- Lúc này không có chỗ cho con người cá thể mà chỉ còn chỗ cho một "uchi" rộng lớn - TS. Nguyễn Thị Việt Thanh (Phó Viện trưởng Viện Việt Nam học, ĐHQG Hà Nội).

TIN LIÊN QUAN:


Người dân từ bên ngoài Tokyo đi qua một cây cầu. Ảnh: AP
Chúng tôi là lớp những người được sang Nhật Bản khá sớm, từ cuối những năm 80 của thế kỷ 20. Sau đó, do quan hệ công tác, cũng có nhiều dịp đi lại đất nước này. Đối với không ít người, Nhật Bản được coi là “quê hương thứ hai", vì ở đó có thầy, có bạn, có đồng nghiệp và còn có cả những kỷ niệm đẹp nhất của thời tuổi trẻ.

Những ngày qua, bên cạnh hoạt động phát động quyên góp ủng hộ đồng bào Nhật, Hội Cựu lưu học sinh Nhật Bản chúng tôi còn thường xuyên liên lạc hỏi thăm các thầy cô giáo, những người bạn, người quen đang sống ở đó với mong muốn chia sẻ một phần, dù rất nhỏ những khó khăn vô bờ bến mà họ đang từng ngày, từng giờ trải qua, đối mặt.

Ý thức cộng đồng

Nhiều người Việt Nam và cả thế giới đã đặt câu hỏi, tại sao người Nhật lại có thể ứng xử kiên cường và bình tĩnh như vậy trong tình huống "ngàn cân treo sợi tóc" mà cả dân tộc đang trải qua. Hơn nữa, đâu là những bài học mà chúng ta có thể hoặc cần phải học tập.

Có rất nhiều nhân tố tạo nên tính cách của một dân tộc, và nhỏ hơn rất nhiều là tính cách của từng con người của dân tộc ấy.


Một trong những tính cách của người Nhật được nhiều người nhắc đến là ý thức về cộng đồng, về "nhóm".

Ý thức này được thể hiện qua khái niệm của hai từ "uchi" (trong) và "soto" (ngoài).

Ranh giới giữa "uchi" và "soto" rất linh hoạt. "Uchi" có thể là gia đình mình trong sự đối lập với gia đình khác. Những cũng có thể mở rộng thành nhóm làm việc của mình, công ty mình, thành phố mình, và đất nước mình.

Đối với mỗi người Nhật, "uchi" là khái niệm rất quan trọng, phải bảo vệ, phải hết mình cống hiến, thậm chí phải quên cả những thứ thuộc về con người cá nhân.

Chúng ta đã từng có những bài học qua tính cộng đồng chặt chẽ, gắn bó của từng công nhân, công chức vì sự tồn tại, thịnh vượng của từng công ty, tập đoàn.

Nhưng trong những ngày này, chúng ta được chứng kiến tính cộng đồng khi khái niệm "uchi" là đất nước, là những người đang cùng chịu hoạn nạn của thành phố mình, khu vực mình.

Phải chăng, điều này giúp chúng ta lý giải tại sao trong điều kiện khắc nghiệt tới tận cùng mà có hàng trăm người nhẫn nại xếp hàng trật tự để nhận từng chai nước, từng miếng lương khô, không hề xảy ra xô lấn, tranh cướp, tăng giá, ép giá.

Đơn giản bởi lúc này không có chỗ cho con người cá thể mà chỉ còn chỗ cho một "uchi" rộng lớn.

‘Hội nhập’ là ở đây

Những ngày này, cả thế giới đang hướng về Nhật Bản.

Ở Việt Nam, ngay từ những người lao động bình thường, bác xe ôm, bà bán hàng, anh nhân viên đưa báo ... cũng nói về Nhật Bản.

Thiên tai và sự cố hạt nhân đã làm cho mỗi con người gắn bó với nhau hơn khi hướng tới cùng một điểm trên bản đồ thế giới.

Không chỉ những người đã từng gắn bó với đất nước Nhật Bản như chúng tôi, hàng ngàn, chục ngàn người Việt Nam, thuộc mọi tầng lớp, đang chia bớt một phần trong bát cơm của mình thời "bão giá" để chia sẻ cho người dân Nhật, mặc dù ai cũng hiểu rằng phần đó quá nhỏ nhoi so với những thiệt hại khủng khiếp mà đất nước Nhật Bản đang chịu đựng.

Một người bạn Nhật trước đây từng sống và làm việc ở Việt Nam nhiều năm khi nghiên cứu về nông thôn Việt Nam đã viết mail rằng "khi biết tin này, tôi không cầm được nước mắt vì biết rằng chúng tôi không đơn độc mà đang có những người bạn thân thiết ở Việt Nam đang bên cạnh. Điều đó giúp tăng nghị lực cho chính chúng tôi".

Chúng ta thường nói đến khái niệm "hội nhập" về kinh tế, về tri thức, về khoa học công nghệ.

Nhưng lúc này, có lẽ sự quan tâm, chia sẻ của mỗi con người  Việt Nam đã vượt qua những khẩu hiệu đơn thuần, mà là một trong những biểu hiện rõ nét về ý thức con người trong bối cảnh hội nhập.

Trẻ em Việt Nam nên được học bơi

Nằm trong khu vực thường xuyên xảy ra động đất, người Nhật đã có những biện pháp rất hữu hiệu để "sống chung" với hiểm họa này.

Từ kỹ thuật về kiến trúc, xây dựng được tuân thủ một cách rất nghiêm ngặt, việc chuẩn bị cho mỗi người, từ trẻ em đến người lớn những kỹ năng đơn giản để sơ cứu người bị thương, chuẩn bị sẵn đồ dùng cá nhân khi động đất xảy ra...đã được thực hiện thường xuyên.

Thậm chí, chúng tôi còn biết rằng, theo tính toán của người Nhật, khoảng 70-80 năm theo chu kỳ sẽ xảy ra động đất lớn, nên từ cuối những năm 90 (tính theo chu kỳ gần nhất là trận đại động đất Kanto năm 1923), chính phủ  đã có dự kiến chuẩn bị một trung tâm hành chính ngoài Tokyo để phòng khi động đất ảnh hưởng lớn đến thủ đô thì vẫn còn có bộ phận đầu não điều hành được đất nước.
 
Vậy có lẽ, một trong những bài học lớn mà chúng ta cần phải học là phải chuẩn bị từ những thứ đơn giản nhất để khi có sự cố xảy ra để giảm bớt được lúng túng, bị động.

Ví dụ, Việt Nam là một đất nước sông ngòi nhiều, lũ lụt thường xuyên. Cần phải dạy trẻ em bài học đơn giản nhất để có thể tự vệ được là biết bơi.

Môn học này nên trở thành bắt buộc trong chương trình thể dục ở trường phổ thông hoặc đại học, bên cạnh những môn rèn luyện thể lực như bóng rổ, xà đơn, xà kép...

Bài học này không chỉ bây giờ mới biết mà chúng tôi, thế hệ trải qua thời kỳ chiến tranh chống Mỹ, đã từng được học nhiều.

Hồi bé, khi mới 6-7 tuổi, khi đi học chúng tôi đã biết mỗi người đeo một túi cứu thương bên cạnh cặp sách, biết cách tự đan và dùng mũ rơm tránh bom, và biết cả việc mua tre để làm hầm trú ẩn bên lớp học khi phải sống xa cha mẹ.

  • Nguyễn Thị Việt Thanh (Phó Viện trưởng Viện Việt Nam học, ĐHQG Hà Nội)
  • Văn Chung (ghi)