Ngày 11/4, Viện KSND tỉnh Bình Thuận vừa hoàn tất cáo trạng, chuyển hồ sơ vụ án đến TAND tỉnh Bình Thuận truy tố các bị can trong vụ sai phạm tài chính nghiêm trọng tại Trung tâm Y tế (TTYT) TP Phan Thiết.
Các lãnh đạo TTYT Phan Thiết và Nguyễn Duy Hiển tại phiên tòa |
Các bị can gồm: Nguyễn Duy Hiển (nguyên Kế toán, Trưởng phòng Tài chính - Kế toán, TTYT TP Phan Thiết) bị truy tố tội tham ô tài sản; các bị can Nguyễn Trung Hà (nguyên Giám đốc), Nguyễn Thị Bích Anh (nguyên Phó Giám đốc), Ngô Giang Vũ (nguyên Phó Giám đốc), Trần Thị Thu Thảo (nguyên Kế toán trưởng), Nguyễn Quang Thời (nguyên Giám đốc TTYT TP Phan Thiết) cùng bị truy tố tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Theo cáo trạng, TTYT TP Phan Thiết trực thuộc Sở Y tế tỉnh Bình Thuận được thành lập trên cơ sở hợp nhất Bệnh viện thành phố Phan Thiết và Trung tâm Y tế thành phố Phan Thiết. Là đơn vị sự nghiệp y tế công lập, hoạt động theo cơ chế tự đảm bảo một phần chi thường xuyên, có chức năng cung cấp dịch vụ chuyên môn, kỹ thuật về y tế dự phòng, khám bệnh, chữa bệnh, phục hồi chức năng và các dịch vụ y tế khác theo quy định của pháp luật.
Trong thời gian từ tháng 12-2013 đến tháng 6-2018, lợi dụng chức trách, nhiệm vụ được giao và sự buông lỏng quản lý về tài chính của lãnh đạo và kế toán trưởng, Nguyễn Duy Hiển (36 tuổi) đã nhiều lần chiếm đoạt tiền của TTYT TP Phan Thiết. cụ thể Hiển đã nâng khống hệ số phụ cấp ưu đãi nghề chiếm đoạt số tiền gần 4 tỷ đồng; nâng khống số lượng người được hưởng chế độ ốm đau, thai sản chiếm đoạt số tiền hơn 1,5 tỷ đồng; nâng khống tiền truy lĩnh lương, thu nhập tăng thêm, tiền làm ngoài giờ chiếm đoạt số tiền gần 1 tỷ đồng. Tổng số tiền Nguyễn Duy Hiển chiếm đoạt là hơn 6,3 tỷ đồng.
Kết luận giám định tài chính xác định toàn bộ số tiền bị Nguyễn Duy Hiển chiếm đoạt thuộc nguồn ngân sách Nhà nước và nguồn thu dịch vụ của TTYT TP Phan Thiết. Đến ngày 13-5-2019, Hiển bị khởi tố, bắt giam.
Ngoài hành vi tham ô tài sản của Nguyễn Duy Hiển, quá trình điều tra còn xác định hành vi thiếu trách nhiệm của một số lãnh đạo thuộc Trung tâm Y tế thành phố Phan Thiết. Tháng 12-2020, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bình Thuận đã khởi tố 5 bị can nguyên là giám đốc, phó giám đốc, kế toán trưởng TTYT TP Phan Thiết.
Cụ thể, Trần Thị Thu Thảo đã không thực hiện đúng nhiệm vụ và trách nhiệm được giao; thiếu kiểm tra, giám sát khi ký duyệt đối với các chứng từ do Nguyễn Duy Hiển lập khống; thiếu theo dõi, đối chiếu với nguồn thu - chi để phát hiện, ngăn chặn hành vi vi phạm của Hiển; trực tiếp ký duyệt các chứng từ thanh toán với tổng số tiền mà Hiển lập khống và chiếm đoạt hơn 5 tỷ đồng.
Ngô Giang Vũ, được giám đốc ủy quyền theo dõi, ký duyệt các chứng từ thanh toán từ tháng 7 năm 2015 đến tháng 6 năm 2018, nhưng đã thiếu kiểm tra, giám sát việc lập chứng từ thanh toán dẫn đến đã ký duyệt chứng từ thanh toán với tổng số tiền mà Nguyễn Duy Hiển lập khống và chiếm đoạt 3,9 tỷ đồng.
