Nắm bắt được tâm lý 'sính ngoại' của nhiều người, hàng xách tay ngày càng ồ ạt đổ về. Hàng hóa đa dạng, phong phú nhưng nguồn gốc và chất lượng vẫn là ‘ẩn số’ đối với người tiêu dùng.

TIN BÀI KHÁC:


Nhiều như... hàng chợ

Chiều 30/6, trong vai một người đi mua hàng xách tay, tôi đến con phố Nguyễn Sơn, quận Long Biên, Hà Nội, nơi vẫn được giới “săn” hàng hiệu rỉ tai là “chợ hàng xách tay” vừa “rẻ” vừa “xịn” ở Thủ đô.

Nếu không được giới thiệu trước, nhiều người mới đến dễ bị đánh lừa bởi vẻ ngoài im ắng. Dọc theo con phố này chỉ lác đác hai, ba cửa hiệu có phô biển “hàng xách tay” còn hầu hết các cửa hàng trong khu này đều đặt ở nhà riêng, rải rác trong những ngõ ngách sâu. Vì thế, chỉ những người khách quen, sành mua đồ, sính hàng hiệu, hoặc giới mua buôn mới biết mà tìm đến.

Theo chỉ dẫn của một người quen, tôi tìm được ngôi nhà chuyên bán đồ xách tay có tiếng của một người tên V. trong con ngõ 196. Nhìn từ ngoài, đó chỉ là một căn nhà riêng ba tầng không có gì đặc biệt, nhưng nếu để ý kỹ qua cánh cửa sắt khép hờ, phía sân trong xe máy đã để chật cứng, vài người phụ nữ đang lựa hàng.

Nhìn từ phía ngoài, không ai biết trong căn nhà này chứa cả "rừng" đồ ngoại.
Bước vào phía trong căn nhà, tôi bị choáng ngợp bởi hàng loạt túi xách, quần áo, mỹ phẩm, kính…của những nhãn mác hàng hiệu nổi tiếng thế giới như Burberry, Lacoste, LV, Versace, D&G, Just Cavalli, Ohui, Channel, Olay, L’Oreal… bày la liệt trên tủ, trên giá kệ và cả dưới sàn nhà.

Tại đây, chỉ một số ít mỹ phẩm, quần áo có giá tiền trăm còn hầu hết các mặt hàng được tính bằng tiền triệu. Dù vậy, mức giá này vẫn “mềm” hơn khá nhiều so với các cửa hàng, siêu thị có nhập khẩu các mặt hàng cùng thương hiệu. Trên thị trường, một lọ nước hoa Channel của Pháp bán 2 triệu đồng hay hộp phấn Lancom giá 1,2 triệu thì tại đây lần lượt chỉ có giá 1,7 triệu đồng và 950.000 đồng. Những món hàng giá càng đắt thì so với thị trường lại càng rẻ hơn.

Không chỉ lập “đại bản doanh” tại con phố Nguyễn Sơn, thị trường hàng xách tay thời gian gần đây phủ sóng khắp Thủ đô. Chỉ cần gõ lên công cụ tìm kiếm dòng chữ “hàng xách tay”, hơn 34 triệu kết quả về loại hàng này đủ khiến người tiêu dùng hoa mắt. Bên cạnh các mặt hàng mỹ phẩm, thời trang là vô số các loại đồ điện tử như điện thoại, laptop với đủ loại nhãn hiệu…Hầu hết đều được quảng cáo hàng “xịn”.

Ẩn số về chất lượng, nguồn gốc

Tiếp tục lần mò trên mạng, tôi tìm đến cửa hàng bán đồ xách tay tại ngõ 192, phố Lê Trọng Tấn. Vẫn cung cách bán hàng tại Nguyễn Sơn, căn nhà này cửa sắt đóng kín, chỉ khi nhìn kỹ qua khe cửa mới thấy tấm biển nhỏ có đề dòng chữ: "Có bán hàng, mời quý khách đẩy cửa vào". Phía trong căn phòng hơn 20 m2 là cả một thế giới hàng hiệu được trưng bày khá chuyên nghiệp.
Nhìn kỹ qua khe cửa mới thấy tấm biển nhỏ có đề dòng chữ: "Có bán hàng, mời quý khách đẩy cửa vào" treo trên cửa sổ.

Bà chủ cửa hàng khoảng ngoài 50 tuổi thấy tôi, đon đả tiếp đón: "Lần đầu đến hả cháu, cứ xem hàng tự nhiên, cháu muốn tìm thứ gì để cô tư vấn". Tôi tỏ ý muốn tìm một chiếc túi xách để làm quà tặng "sếp", bà chủ đưa cho tôi một chiếc túi hiệu Louis Vuitton màu nâu có giá 3 triệu đồng. Cầm chiếc túi trên tay, xem xét kỹ lưỡng, tôi giật mình khi thấy chiếc tem bên sườn phía trong túi có dòng chữ "Made in China". Tiếp tục xem một chiếc túi hiệu Nine West màu đen bày trên kệ, lần này tem hàng là "Made in Viet Nam".

Thấy tôi thắc mắc, bà chủ vội vàng giải thích: "Bây giờ người ta phân công lao động hết, vẫn là nhãn hàng đó nhưng hãng LV thuê người Trung Quốc gia công. Nine West cũng vậy, họ thuê người Việt Nam gia công rồi lại xuất ra nước ngoài. Con gái cô làm tiếp viên hàng không, thường xuyên ra nước ngoài lấy hàng về cho cô bán nên cháu cứ yên tâm về chất lượng".
Những chiếc túi hàng xách tay trên kệ này có giá từ 1,5 đến 7 triệu đồng.
Theo chị Nguyễn Thu Thảo, nhân viên ngân hàng BIDV, một người "sành" về hàng hiệu thì túi LV xịn không bao giờ có giá dưới 1000 USD. "Hàng xách tay có năm bảy loại, nếu là người hiểu biết về hàng hóa kiểu này thì có thể chọn được đồ xịn, giá mềm. Nhưng bây giờ đa số người ta lấy hàng Quảng Châu, Trung Quốc nhái hàng hiệu rồi quảng cáo là "hàng xách tay" để qua mắt người mua, chứ làm gì có túi LV xịn mà giá có 3 triệu đồng", chị Thảo cho hay.

Anh Hà Thanh T., một người chuyên buôn bán điện thoại hàng xách tay cũng khẳng định: "Đồ điện tử xách tay có nhiều loại, trong đỏ chủ yếu là hàng dựng, hàng secondhand, hàng loại II, loại III và hàng loại I. Nếu biết về hàng điện tử thì có thể chọn lựa được hàng loại I là hàng xịn không phải lăn tăn gì. Loại I cũng còn loại nữa là hàng không rõ nguồn gốc, có thể được mua bằng tiền "bẩn" tức là mua bằng thẻ tín dụng ăn cắp. Còn hàng dựng, hay loại II, III thì không nên dùng vì đều là hàng đã hỏng hóc được mông má lại".

(còn tiếp)

(Theo Đất Việt)