Nguyên Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương, TS. Võ Trí Thành chia sẻ về mô hình kinh doanh đầy tiềm năng, condotel ở Việt Nam.

Condotel: 4 năm tuổi chưa có “giấy khai sinh”

Condotel từng là loại hình BĐS“nóng bỏng tay” với hơn 3 vạn căn đã được bán ra (từ 2015 đến 2018). Nhưng dù đã có mặt trên thị trường hơn 4 năm, sau nhiều hứa hẹn đến nay condotel vẫn chưa có tên trong bất kỳ văn bản pháp luật nào. Tại sao vậy thưa ông?

Condotel là sản phẩm lai ghép giữa căn hộ khách sạn với đặc trưng của mô hình kinh tế chia sẻ. Dù đã xuất hiện được một thời gian đủ lâu nhưng cơ quan quản lý nhà nước lúng túng trong  việc ban hành các văn bản qui phạm pháp luật như cấp quyền sử dụng đất, quyền khai thác, quyền cư trú... để thị trường condotel có thể phát triển bền vững. Thậm chí, chúng ta cũng còn chưa được phân định rõ khi trách nhiệm thuộc về cơ quan quản lý bất động sản hay cơ quan quản lý du lịch.

Trong thời đại công nghệ và các mô hình kinh doanh mới, thị trường luôn luôn năng động hơn, sáng tạo hơn. Nếu nhà nước không bám sát thị trường và “không hành động” thì thị trường vẫn vận động. Và như vậy, bên cạnh những tác động tích cực, có thể có những hệ luỵ kinh tế - xã hội không mong muốn, gây ảnh hưởng tiêu cực đến nhiều bên liên quan (doanh nghiệp, nhà đầu tư, người tiêu dùng) và cả lợi ích phát triển kinh tế nói chung.

{keywords}
 

Chính sách pháp lý chưa theo kịp với thị trường, nhưng nhu cầu với condotel rõ ràng là rất lớn. Vậy theo ông trong bối cảnh này, các nhà đầu tư cần làm gì để đảm bảo quyền lợi cho mình?

Condotel hiện đang chững lại, chỉ chờ “giấy khai sinh” để lớn lên trong một thị trường minh bạch. Đây cũng là cơ hội để sàng lọc của thị trường, những chủ đầu tư yếu kém có thể bị loại bỏ, nhường chỗ cho những chủ đầu tư chuyên nghiệp hơn.

Trong khi đó, khi tính pháp lý chưa rõ ràng thì các nhà đầu tư cần chú ý đến việc tìm hiểu kỹ về “thân thế sự nghiệp” của chủ đầu tư dự án, có đủ uy tín trên thị trường hay không. Những chủ đầu tư tốt thường có hệ sinh thái của họ đi kèm, tăng khả năng đảm bảo được quyền lợi, khả năng sinh lời của nhà đầu tư.

{keywords}
 

Condotel, bao giờ hết cảnh bơ vơ pháp lý?

Thị trường thì mong condotel sớm được công nhận trong văn bản pháp luật, nhưng các cơ quan quản lý đã nhiều lần gia hạn “deadline”. Quan điểm của ông như thế nào về việc này?

Theo tôi, chính phủ và các bộ ngành liên quan nên nhanh chóng có văn bản pháp lý chính thức cho condotel. Mà không chỉ condotel mà còn là officetel (căn hộ văn phòng), shophouse (nhà phố thương mại)… tức là những loại hình kinh doanh bất động sản có đặc thù khác biệt so với truyền thống.

Vì sao? Vì liên quan đến những khoản đầu tư lớn của nhà đầu tư phát triển dự án cũng như các nhà đầu tư khác. Vai trò của các loại hình kinh doanh này còn có tác động lan toả đáng kể đến sự phát triển dịch vụ, du lịch.

Thủ tướng cũng đã có văn bản chỉ đạo các bộ ngành liên quan bổ sung quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng đối với các loại hình bất động sản mới này, Bộ Xây dựng cũng đưa ra thời hạn hoàn thành trong 2019.

{keywords}
 

Vậy theo ông, thị trường condotel sẽ phát triển như thế nào sau khi có hành lang pháp lý rõ ràng cho loại hình bất động sản này?

Căn cứ vào triển vọng của thị trường bất động sản và thị trường du lịch trong nước, tôi cho rằng sau khi khuôn khổ pháp lý phù hợp được ban hành thì thị trường condotel sẽ phát triển bùng nổ vì được bổ sung thêm một động cơ mới.

Ông có thể phân tích kĩ hơn?

Sự minh bạch là động lực để phát triển mạnh mẽ, lành mạnh và bền vững. Chủ đầu tư phát triển dự án an tâm phát triển một phân khúc mới khi thị trường còn có nhiều tiềm năng; trong khi các nhà đầu tư thì có được kênh đầu tư linh hoạt, khả năng sinh lời có thể hấp dẫn. Đặc biệt  người tiêu dùng sử dụng sản phẩm condotel có thêm lựa chọn lưu trú với giá cả hợp lý, tiện ích và trải nghiệm khác biệt so với lưu trú tại khách sạn, nhà nghỉ,... truyền thống. Trong khi nhà nước thì có thêm nguồn thu và tránh thất thoát ngân sách.

Xin cảm ơn ông!

Thanh Huyền (thực hiện)