làm ông cảm thấy rất buồn vì “chúng ta vẫn chưa học được bài học mà quân đồng minh đã truyền dạy lại từ trong thế chiến thứ hai”.

Khải Trí tổng hợp