VTVcab và NextTV phá vỡ thế độc quyền trong phân phối kênh truyền hình quốc tế

Từ 1/4/2018, hai hệ thống truyền hình trả tiền có khoảng 3,5 triệu thuê bao là VTVcab và NextTV đã đồng loạt hạ khoảng 12 kênh truyền hình quốc tế quen thuộc đang phát sóng, thay vào đó là 12 kênh truyền hình quốc tế mới. Ngay sau khi có sự thay đổi này, truyền thông mạng xã hội đã chứng kiến sự nổi giận chưa từng có của cộng đồng mạng khi mà khách hàng của VTVcab và NextTV không thể tìm thấy những kênh quốc tế quen thuộc mà thay vào đó là một chùm kênh hoàn toàn mới lạ với người xem Việt Nam.

Theo giới chuyên môn, trong số 12 kênh quốc tế mới lên sóng trên hệ thống của VTVcab và NextTV thì chỉ có 3 kênh: Fox, History, Blueant là những kênh có tên tuổi và được phát sóng ở nhiều quốc gia, trong đó Fox và History nằm trong Top 10 kênh truyền hình có chỉ số người xem (rating) ở Mỹ trong năm 2017. Còn những kênh khác tuy được phân phối ở nhiều quốc gia khác nhưng còn khá xa lạ với người Việt Nam.

Trước cơn giận dữ của cộng đồng người xem truyền hình, có một số luật sư cho rằng VTVcab đã vi phạm cam kết hợp đồng với khách hàng, và khách hàng có quyền yêu cầu VTVcab cung cấp lại các kênh truyền hình cũ, thậm chí có thể đòi VTVcab bồi thường. Bộ Công Thương cũng yêu cầu VTVcab báo cáo về việc bất ngờ cắt hàng loạt kênh truyền hình. Trường hợp VTVcab có vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng sẽ xử lý đầy đủ theo quy định của pháp luật. Thậm chí nhiều khách hàng còn dọa sẽ tẩy chay VTVcab và đòi kiện VTVcab ra tòa.

Tuy nhiên, sóng gió cũng mau chóng qua đi, những nội dung mới của VTVcab nhanh chóng được người dùng đón nhận. Và điều quan trọng hơn cả là VTVcab và Next TV đã phá vỡ được thế độc quyền trong phân phối nội dung truyền hình quốc tế vào Việt Nam của “ông trùm” Q.net. Buộc Q.net và các đại lý phân phối kênh truyền hình quốc tế phải có chính sách giá linh hoạt hơn đối với các nhà cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền.

VTVcab đồng loạt thay thế các kênh truyền hình quốc tế mới đã phá vỡ thế độc quyền của các đại lý phân phối nội dung quốc tế. Ảnh minh họa: Internet

Nghẹt thở với bản quyền World Cup 2018

18h30 ngày 8/6, Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) chinh tuyên bố đã đạt được thỏa thuận mua bản quyền truyền thông World Cup 2018 với FIFA. Thông báo của VTV kết thúc một quá trình đàm phán đã kéo dài suốt cả năm trời và vấp phải muôn vàn khó khăn. Thông báo ấy giúp Việt Nam trở thành quốc gia cuối cùng trên thế giới sở hữu bản quyền truyền hình World Cup.

Và vào thời điểm đó, 2 cái tên doanh nghiệp đồng hành cùng VTV chính thức xuất hiện: Vingroup và Viettel. Trong đó, Viettel lần đầu tiên lộ diện, còn Vingroup đã xuất hiện trước đó vào ngày 7/6 – một ngày trước khi bản quyền chính thức được ký kết.

Khoảng 2 tuần trước, câu chuyện bản quyền World Cup bắt đầu “nóng” lên ở Việt Nam. Các tờ báo đồng loạt đưa tin VTV chưa đàm phán được bản quyền World Cup, giải đấu bóng đá lớn nhất hành tinh có thể vắng mặt tại Việt Nam lần đầu tiên sau 36 năm.

Mức tăng giá phi mã của bản quyền World Cup tạo áp lực rất lớn lên VTV. Những tin đồn bắt đầu lan rộng. Người ta bắt đầu nói về một mùa hè vắng bóng World Cup. Ngày 5/6, “quả bom” chính thức được kích nổ khi Trưởng Ban thư ký biên tập Nguyễn Hà Nam (VTV) xác nhận quá trình đàm phán đang gặp khó khăn. Ông Nam tuyên bố VTV có thể lỗ tới 90% khi thực hiện thương vụ và sẽ không mua bản quyền World Cup “bằng bất cứ giá nào”.

Với tuyên bố này, bức tranh về bản quyền khá u ám bởi người hâm mộ thấy VTV “đơn độc trong cuộc chiến” khi World Cup chỉ còn cách 9 ngày. Cuối cùng với sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, hai doanh nghiệp lớn là Viettel và Vingroup đã vào cuộc tài trợ cho VTV mang bản quyền World Cup về phục vụ người hâm mộ.

Bản quyền Ngoại hạng Anh về tay Facebook

Cuối tháng 7/2018, Facebook đã hé lộ thông tin đã bỏ ra 264 triệu USD để sở hữu độc quyền bản quyền phát sóng giải đấu bóng đá đắt đỏ nhất hành tinh Ngoại hạng Anh (EPL) gồm 1.140 trận cho 3 mùa từ 8/2019 - 8/2022 tại 4 quốc gia Đông Nam Á là: Thái Lan, Việt Nam, Lào, Campuchia. Facebook được cho là đã chi 100 triệu USD để sở hữu độc quyền EPL tại Việt Nam, cao hơn 2,3 lần số tiền K+ đã phải bỏ ra cách đây 3 năm để mua gói độc quyền EPL mùa giải 2016/2019.

