Trong những năm gần đây tại Việt Nam, trước những thách thức trong quá trình phát triển đô thị, nhất là với các đô thị lớn và cực lớn, vấn đề “Phát triển đô thị bền vững” đang được đặt ra và đã được các nhà khoa học bàn luận khá sôi nổi trên các diễn đàn trong nước và quốc tế.
Trong bối cảnh hiện nay, một trong những yếu tố quan trọng trong việc phát triển đô thị bền vững là xử lý một cách hiệu quả các vấn đề liên quan đến môi trường và tài nguyên. Cần tận dụng các công nghệ tiết kiệm năng lượng và tài nguyên, xây dựng các công trình xanh, đảm bảo quá trình xây dựng và vận hành không gây ô nhiễm môi trường, qua đó, có thể đảm bảo sự phát triển bền vững và bảo vệ môi trường sống cho thế hệ tương lai.
Kiến trúc phản ánh rõ sự phát triển kinh tế - xã hội và nét đặc trưng văn hóa của địa phương
Kiên Giang là 01 trong 13 tỉnh, thành phố thuộc Vùng Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam, có diện tích lớn nhất và dân số đứng thứ hai toàn Vùng; với 12 huyện và 03 thành phố, trong đó thành phố Phú Quốc - là thành phố biển, đảo đầu tiên của Việt Nam rất giàu tiềm năng, thế mạnh để phát triển kinh tế biển, đảo.
Chính vì những yếu tố đặc biệt đó, theo Bí thư tỉnh uỷ tỉnh Kiên Giang, Đỗ Thanh Bình, tại Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 02/4/2022 của Bộ Chính trị đã đề ra nhiệm vụ, định hướng phát triển của Kiên Giang trong phát triển vùng đồng bằng sông Cửu Long - phát triển Kiên Giang thành trung tâm kinh tế biển quốc gia; tập trung xây dựng Phú Quốc thành trung tâm dịch vụ, du lịch sinh thái chất lượng cao, du lịch biển, đảo tầm cỡ quốc gia và quốc tế, kết nối với các trung tâm kinh tế lớn trong khu vực và thế giới.
Hình thái đô thị Phú Quốc hôm nay với nhiều công trình kiến trúc hiện đại; nét đặc trưng của Trung tâm dịch vụ, du lịch biển đảo đã thể hiện rõ. Kiến trúc thật sự là hạt nhân của hoạt động tổng thể, phản ánh rõ sự phát triển kinh tế - xã hội và nét đặc trưng văn hóa của địa phương.
TP. Hồ Chí Minh đang chịu ảnh hưởng mạnh bởi xu thế toàn cầu hóa
Thành phố Hồ Chí Minh khởi sinh như một tặng vật từ sông nước, nơi gặp gỡ của các tuyến giao thông thủy bộ năng động. Trong điều kiện tự nhiên ôn hòa, vùng đất phương Nam “đất lành chim đậu” này trở thành nơi hội tụ của những đợt di dân liên tục từ xa đến, cả trong và ngoài nước, cả phương Đông lẫn phương Tây, mang theo trong dòng chảy đó tiềm năng của nhiều vùng văn hoá đã có bề dày phát triển cả ngàn năm.
Tính chất đa tộc người cùng với mối quan hệ thân thiện giữa các cộng đồng là một tài sản vô giá mà không phải TP nào cũng có được. TP vì vậy đã trở thành một cửa ngõ, nơi tiếp nhận và thúc đẩy tiến trình đa văn hoá.
Trải qua hơn 300 năm lịch sử, Thành phố Hồ Chí Minh không chỉ là trung tâm kinh tế năng động, là nơi hội tụ nhiều dòng chảy văn hoá đa dạng nhiều màu sắc, mà còn có sự hiện diện của những công trình kiến trúc độc đáo, mang đậm dấu ấn đặc trưng qua các thời kỳ lịch sử.
Giám đốc Sở Quy hoạch – Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thanh Nhã cho biết, nhìn chung diện mạo kiến trúc đương đại của TP. Hồ Chí Minh đang chịu ảnh hưởng mạnh bởi xu thế toàn cầu hóa hơn là kiến trúc truyền thống mang đặc trưng bản sắc địa phương. Xu thế kiến trúc truyền thống và kiến trúc đương đại sẽ phải cạnh tranh, giao thoa để cùng tạo nên những nét kiến trúc mới cho thành phố.
Theo ông Nguyễn Thanh Nhã nhận xét: thiết kế kiến trúc hiện nay không chỉ đơn thuần là đẹp, là đường nét thẩm mỹ, mà còn là quy hoạch không gian đô thị, quy hoạch -thiết kế môi trường nông thôn xanh, các hệ sinh thái lao động, sản xuất của cải vật chất, sinh hoạt, giải trí, giáo dục, sức khoẻ... Tất cả cần hướng đến giải quyết nhu cầu phát triển cuộc sống của người dân một cách bền vững. Để làm được điều này cần phải dựa vào người kiến trúc sư sẵn sàng đột phá vào tương lai, và lẽ dĩ nhiên là hệ thống lãnh đạo, điều hành, quản lý sẵn sàng cho tương lai.