Câu chuyện của loài vật mà ngỡ như đang viết về con người, truyện thiếu nhi nhưng dành cho cả người lớn, truyện dài Chú vịt Mồ Côi được tác giả Tuyền Nguyễn gửi gắm nhiều thông điệp ý nghĩa.
Xa xa về phía vạt cỏ rậm rạp bên hông nhà một vùng thôn quê có một đàn vịt, bên trong bãi quây đàn vịt ấy có chứa một câu chuyện, và tác giả Tuyền Nguyễn đã khéo léo làm trung gian đưa câu chuyện của loài vật ấy về ngôn ngữ con người để các em nhỏ có thể hiểu được. Cuốn sách lấy tên nhân vật chính trong câu chuyện là chú vịt Mồ Côi làm tựa đề.
Bằng giọng văn đậm chất Nam Bộ, lấy bối cảnh thôn quê, cùng những trò chơi và món ăn vặt giờ đây trở thành lạ lẫm với trẻ em thành thị: tắm sông, trèo cây, hái quả trứng cá, tranh giành nhau từng trái chùm bao, tác giả cho thấy bầy vật nuôi cũng yêu thương nhau, ghen ghét nhau, chòng ghẹo nhau, nô đùa nhau chẳng khác gì thế giới con người. Và hơn hết thảy, các con vật bé xíu tưởng chừng cả đời vô lo ấy cũng không tránh khỏi sự trưởng thành, mà trưởng thành là đi cùng với mất mát và chia ly.
Chú vịt Mồ Côi không biết mẹ mình là ai, chú cũng không rõ mình từ đâu đến, chú chỉ biết rằng mình được gia đình nhà chị Út nuôi cùng với bốn người anh nữa. Vì là em út nên chú được chiều lắm, nhiều lúc còn bày trò chí chóe với các anh. Hai Vịt là anh cả, cũng là người răn dạy Mồ Côi những bài học chập chững vào đời. Trêu chọc người khiếm khuyết, bắt nạt kể yếu, bày trò tai ác vu vạ người, những sai trái ấu thơ hầu như ai cũng từng mắc phải, Mồ Côi cũng vậy, nhưng chú may mắn đã có anh Hai Vịt răn dạy chu đáo. Để sau này như Mồ Côi nhớ lại, chú sẽ chỉ cần cười xòa chứ không phải ân hận. Bên cạnh anh em, bạn bè, còn có một “vai phản diện” nho nhỏ là thằng vịt Chấm Đen, một thằng ưa bắt nạt, và kình địch ra mặt với Mồ Côi. Dù sao cuộc sống của năm anh em nhà vịt thuở bấy giờ vẫn thật là êm đềm.
Nhưng niềm vui chẳng tày gang, sự êm đềm ấy sớm trở thành ký ức làm hành trang vô giá cho Mồ Côi trên con đường trưởng thành, con đường mà chỉ còn lại một mình chú được bước đi. Sự việc xảy ra quá đột ngột, cái ác thật sự đã chạm đến cuộc sống của Mồ Côi, chẳng phải ác như anh Ba Vịt, Năm Vịt dễ ghét, cũng chẳng phải trận đòn bằng cách mổ lên đầu từ anh Hai Vịt, cái ác này ghê gớm hơn nhiều, đến mức những điều đáng ghét ấy sao giờ đây trở thành thân thương với Mồ Côi quá đỗi. Bầy chuột cống với tên thủ lĩnh Cống Chột xuất hiện và giết hại bốn người anh của Mồ Côi. Giờ đây Mồ Côi lại thèm được các anh trêu chọc và đánh đòn, nhưng đã muộn cả rồi. Nỗi đau xen nỗi nhớ người thân cồn cào cả ruột gan chú.
Thế giới quanh Mồ Côi cũng có nhiều loài vật khác lắm, nào là anh chó Đốm, chị mèo Mướp Vàng, bác chó Xù, cô gà Mái Vàng, thằng Vịt Xiêm Cổ Trắng từ các nhà láng giềng. Thế nhưng, dường như cũng rơi rụng theo những mảng lông tơ vàng óng trong quá trình trưởng thành, những người thân của Mồ Côi cũng lần lượt từng người bỏ chú đi về cõi xa xôi. Con thì ốm, con thì gặp bệnh dịch, ta có để tâm mới biết sinh mạng của những con thú nuôi thật mong manh. Mồ Côi chẳng còn nước mắt dành cho mỗi cuộc chia ly nữa.
Lắm lúc chú oán hận ông trời sao bất công, chú oán hận cả cái tên mình, có lẽ cái tên mới là nguyên nhân cho số phận hẩm hiu của chú. Chính khi ngã lòng nhất, chú gặp một người bạn đặc biệt – Ki Ki. Một anh chó hoang sống cảnh vừa giang hồ vừa hành khất. Ai mà ngờ được một anh chó thiếu giáo dục lại chính là người thầy lớn nhất của Mồ Côi. Có lẽ tất cả phụ thuộc “duyên số”, như Ki Ki từng nói với chú nhiều lần.
Người đọc sẽ không khỏi thắc mắc có quá nặng nề không khi một cuốn sách thiếu nhi lại đề cập nhiều đến cái chết như vậy. Nhưng đó là quy luật của cuộc sống, và sẽ không có gì đáng sợ với cái chết cả nếu ta sống một cuộc đời nhiều ý nghĩa. Có sinh ra sẽ có chết đi, điều đó không thể khác được. Chỉ có cách ta sống là có thể đổi khác. Có lẽ vì vậy mà Chú vịt Mồ Côi là cuốn sách thiếu nhi phù hợp cho cả người lớn.
Gấp cuốn sách lại, chúng ta sẽ thấy cái thiện gặp tốt lành, cái ác gặp quả báo; các em nhỏ sẽ biết yêu thương động vật; người lớn sẽ thêm lòng cảm thông; và cây lá trong vườn dường như thêm xanh hơn, xanh màu xanh của lòng nhân ái.
Tuấn Linh