"Khi chó cắn người, đó không phải là tin tức". Những người làm báo luôn được nói như vậy. "Khi người cắn chó, đó mới là tin tức".
Tương tự như vậy, công việc hàng ngày của phóng viên là khiến các chính khách hàng đầu thực hiện đúng nhiệm vụ của họ. Nhưng khi một người đứng đầu nước Đức đe dọa tiến hành "cuộc chiến" chống lại nhật báo nhiều người đọc nhất nước, thì các phòng tin tức đã cảm nhận thấy nỗi lo lắng thực sự.
Tổng thống Christian Wulff không phải là chính khách duy nhất muốn thực hiện kiểm soát báo chí tại Đức. Ảnh: dapd |
Tháng trước, Tổng thống Đức Christian Wulff đã bị cáo buộc gây sức ép, ngăn chặn không xuất bản báo cáo về khoản vay cá nhân của ông bằng cách để lại tin nhắn đe dọa trong hộp thư của tổng biên tập Kai Diekmann của nhật báo Bild. Cuối tuần qua, tờ báo đã công khai tin nhắn trong đó ông Wulff nói với vị tổng biên tập rằng, sẽ có những "hậu quả" nếu bài báo được xuất bản.
Vụ bê bối xuất hiện sau gần một thập niên khi một nhật báo khác thiên về phái tả, Tageszeitung, mở cuộc tranh luận rộng rãi về ảnh hưởng của các chính khách với những thông tin báo chí.
Năm 2003, phóng viên nghị trường của Tageszeitung tại Berlin, Jens König, đã thực hiện cuộc phỏng vấn với Olaf Scholz của đảng Xã hội Dân chủ Đức (SPD), khi ấy là Tổng thư ký SPD.
Văn phòng báo chí của SPD đã yêu cầu bản ghi cuộc phỏng vấn để xem xét phê duyệt trước khi xuất bản và được König chấp thuận. Tuy nhiên, những gì ông được trả lại từ người phát ngôn báo chí của Scholz là sự chỉnh sửa nhiều tới mức tờ báo quyết định phản đối: Họ vẫn xuất bản bài viết, in các câu hỏi phỏng vấn của König nhưng bôi đen những câu trả lời đã được vị chính khách biên tập.
Thực tế chỉnh sửa
Tuy nhiên, theo Hans Leyendecker, biên tập nhật báo Süddeutsche Zeitung ở Munich, thế chủ động của phóng viên chỉ có thể giành được cơ hội nếu "tất cả báo chí cùng đứng lên chống lại kiểu chỉnh sửa, biên tập phỏng vấn". Và ông cho rằng "bạn sẽ không tìm thấy kiểu liên minh ấy ở Đức".
Leyendecker nói, trong khi các báo tiếng Anh có xu thế tôn trọng giá trị lời nói, thì truyền thông Đức lại thiên về xu hướng chỉnh sửa lời nói, trích dẫn của người được phỏng vấn. "Thậm chí cả các câu hỏi cũng trở nên khôn ngoan và rõ ràng hơn trong quá trình chỉnh sửa, biên tập - cho tới khi người đọc chỉ cầm trên tay một sản phẩm hư cấu".
Biên tập chính trị của tờ Tageszeitung, Ulrike Winkelmann, cũng có thể chứng thực trải nghiệm thường xuyên với các chính trị gia khi họ cố gắng kiểm soát việc xuất bản các cuộc phỏng vấn của mình - thậm chí còn dùng thủ đoạn nếu thấy cần thiết.
"Tôi nhớ một ông chủ nghiệp đoàn thực sự đã đảo ngược câu trả lời của mình", bà nói. "Chúng tôi được nói sẽ cấp phép cho bài báo vào giữa ngày, nhưng vẫn không thể có phép cho tới thời hạn in ấn, khiến chúng tôi không còn chọn lựa nào khác là chạy một bài hội thoại tẻ nhạt kinh khủng và không còn điểm nào tương đồng với băng phỏng vấn".