Nguyễn Trung Hà, từ tháng 9 năm 2017 đến tháng 6 năm 2018 là người đại diện theo pháp luật, chủ tài khoản nhưng đã thiếu kiểm tra, giám sát việc thu chi tại đơn vị và cấp dưới trong thời gian dài, đã trực tiếp ký duyệt chứng từ thanh toán với số tiền mà Hiển lập khống và chiếm đoạt là hơn 1,7 tỷ đồng.
Nguyễn Thị Bích Anh, từ năm 2013 đến tháng 7 năm 2015 được Nguyễn Quang Thời là giám đốc ủy quyền theo dõi, ký duyệt các chứng từ thanh toán nhưng đã thiếu kiểm tra, giám sát việc lập chứng từ thanh toán, đã trực tiếp ký duyệt chứng từ thanh toán mà Nguyễn Duy Hiển lập nâng khống và chiếm đoạt với tổng số tiền gần 1 tỷ đồng.
Nguyễn Quang Thời, từ năm 2013 đến tháng 9 năm 2017, Nguyễn Quang Thời là người đại diện theo pháp luật, chủ tài khoản nhưng đã thiếu kiểm tra, giám sát việc thu, chi tài chính tại đơn vị, đã trực tiếp ký chứng từ thanh toán với tổng số tiền mà Nguyễn Duy Hiển lập nâng khống và chiếm đoạt hơn 500 triệu đồng.
Hiện cả 5 bị can nguyên là lãnh đạo TTYT TP Phan Thiết đều bị áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú.
Nguyễn Duy Hiển tại phiên tòa sơ thẩm lần 1 |
Trong quá trình điều tra, Nguyễn Duy Hiển và gia đình nộp khắc phục số tiền 386 triệu đồng; Nguyễn Quang Thời nộp khắc phục số tiền 900 triệu đồng, Nguyễn Trung Hà nộp khắc phục số tiền 1 tỷ đồng, Ngô Giang Vũ nộp khắc phục số tiền 1,8 tỷ đồng, Trần Thị Thu Thảo nộp khắc phục số tiền 1,35 tỷ đồng và Nguyễn Thị Bích Anh nộp khắc phục số tiền 20 triệu đồng. Tổng số tiền các bị can đã nộp để khắc phục hậu quả là 5,4 tỷ đồng. Còn lại số tiền hơn 800 triệu đồng đến nay chưa được khắc phục.
Các bị can trong vụ án đều là những người có nhân thân tốt, chưa có tiền án, tiền sự; đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải; tích cực hợp tác với Cơ quan điều tra, tích cực khắc phục hậu quả thiệt hại; có nhiều thành tích trong công tác, … đây là những tình tiết giảm nhẹ quan trọng để xem xét khi quyết định hình phạt.
Riêng vụ án tham ô của Nguyễn Duy Hiển, tháng 7-2020, TAND tỉnh Bình Thuận đã xét xử sơ thẩm nhưng đã trả hồ sơ để điều tra bổ sung.
Tại phiên tòa này, trả lời về việc vì sao lại bỏ tiền túi khắc phục hành vi vi phạm của Hiển, ông Nguyễn Trung Hà (nguyên giám đốc Trung tâm Y tế ) cho biết sau khi làm việc với Cơ quan CSĐT, qua phân tích, ông Hà thấy được trách nhiệm của mình.
Sau đó, ông đã về đơn vị bàn bạc để cùng khắc phục số tiền mà Hiển tham ô là hơn 5,4 tỉ đồng. Theo ông Hà, dù ông mới về tiếp nhận Trung tâm Y tế nhưng với trách nhiệm là người đứng đầu đơn vị, ông đã phải huy động nhiều nguồn, vay mượn và thế chấp cả xe ô tô để khắc phục 1 tỉ đồng.
Những người còn lại cũng cho biết đã tự nộp tiền khắc phục dựa trên số tiền gia đình huy động được vì tất cả đều cảm thấy có trách nhiệm liên quan.
Đề nghị truy tố ông Trần Vĩnh Tuyến, Lê Tấn Hùng
Cơ quan CSĐT Bộ Công an vừa hoàn tất kết luận điều trả chuyển hồ sơ sang Viện KSND tối cao đề nghị truy tố ông Lê Tấn Hùng - nguyên Tổng giám đốc SAGRI, Trần Vĩnh Tuyến - nguyên Phó chủ tịch UBND TP.HCM và 14 bị can.
Theo PLO