Trong bản tổng hợp trả lời kiến nghị cử tri trước kỳ họp thứ 8 của các bộ ngành gửi Ban Dân nguyện, cử tri Đà Nẵng kiến nghị Chính phủ nên có kế hoạch để triển khai xem xét, đánh giá lại tính hiệu quả trong hoạt động điều hành, quản lý của bộ máy lãnh đạo các bộ, ngành.

"Qua đó, nếu xét thấy lãnh đạo của bộ, ngành nào hoạt động không hiệu quả thì nên bãi nhiệm, miễn nhiệm theo quy định của pháp luật", cử tri Đà Nẵng đặt vấn đề.

Cử tri tỉnh Bến Tre cũng phản ánh việc thực thi pháp luật chưa nghiêm, chưa chặt chẽ đã tạo kẽ hở để các đối tượng có chức vụ, quyền hạn lợi dụng nhập thuốc không đảm bảo chất lượng (thuốc điều trị ung thư) gây hậu quả lớn cho xã hội.

Cử tri đề nghị ngoài việc xử lý nghiêm đối với các đối tượng này cũng cần làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu, cần thiết phải đưa ra xử lý hình sự.

Tăng thẩm quyền và đề cao trách nhiệm người đứng đầu 

Trả lời, Bộ Nội vụ cho biết, luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Cán bộ, công chức và luật Viên chức có hiệu lực từ ngày 1/7 tới đây có tăng thẩm quyền và đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong việc tạm đình chỉ công tác cán bộ, công chức, viên chức dưới quyền để kiểm điểm khi có dấu hiệu vi phạm hoặc chậm trễ, trì trệ, kém hiệu quả trong việc thực hiện chức trách nhiệm vụ được giao.

{keywords}
Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân. Ảnh: Trần Thường

Luật cũng quy định kiên quyết sàng lọc, miễn nhiệm, thay thế, cho từ chức đối với cán bộ, công chức, viên chức làm việc kém hiệu quả, không hoàn thành nhiệm vụ, yếu về năng lực, kém về phẩm chất đạo đức, tín nhiệm thấp mà không chờ hết nhiệm kỳ, hết tuổi công tác theo tinh thần nghị quyết TƯ.

Hiện nay, Bộ Nội vụ đang xây dựng dự thảo nghị định trình Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành về xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức.

Cử tri tỉnh Hậu Giang phản ánh trong thời gian qua, ở một số địa phương còn xảy ra nhiều vụ sai phạm tại các công trình, dự án lớn liên quan đến đất đai, điển hình là vụ lừa đảo của công ty địa ốc Alibaba. Theo cử tri, nguyên nhân cơ bản nhất là do sự buông lỏng quản lý, chậm phát hiện và thiếu kiên quyết trong xử lý vi phạm pháp luật về đất đai của các cấp chính quyền địa phương.

Vì vậy, cử tri kiến nghị Chính phủ chỉ đạo xử lý nghiêm trách nhiệm quản lý của người đứng đầu ở địa phương nơi để xảy ra các sai phạm tạo niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương.

Trả lời cử tri, Bộ Nội vụ cho hay, liên quan đến chế tài, xử lý trách nhiệm của người đứng đầu, Chính phủ quy định tại các nghị định số 107/2006, 103/2007, 157/2007.

Ngoài ra, nghị quyết số 26 TƯ 7 khóa 12 về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, đã xác định nhiệm vụ, giải pháp: “Xây dựng quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác cán bộ và quản lý cán bộ; xử lý nghiêm những người có sai phạm, kể cả khi đã chuyển công tác hoặc nghỉ hưu”.

Với trách nhiệm được giao, trong thời gian tới, theo chương trình công tác của Bộ Chính trị, Chính phủ, Thủ tướng, Bộ Nội vụ sẽ phối hợp chặt chẽ với Ban Tổ chức TƯ và các cơ quan liên quan trong việc hoàn thiện thể chế liên quan đến công tác cán bộ, đặc biệt là chế tài, quy định cụ thể, rõ ràng về trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Làm công tác cán bộ phải trong sáng, tinh thông

Cử tri tỉnh Thái Bình phản ảnh tình trạng vẫn còn nhiều cán bộ lãnh đạo quản lý bố trí không đúng người, đúng việc, còn mắc vi phạm bị kỷ luật và đề nghị làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy và cơ quan, cá nhân làm công tác cán bộ.

Bộ Nội vụ cho biết, nghị quyết số 26 TƯ 7 cũng nêu một số giải pháp, nhiệm vụ nâng cao chất lượng công tác tham mưu, coi trọng tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận về công tác tổ chức, cán bộ. Cụ thể, TƯ yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, lãnh đạo cơ quan, đơn vị thường xuyên chăm lo xây dựng, củng cố cơ quan tham mưu và đội ngũ làm công tác cán bộ thật sự trong sạch, vững mạnh, chuyên nghiệp; đặc biệt coi trọng lựa chọn, bố trí đúng người đứng đầu cơ quan làm công tác tổ chức, cán bộ các cấp.

Cùng với đó, nâng cao nhận thức, chất lượng công tác tham mưu, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các cơ quan tham mưu trong công tác cán bộ và xây dựng đội ngũ cán bộ theo chức năng, nhiệm vụ của mình.

Đồng thời, tăng cường giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện để nâng cao chất lượng đội ngũ làm công tác cán bộ "trung thành, trung thực, gương mẫu, trong sáng, tinh thông" đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của thời kỳ mới. Nghiêm trị các hành vi tiêu cực trong công tác cán bộ, nhất là việc tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền.

Coi trọng và tăng cường công tác kiểm tra, giám sát công tác cán bộ ở các cấp, các ngành; kiểm soát chặt chẽ việc thực hiện quy trình công tác cán bộ...

Bộ Nội vụ cũng cho hay, Bộ Chính trị đã ban hành quy định số 105 ngày 19/12/2017 về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử và quy định số 205 ngày 23/9/2019 về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức chạy quyền, trong đó đã quy định rõ trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan, đơn vị và các cá nhân được giao thực hiện công tác cán bộ ở các cấp.

Thu Hằng

Từ vụ Đường Dương, khởi tố mới, phục hồi điều tra 4 vụ với 15 bị can

Từ vụ Đường Dương, khởi tố mới, phục hồi điều tra 4 vụ với 15 bị can

Công an tỉnh Thái Bình đã triệt phá băng nhóm “xã hội đen” do vợ chồng Nguyễn Xuân Đường cầm đầu, khởi tố mới và phục hồi điều tra 4 vụ, 15 bị can.