Việt Nam còn đúng 30 năm nữa sẽ kỷ niệm 100 năm độc lập. Một tầm nhìn thôi thúc đưa đất nước đi đến dân chủ - phồn vinh - hùng cường là một động lực vô song giúp lãnh đạo và người dân sát cánh phấn đấu, trên dưới một lòng.

LTS: Phóng viên VietnamNet vừa có cuộc trò chuyện đầu năm với TS Vũ Minh Khương, PGS Trường Chính sách công Lý Quang Diệu, ĐHQG Singapore, về động thái ĐỔI MỚI và phát triển ở Việt Nam.

Ủy viên Trung ương Đảng hiến kế kiểm soát quyền lực

Nhiều cán bộ "bỗng dưng" lên chức

Động thái phát triển

Thưa TS, ông có ý kiến gì về động thái phát triển kinh tế của Việt Nam trong những năm gần đây?

TS Vũ Minh Khương: Khi phân tích động thái phát triển, người ta nhìn vào ba động lực: nền tảng chiến lược, thiết kế chiến lược, và phối thuộc thực thi. Về nền tảng chiến lược,  Việt Nam đã có những bước tiến quan trọng trong mấy năm gần đây trong nâng cấp động lực then chốt này, đặc biệt là trong ổn định kinh tế vĩ mô, tôn trọng qui luật kinh tế thị trường, quyết liệt hội nhập quốc tế, và khuyến khích kinh tế tư nhân phát triển.

Chính nhờ nỗ lực đó mà kinh tế Việt Nam có những chuyển biến tích cực, cả về mức hấp dẫn quốc tế và tốc độ tăng trưởng, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế thế giới không thật thuận lợi.

Thế nhưng, về khâu thiết kế chiến lược, Việt Nam vẫn ở mức độ thấp và chưa biến nó thành một động lực mạnh cho phát triển. Các quyết sách vẫn chưa dựa trên những nghiên cứu thấu đáo về nguyên nhân gốc rễ, động lực nền tảng, và tầm nhìn tương lai.

Chẳng hạn, khi du lịch suy giảm thì ta chủ yếu dựa vào các biện pháp sự vụ như giảm phí visa, quản lý giá cả dịch vụ chứ không tìm kiếm phương cách chiến lược để nâng cấp ngành du lịch như một hệ sinh thái sống động, có sức kiến tạo giá trị mới đặc sắc mà Việt Nam rất có tiềm năng.

Trong khâu phối thuộc thực thi, Việt Nam không phải là quá yếu nhưng vẫn chưa có nhiều tiến bộ. Sự phối thuộc giữa các bộ ngành và giữa các địa phương còn thiếu tính hiệp đồng, cộng hưởng. Nỗ lực thường bị thiên lệch về giải quyết công việc sự vụ và dự án đầu tư hơn là chung sức hiệp đồng kiến tạo một nền kinh tế quốc gia hùng cường.

Động thái phát triển của Việt Nam nhìn qua ba động lực nói trên cho thấy, Việt Nam đang có những chuyển động đáng mừng trong gia cường nền tảng chiến lược cho công cuộc phát triển. Tuy nhiên nếu Việt Nam không mạnh mẽ ĐỔI MỚI để nâng cấp năng lực thiết kế chiến lược và phối thuộc thực thi thì nền kinh tế vẫn chưa đủ động lực để cất cánh và phát triển bền vững.

{keywords}

  Việt Nam cần mở rộng dân chủ, tạo cơ chế để ai có tấm lòng và khả năng đều có cơ hội góp sức giúp nước.

Bất đẳng đổi thay

Theo TS, đâu là khâu quyết định thúc đẩy công cuộc ĐỔI MỚI hiện nay ở Việt Nam?