Tự do báo chí Đức ở mức trung bình của châu Âu, đứng sau các nước Bắc Âu. Ảnh: Fotolia |
Thiếu minh bạch
Mặc dù tự do báo chí được đảm bảo bởi Luật Cơ bản (Hiến pháp - ND) Đức, nhưng Hans-Joachim Fuhrmann của Hiệp hội báo chí xuất bản Đức nói với Deutsche Welle rằng: "Ở đây thiếu sự minh bạch, đặc biệt trong trường hợp nói về sai lầm chính trị".
Trong khi việc ngăn chặn phóng viên từ các sự kiện công khai bị coi là trái phép tại Đức, thì điều này lại không cản trở được các chính trị gia tai các cuộc họp báo khi công khai bỏ qua các câu hỏi từ phóng viên hoặc trả lời theo cách "tồi tệ" với báo chí.
Ví dụ, chính phủ liên minh của cựu Thủ tướng Gerhard Schröder "đã phát triển một kỹ năng bậc thầy khi khiến báo chí không biết nói gì thêm", theo Winkelmann của báo Tageszeitung. "Gần gũi thường khó khăn hơn là khoảng cách", Winkelmann nói. "Khi chính trị gia Jürgen Trittin của đảng Xanh có cuộc phỏng vấn với chúng tôi, ông ấy sửa đổi thậm chí nhiều hơn vì ông biết, đảng của ông sẽ đọc nó".
Mua im lặng
Một thực tế không may mắn nữa là hậu quả tài chính của thông tin về các câu chuyện xảy ra. Các thông tin ấy có thể dẫn tới những vụ kiện tụng hoặc rút lại quảng cáo từ các nhà tài trợ nổi giận. "Những ngân hàng lớn thậm chí còn cử chuyên gia truyền thông và luật sư tới văn phòng biên tập", Leyendecker nói.
Tại Berlin, có một trong những phương pháp áp dụng để kiểm soát báo chí là loại bỏ cái gọi là "những vòng tròn cơ bản" - nghĩa là các cuộc gặp giữa báo chí và những chính trị gia thường cung cấp rất nhiều cơ hội để có được thông tin sốt dẻo nhưng lại không phải là họp báo chính thức nên gây khó khăn cho bất kỳ phóng viên nào về tính hợp pháp.
Theo Hendrik Zöner của hội Nhà báo Đức, Đức đang ở khoảng giữa con đường của tự do báo chí so với các quốc gia châu Âu khác. "Tại các nước Bắc Âu, không có sự phê duyệt (do người được phỏng vấn yêu cầu). Nói chung, những nơi đó cởi mở hơn".
"Ở các quốc gia như Anh, Pháp và Italy thì các phóng viên phát triển quan hệ với chính trị trong cả một quá trình sự nghiệp".
Quan hệ thân mật
Jens König, người thực hiện cuộc phỏng vấn năm 2003 đăng trên Tageszeitung đã mở ra cuộc tanh luận về tự do báo chí Đức từ những nét gạch đỏ của các chính khách, và nhìn nhận vấn đề trong mối ràng buộc chặt chẽ giữa họ với giới "tinh hoa" truyền thông.
"Báo Bild đầu tiên được Wulff ủng hộ. Ông cung cấp cho họ hình ảnh, thông tin, và có lẽ điều đó đã cứu ông khỏi những tổn thất khi ông li dị người vợ đầu tiên".
Với König, người hiện làm cho tạp chí Stern, vấn đề không nằm ở chính cuộc gọi của ông Wulff với vị tổng biên tập, mà là việc Tổng thống Đức cho là, tư cách chính trị của ông cho ông quyền nói rằng: "Đây là nơi bạn có thể thấy - mối quan hệ gần gũi - giữa các chính khách hàng đầu và những phóng viên nổi tiếng hay tổng biên tập của họ".
König, Zöner, Leyendecker, và Winkelmann đều nhất trí một điều: Kể từ khi bài phỏng vấn bôi đen của König được đăng tải năm 2003, số lượng người phát ngôn báo chí tại Đức đã tăng lên. Theo König, vì thế hàng ngày vẫn có những vụ "đụng độ" giữa báo chí và người phát ngôn của chính khách về nội dung bài viết, thậm chí ngay trước lúc báo vào nhà in.
Thái An (theo dw-world)