Với dịch vụ truyền hình Internet Clip TV, bên cạnh việc thực hiện tính năng xem lại các kênh truyền hình phát sóng các chương trình học, trong tháng 4, ứng dụng này sẽ cho ra mắt khoảng 100 bài giảng cho trẻ em học về toán, tiếng Anh dưới dạng VOD. Ngoài ra, ClipTV cũng tăng cường quảng bá các kênh truyền hình quốc gia và địa phương đang có chương trình dạy học trực tuyến trên truyền hình đến với khán giả của ClipTV. Ngoài việc bổ sung các khoá học trực tuyến, ClipTV còn phối hợp nhiều đơn vị để cung cấp nội dung giáo dục kịp thời tới khán giả.
"Hiện nay lượt xem truyền hình và các nội dung liên quan học trực tuyến tăng 30% so với thời điểm chưa có dịch", ông Phan Thanh Giản, CEO Clip TV chia sẻ thêm.
Theo thông tin từ Chungta, mới đây, Truyền hình FPT đã mua bộ giáo trình học tập online từ lớp 1-12 của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Ngày 30/3, đơn vị nâng cấp Firmware (chương trình điều khiển thiết bị) - bổ sung giáo trình học tập trực tuyến trên Truyền hình FPT. Theo đó, chương trình bắt đầu sử dụng từ 31/3. Thông qua Truyền hình FPT, học sinh từ lớp 1-12 có thể truy cập ứng dụng bất cứ thời gian trong ngày, tuần. Lịch học online sẽ do học sinh chủ động, không cần chờ thời gian học như bình thường. Bên cạnh đó, ứng dụng cũng cho phép người dùng phát lại video.
Ngoài ra, Truyền hình FPT đã bổ sung tính năng xem lại trên 16 kênh truyền hình đang thực hiện phát sóng chương trình học. Cụ thể, các kênh truyền hình địa phương trên Truyền hình FPT sẽ được bổ sung chức năng xem lại trong vòng 24h (có biểu tượng đồng hồ ở góc màn hình).
Các kênh bổ sung tính năng xem lại bao gồm: Hà Nội 2, Huế, Ninh Bình, Đà Nẵng 2, Hòa Bình, Nam Định, Nghệ An, An Giang, Vĩnh Long 4, Đồng Nai 1, Thái Bình, Hải Phòng, HTV4, Quảng Nam, Thái Nguyên, VTC8.
Danh sách này sẽ tiếp tục được cập nhật, tùy theo diễn biến của bệnh dịch và theo kế hoạch dạy trên truyền hinh của các Sở Giáo dục địa phương. Các kênh xem lại chỉ phục vụ đến khi học sinh quay trở lại học tập bình thường.
Bà Tô Nam Phương, Giám đốc truyền hình FPT, cho biết trong những ngày đầu tháng 2, các chỉ số như số lượng truy cập xem các nội dung xem theo yêu cầu (VOD) của Truyền hình FPT có sự tăng nhẹ từ 15-20%. Còn trong đầu tháng 3, thời gian xem của người dùng tăng từ 35% đến 50%.
Còn theo thông tin từ MyTv, dịch vụ truyền hình MyTV và ứng dụng MyTV Net đã kịp thời có những điều chỉnh về chính sách kênh nhằm đảm bảo đáp ứng nhu cầu học tập trực tuyến của các em học sinh trong mùa dịch Covid-19 trên tất cả các kênh truyền hình trung ương và địa phương hiện có.
Tính đến thời điểm này, khách hàng của tất cả các gói cước đều có thể tham gia học trực tuyến tại các kênh truyền hình Trung ương và địa phương trên cả nước như: VTV7; VTC8; VTC11; Hanoi1 (các kênh này đã có trên các gói Basic & Chuẩn), cùng các đài địa phương như Nghệ An, Nam Định, Đà Nẵng…
Với lợi thế công nghệ truyền hình IPTV, khách hàng của MyTV có thể sử dụng các tính năng tương tác mà không bị phụ thuộc vào giờ phát sóng của nhà đài như tính năng tua đi, tua lại, tạm dừng (TimeShift) khi đang học để tìm hiểu kiến thức và tính năng xem lại bài học lên tới 72 giờ.
Bộ TT&TT cho biết, việc phòng chống dịch Covid sẽ khiến nhiều hoạt động bị đình trệ ảnh hưởng đến đời sống kinh tế xã hội. Vì vậy, Bộ TT&TT phải thúc đẩy cộng đồng để phát triển các ứng dụng hỗ trợ người dân trở lại cuộc sống bình thường bằng công nghệ không tiếp xúc. Một trong những công nghệ được Bộ TT&TT thúc đẩy là sử dụng các bài giảng điện tử hỗ trợ học sinh phải nghỉ học do chống dịch Covid-19.
Ông Nguyễn Huy Dũng, Cục trưởng Cục Tin học hoá cho biết, Bộ GD&ĐT đã xây dựng các bài giảng để có thể phát trên truyền hình cho học sinh học từ xa. Bộ TT&TT sẽ làm việc với các đài truyền hình để dành thời lượng phát sóng các bài giảng này trên kênh của đài. Tuy nhiên, nếu chỉ dừng lại ở việc phát trên truyền hình thì có thể các em không tập trung được. Vì vậy, Bộ TT&TT làm việc với Viettel, VNPT, FPT để phát lại các bài giảng điện tử này trên nền tảng truyền hình mà các doanh nghiệp này đang cung cấp và trên mạng Internet. Như vậy, chỉ cần có Internet hoặc tivi là các học sinh có thể học bài rất thuận tiện trong thời gian phải nghỉ tránh dịch. Công việc này đang được Bộ TT&TT nhanh chóng hoàn tất để có thể sớm đưa vào dạy cho học sinh.