TS Vũ Minh Khương: Trong khoa học quản lý, tiến trình ĐỔI MỚI tùy thuộc vào bất đẳng thức dưới đây:

Áp lực x Tầm nhìn x Tiền đề khuyến tạo > Não trạng cũ + Nhóm lợi ích

Trong đó, vế trái (Áp lực x Tầm nhìn x Tiền đề khuyến tạo) là tích số của ba thành tố “Áp lực”, “Tầm nhìn”, và “Tiền đề khuyến tạo”. Vế phải (Não trạng cũ + Nhóm lợi ích) là tổng của hai thành tố “Não trạng cũ” và “Nhóm lợi ích”. Đổi mới sẽ diễn ra nếu vế phải lớn hơn vế trái và đổi thay sẽ càng mạnh mẽ nếu độ chênh lệch này càng lớn.

Thành tố “Áp lực” có từ đòi hỏi và bức xúc của xã hội, kết quả của cách làm cũ, và các mối đe dọa bên ngoài. Thành tố thứ hai là “Tầm nhìn", nó là sự hòa quyện giữa lãnh đạo và người dân về ý chí phát triển quốc gia. Thành tố thứ ba là “Tiền đề khuyến tạo”, nó bao gồm từ sự sống động của khu vực kinh tế tư nhân đến độ sâu của hội nhập quốc tế, từ sự trưởng thành của xã hội công dân đến sự thâm nhập rộng rãi của công nghệ thông tin trong mọi ngõ ngách xã hội.

Trong khi đó, vế trái của bất đẳng thức là tổng của “Não trạng cũ”và “Nhóm lợi ích”.  Thực tế này cho thấy, so với các nước Nam Á, thành tố này nhỏ hơn nhiều ở các nước Đông Á, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, “Nhóm lợi ích”, trong đó đặc quyền đặc lợi và tham nhũng có thể tạo nên một lực cản rất lớn, làm ngăn trở nỗ lực ĐỔI MỚI của nhiều nước.

Có ba tính chất của bất đẳng đổi thay nói trên cần được nhấn mạnh.

Thứ nhất, cường độ ĐỔI MỚI tùy thuộc vào mức độ khác biệt giữa hai vế của bất đẳng thức. Vế trái càng lớn, do sự lớn lên của một, hai, hoặc cả ba thành tố, thì đổi thay càng nhanh. Ngược lại, nếu vế phải lớn lên, đặc biệt do sự cố kết của nhóm lợi ích với sự lan tràn của tình trạng tham nhũng, trong khi vế trái ít thay đổi, thì nhịp độ ĐỔI MỚI chậm lại.

Thứ hai, cho dù hai thành tố “Áp lực” và “Tiền đề khuyến tạo” lớn đến mức nào, nếu thành tố “Tầm nhìn” quá nhỏ thì vế trái vẫn có thể khả nhỏ và không đủ lớn hơn nhiều so với vế phải; và do đó sẽ chỉ có đổi mới nhỏ ở ngóc ngách chứ khó có ĐỔI MỚI cơ bản.

Thứ ba, các thành tố trong bất đẳng thức đổi thay không hoàn toàn độc lập mà có sự tương tác với nhau. Chẳng hạn, thành tố “Tầm nhìn” mạnh lên giúp nâng thành tố “Tiền đề khuyến tạo” ở vế trái và làm giảm mạnh cả hai thành tố ở vế phải, “Não trạng cũ” và “Nhóm lợi ích". Trong khi đó, nếu thành tố “Nhóm lợi ích” mạnh lên, nó có thể làm suy giảm các thành tố “Tầm nhìn” và “Tiền đề khuyến tạo”.

Kinh nghiệm những bước ĐỔI MỚI quan trọng trong lịch sử hiện đại Việt Nam cho thấy ĐỔI MỚI có thể được tạo ra bởi những thành tố khác nhau. Cách mạng Tháng Tám cho thấy vai trò của thành tố “Tiền đề khuyến tạo” có được từ chiến thắng của phe đồng minh trong Thế chiến Thứ II.

Trước đó, cho dù thành tố “Áp lực” (sự lầm than của người dân) và thành tố “Tầm nhìn” (khát vọng giải phóng dân tộc) rất lớn nhưng ĐỔI MỚI không thể diễn ra vì thành tố "Tiền đề khuyến tạo”quá nhỏ; thực dân Pháp có thể thẳng tay đàn áp dã man các phong trào yêu nước và nỗ lực giải phóng.