Thông tin này khiến các nhà đài Việt Nam choáng váng vì một khi Facebook mua độc quyền thì chắc chắn sẽ không còn đơn vị truyền hình nào ở Việt Nam có thể mua được nữa. Nhưng đây có thể là một tin vui với người hâm mộ bóng đá, bởi vì khi Facebook độc quyền Ngoại hạng Anh thì điều gì sẽ xảy ra ở Việt Nam. Facebook phát miễn phí Ngoại hạng Anh trên Facebook thì người dùng Việt Nam sẽ được hưởng lợi, vì số lượng người Việt online Facebook cả ngày lẫn đêm khá lớn. Riêng việc vào Facebook trên các dòng Smart TV chưa thực sự tốt bằng YouTube nên trải nghiệm trên tivi vẫn chưa thực sự đạt chất lượng tốt cho người xem bóng đá.

Nhưng điểm bất lợi là hành vi xem bóng đá có thể phải chuyển dần từ màn hình lớn sang màn hình bé, thay thế vào đó là xem trên máy tính, hoặc điện thoại, điều này sẽ khiến người xem rất chán. Hoặc Facebook video trên smart TV khi có một lượng user lớn cài đặt thì nâng cấp dần lên.

Dân mạng ào ào vi phạm bản quyền ASIAD 2018

Vào ngày 30/7/2018, nhiều người hâm mộ đã bàng hoàng khi VTV chính thức công bố kết quả đàm phán về vấn đề bản quyền truyền hình ASIAD 2018. Lý do VTV đưa ra là giá bản quyền truyền hình trọn gói của sự kiện này tại lãnh thổ Việt Nam do phía đối tác KJSMWORLD CORP, công ty có trụ sở tại Hàn Quốc - đơn vị mua lại từ Ban tổ chức Á vận hội, đặt ra quá cao.

Việc không có một đài truyền hình nào của Việt Nam mua bản quyền ASIAD đã khiến người hâm mộ thể thao Việt Nam “ào ào” đi tìm link để xem lậu từ các ứng dụng OTT quốc tế trong suốt 2 tuần đầu tiên diễn ra thế vận hội. Nhất là các trận đấu của đội tuyển bóng đá nam, thì số lượng người tìm xem trên các kênh lậu đạt đỉnh điểm.

Nhiều người đã lên mạng xã hội oán trách VTV, khi nhà đài quốc gia không làm tròn trách nhiệm phục vụ nhu cầu thông tin của người dân, không làm tròn trách nhiệm đưa thông tin, hình ảnh về thành tích thi đấu của đoàn thể thao nước nhà tại một sân chơi tầm cỡ khu vực.

Một lần nữa, Thủ tướng Chính phủ lại vào cuộc, với sự đồng hành của hai doanh nghiệp lớn là Vingroup, Viettel, VOV/VTC đã mang bản quyền ASIAD 2018 về Việt Nam khi mà kỳ thế vận hội chỉ còn 2 tuần nữa là kết thúc.

Next Media và VTV đấu khẩu vì chồng lấn bản quyền phát sóng AFF Cup 2018

SCTV bị kiện ra tòa vì vi phạm bản quyền AFF Cup 2018.


AFF Cup 2018 là giải đấu đầu tiên có hai đơn vị cùng sở hữu quyền phát sóng, VTV mua độc quyền trên hạ tầng truyền hình quảng bá, còn Next Media mua độc quyền trên hạ tầng truyền hình trả tiền. Tuy nhiên, khi VTV phát sóng giải đấu trên kênh VTV5/VTV6 thì hai kênh này lại có mặt trên tất cả các hạ tầng truyền hình trả tiền ở Việt Nam. Dẫn đến sự chồng lấn giữa hai gói bản quyền truyền hình do hai đơn vị sở hữu.Đầu tháng 11/2018, truyền thông lại nóng lên trước giờ trái bóng AFF Suzuki Cup 2018 bắt đầu lăn, khi mà câu chuyện tranh chấp bản quyền phát sóng giải đấu trên hệ thống truyền hình trả tiền giữa VTV và Next Media vẫn chưa hạ hồi phân giải.

Ngay khi trận đấu đầu tiên phát sóng hôm 8/11, Next Media đã theo dõi và phát hiện hơn 10 hạ tầng truyền hình trả tiền vi phạm bản quyền của Next Media và đã đâm đơn ra tòa án để có biện pháp ngăn chặn. Cho đến gần hết giải đấu, mặc dù Next Media đã ra thông báo trực tiếp tới các đơn vị vi phạm cũng như cảnh báo trên truyền thông nhưng hành vi vi phạm quyền phát sóng vẫn tiếp tục diễn ra. Cuối cùng Next Media đã chính thức khởi kiện đơn vị truyền hình cáp có thuê bao lớn nhất là SCTV ra Tòa án nhân dân TP.HCM. Vụ việc vẫn chưa được hạ hồi phân giải nhưng câu chuyện bản quyền truyền hình luôn là một vấn đề nóng khi mà truyền hình sẽ phải hội tụ với viễn thông, Internet và truyền thông trong thời đại truyền thông số, truyền thông đa phương tiện sẽ lên ngôi trong thời gian tới.