Trong một công viên nhỏ bên bờ biển gần cầu Kanmonkyo, ở thành phố Shimonoseki của Nhật Bản, có hai bức tượng đồng mô tả hình tượng hai chiến binh Samurai trong trận chiến sinh tử cùng đại bác và tàu chiến. Đây là khu vực đài tưởng niệm một trận chiến lịch sử đã diễn ra ở khu vực này hơn tám thế kỷ trước.

Theo sử sách địa phương ghi lại vào năm 1185, hai hạm đội hùng mạnh, một bên của gia tộc Heike, những người cai trị đế quốc Nhật Bản và bên kia là Minamoto, những người đang chiến đấu để giành quyền kiểm soát ngai vàng, giao tranh với nhau vào một buổi sáng tháng Tư trên vịnh nhỏ có tên là Dannoura ở ngoài khơi Nhật Bản.

Trong trận chiến khốc liệt diễn ra sau đó, hàng trăm chiến binh Samurai đã bỏ mạng và xác họ bị những con sóng cuốn trôi xuống đáy biển. Cuối cùng, phía Minamoto đã giành chiến thắng còn vị hoàng đế 6 tuổi của gia tộc Heike đã bị chết đuối sau đó. Minamoto Yoritomo tiếp tục trở thành Shogun hay người cai trị quân sự đầu tiên của Nhật Bản.

Trận Dannoura kéo theo nhiều giai thoại sau đó mà kỳ lạ nhất là về một loài cua có chiếc mai đặc biệt giống với khuôn mặt giận dữ của các Samurai ngày xưa. Chuyện kể rằng khi các chiến binh Heike bị chết chìm, linh hồn của họ đã ám vào những con cua dưới biển. Do đó, mai của chúng có họa tiết giống với khuôn mặt hung dữ của các chiến binh. Loài cua này được gọi là Heikegani hay cua Heike. Đôi khi, nó còn được gọi là cua Samurai.

Nhà thiên văn học và tác giả nổi tiếng người Mỹ Carl Sagan từng suy đoán sự giống nhau đó là do chọn lọc nhân tạo. Sagan cho rằng những ngư dân đánh bắt trên vùng biển của Nhật Bản đã ném lại biển những con cua nào có phần mai trông giống như khuôn mặt của samurai để tôn trọng gia tộc Heike trong lịch sử. Điều này bảo tồn nòi giống của cua Heikegani.

Tuy nhiên, cua Heike rất nhỏ, chỉ khoảng 4 cm nên gần như luôn được ngư dân ném ra khỏi lưới. Trên thực tế, loài cua này cũng được tìm thấy ở khắp nơi trên thế giới mà không chỉ riêng ở Nhật Bản.

Những họa tiết trên mai cua giống khuôn mặt samurai đang giận dữ thực sự là những điểm mà các cơ bám vào. Hiện tượng này thực chất được các nhà khoa học gọi là pareidolia.