- "Đọc bài báo tôi thấy quí báo đưa chủ đề này ra bàn là rất hợp lý, vì đã có quá nhiều mạng người mất trên đoạn đường cao tốc này, kể từ khi đưa vào sử dụng mà nguyên nhân nổ vỏ xe đã được bàn khá nhiều" - TS cầu đường Hà An nói về việc 'giải mã tử thần' trên cao tốc Trung Lương - TP.HCM.
Mặt đường tạo nhám theo công nghệ Novachip là một công nghệ mới, vừa được thi công thử nghiệm (dạng đại trà) lần đầu tiên ở dự án đường cao tốc TP Hồ Chí Minh- Trung Lương, nên việc xem xét đầy đủ các ưu, nhược điểm của nó còn phải bàn, để Nhà nước nay mai còn tập trung thi công ở các dự án khác.
Trong số nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan về việc tại sao lại có quá nhiều vụ nổ vỏ xe trên đoạn đường cao tốc này, nguyên nhân về cấu tạo lớp mặt đường Novachip tạo nhám vẫn còn là một ẩn số. Trong khi ở Mỹ, người ta cũng chỉ mới áp dụng lớp bê tông tạo nhám Novachip ở một số đoạn đường nâng cấp và mới áp dụng cho một số bang mà thôi.
Mặt nhám
của đường cao tốc có phải giọt nước tràn khi khi vỏ xe ô tô đã mòn suốt một thời
gian dài trước khi nổ vỏ?
Cần phải nói thêm rằng, cấp phối bê tông nhựa Novachip là cấp phối đứt rời, chứ không phải là cấp phối liên tục như bê tông nhựa thông thường, đó là tính khác biệt chủ yếu của bê tông nhựa tạo nhám và bê tông nhựa bình thường.
Vì cốt liệu được sản xuất đồng bộ như vậy, nên mặt đường khi đưa vào khai thác đảm bảo độ bám cao hơn, nhưng không làm hư hỏng lốp xe, lốp xe không bị chém hoặc gây mòn nhanh.
Trong khi đó, công nghệ thi công lớp bê tông nhựa tạo nhám ở Việt Nam thì khác hẳn, việc sản xuất đá dăm ở Việt Nam vẫn chỉ có thiết bị xay đá theo công nghệ của Liên Xô cũ và công nghệ của Trung Quốc (hiện nay chủ yếu là các máy xay của Trung Quốc), được sử dụng để sản xuất đá dăm thông thường được xay qua 2 cửa là hàm nhai và hàm đập (dùng cho bê tông các loại, kể cả bê tông tươi thi công cầu, nhà...).
Do đó, lớp bê tông nhựa tạo nhám ở đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương có độ nhám cực kỳ cao, và đặc biệt do cấp phối không liên tục, các hạt đá lại sắc cạnh do chỉ được sản xuất qua 2 cửa, sau khi đá hộc được đưa vào hàm đập để làm nhỏ bớt kích thước, thì được bằng chuyền đưa vào hàm nhai để xay thành đá cấp phối thông thường.
Như vậy, có thể nói, nguyên nhân nổ vỏ xe do kết cấu mặt đường là hiện hữu, cần phải được xem xét một cách khoa học, chứ không thể nghe một số cán bộ về vận tải hoặc những thông tin phỏng vấn từ chủ đầu tư được.
Thời tiết ở Việt Nam mang đặc trưng của vùng nhiệt đới, nhiệt độ mùa hè trên mặt đường có thể lên tới 60 độ, do đó, khi xe chạy với tốc độ lớn, ma sát gây ra giữa bánh xe và mặt đường là rât lớn, gây tăng nhiệt độ tại bề mặt bánh xe.
Vậy nên việc có tiếp tục qui định tốc độ 120Km/h hay không cũng là một vấn đề cần mổ xẻ, đặc biệt là việc có nên áp dụng lớp tạo nhám trên đường cao tốc ở Việt Nam hay không, khi nhiệt độ mùa hè ở Việt Nam thường khá cao.
Trên thế giới, ở một số nước châu Âu như Đan Mạch, Đức... đã phải qui định lại vận tốc xe chạy trên các đường cao tốc nhỏ hơn 120 km/h, vì để tiết kiệm nhiên liệu trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế như hiện nay, vì theo kết quả nghiên cứu khoa học, nếu cho xe chạy với vận tốc trên 120Km/h, sẽ tốn nhiên liệu hơn khoảng từ 10- 15%
Trong bối cảnh đất nước ta còn nghèo, tiền dành cho các công trình dân sinh như bệnh viện, trường học, các con đường, cây cầu nhỏ ở các vùng xa xôi, hẻo lánh đang cần rất nhiều, nếu qui định đường cao tốc chỉ chạy với vận tốc 100Km/h thì không phải thi công lớp tạo nhám, tiết kiệm được hàng trăm tỷ đồng và đặc biệt là làm giảm tỷ lệ tai nạn rất lớn.
Vì nếu so sánh đường cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ (có chiều rộng, chiều dài... tương đương) nhưng không có hiện tượng nổ vỏ như đường cao tốc TP HCM - Trung Lương và đường này đang được qui định chạy 100Km/h.
Việc chạy xe với vận tốc 120 km hay 100 km xét về thời gian là không đáng kể, vì việc chạy xe chậm trên đường Quốc lộ nhiện tại chủ yếu là do tổ chức giao thông. Nếu QL 1A là đường cao tốc với 100Km/h thì sẽ rút ngắn được rất nhiều thời gian, do hiện nay chạy xe trên QL 1A chỉ được bình quân khoảng 50Km/h, vì đường có nhiều loại phương tiện, lại chạy qua nhiều thị trấn, thị tứ... nên không chạy nhanh được.
Trong khi đó là đường cao tốc, xe có thể chạy 100 km/h liên tục do tổ chức giao thông trên đường cao tốc đã được qui định, thiết kế chỉ dành cho ô tô. Vì vậy, việc xem xét qui định tốc độ xe chạy trên đường cao tốc ở Việt Nam cần phải được cân nhắc để giảm xuống 100 km/h, vừa đảm bảo an toàn, lại vừa giảm tai nạn giao thông.
Chỉ một văn bản với 1 trang A4, nhưng có thể cứu hàng trăm người không bị chết vì việc nổ vỏ xe, thưa quí vị.
Cứ giả sử mình có người thân bị là nạn nhân trong vụ đâm xe trên đường cao tốc vừa rồi, chắc hẳn các quan chức trong Bộ GTVT sẽ phải suy nghĩ rất nhiều về kết cấu mặt đường tạo nhám đầy tai tiếng này.
- TS Hà An