Công cuộc ĐỔI MỚI năm 1986 cho thấy vai trò chủ đạo của thành tố “Áp lực”. Sau nhiều năm thử nghiệm với nền kinh tế quan liêu bao cấp,  nền kinh tế đất nước không khá lên mà sa sút rõ rệt. Trong bối cảnh đó, Đại hội VI của Đảng vào tháng 12 năm 1986 đã dũng cảm phát động công cuộc ĐỔI MỚI và đã mang lại những kết quả đầy ấn tượng.

Sau 30 năm ĐỔI MỚI, công cuộc phát triển Việt Nam đang đứng trước những đòi hỏi cấp thiết có những đổi thay mạnh mẽ. Làm gì để vế trái của bất đẳng thức đổi thay lớn lên vượt bậc. Trong bối cảnh hiện nay, hai thành tố “Áp lực” và “Tiền đề khuyến tạo” đã quá lớn nên độ tăng thêm sẽ không nhiều; trong khi vế phải không nhỏ đi mà còn lớn lên do sự lan tràn của vấn nạn tham nhũng và nhóm lợi ích. Thành tố duy nhất quyết định sự đổi thay chỉ còn là “Tầm nhìn” và Việt Nam thực sự có sức mạnh tiềm tàng để nâng cấp vượt bậc thành tố này.

Việt Nam còn đúng 30 năm nữa sẽ kỷ niệm 100 năm độc lập. Một tầm nhìn thôi thúc đưa đất nước đi đến dân chủ - phồn vinh - hùng cường là một động lực vô song giúp lãnh đạo và người dân sát cánh phấn đấu, trên dưới một lòng.

Nếu điều đó xảy ra, Việt Nam sẽ là một dân tộc làm nên 3 kỳ tích ĐỔI MỚI trong vòng 100 năm. Khai thác thời cơ để giành độc lập năm 1945; Biến thách thức thành cơ hội khởi đầu công cuộc đổi mới năm 1986; Tạo nên tầm nhìn thôi thúc để đất nước tiến bước mạnh mẽ và trở thành một quốc gia phát triển vào năm 2045.

Bước đi khởi đầu

Để mở đường cho công cuộc ĐỔI MỚI, Đảng nên bắt đầu từ đâu, thưa TS?

Có ba bước căn bản cho một công cuộc ĐỔI MỚI lớn.

Thứ nhất, đưa ra tầm nhìn thôi thúc để Việt Nam vươn tới trong ba thập kỷ tới và hiệu triệu toàn dân dốc lòng ủng hộ.

Thứ hai, mở rộng dân chủ, tạo cơ chế để ai có tấm lòng và khả năng đều có cơ hội góp sức giúp nước. Đặc biệt, Quốc hội nên có các tiểu ban để nghe và đánh giá các Bộ trưởng tranh luận với chuyên gia trong nước và quốc tế về chiến lược và phương án cải cách. Các chuyên gia người Việt, dù ở trong nước hay quốc tế, có quyền đề nghị tổ chức các cuộc tranh luận này.

Thứ ba, tạo thể chế lâu dài để người dân được thể hiện quyền lực giám sát của mình về chất lượng lãnh đạo của Đảng ở các cấp. Chẳng hạn, trên cơ sở kết quả tích cực thu được qua các kỳ bỏ phiếu tín nhiệm ở Quốc Hội, trong dịp bầu cử Quốc hội tới, Ủy Ban Bầu Cử nên tổ chức lấy ý kiến người dân về mức tín nhiệm vào sự lãnh đạo của Đảng và Chính quyền nói chung ở ba cấp: Trung ương, tỉnh/thành phố, và huyện/quận.

Ý kiến tín nhiệm cũng cần được khảo sát cho Bí Thư và Chủ tịch tỉnh/thành phố và cấp huyện/quận. Kết quả đánh giá tín nhiệm này không chỉ là công cụ tăng cường tính giải trình trách nhiệm của Đảng và Chính phủ trước dân mà còn là chỉ số giám sát nỗ lực của Đảng và Nhà nước trong phụng sự công cuộc phát triển đất nước.

Xin cảm ơn TS.

Lan Anh thực hiện