Chiều nay (20/7), Tổng Cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN Nguyễn Văn Huyện thông tin, chậm nhất đến ngày 9/8 tới sẽ khởi công dự án sửa chữa mặt cầu Thăng Long. Do vậy việc tổ chức phân luồng phải làm khẩn trương.
Hiện tại Bộ GTVT và Hà Nội đã thống nhất phương án tổ chức phân luồng giao thông.
Theo đó, Tổng cục Đường bộ sẽ thực hiện công tác cắm biển báo, tổ chức phân luồng giao thông thử từ ngày 28/7-8/8 và chính thức cấm phương tiện lưu thông trên tầng 2 cầu từ ngày 8/8 tới.
Dự kiến việc thi công sửa chữa mặt cầu Thăng Long sẽ diễn ra trong 5 tháng.
Từ 8/8, cấm các xe lưu thông trên tầng 2 mặt cầu Thăng Long |
Riêng tầng 1 cầu Thăng Long, tàu hỏa lưu thông qua cầu với tốc độ không quá 5km/h trong thời gian thi công sửa chữa. Các phương tiện môtô, xe máy, xe thô sơ lưu thông bình thường.
Phó giám đốc Sở GTVT Hà Nội Ngô Mạnh Tuấn cho biết, ngoài việc tổ chức lực lượng hướng dẫn 2 bên cầu Thăng Long, Sở GTVT Hà Nội sẽ phối hợp với Tổng cục Đường bộ phân luồng từ xa, tránh tình trạng xe dồn về phía cầu Thăng Long không di chuyển được.
Ông Đặng Văn Trung, Phó Vụ trưởng Vụ An toàn giao thông (Tổng cục Đường bộ VN) thông tin thêm, Tổng cục sẽ thực hiện phân luồng phương tiện từ xa và điều chỉnh lộ trình hoạt động của các phương tiện.
Theo ông Trung, vấn đề nan giải nhất là khoảng 10.000 lượt xe buýt và hàng trăm xe khách đi qua cầu Thăng Long sẽ phải chuyển sang đi qua cầu Nhật Tân; việc phân luồng sẽ ảnh hưởng đến đi lại của người dân do phải đi lộ trình dài hơn trước.
Ngoài ra, xe hợp đồng chở công nhân viên chức đi làm hai bên cầu Thăng Long cũng phải đi vòng qua cầu Nhật Tân.
Mặt cầu đảm bảo tuổi thọ ít nhất 10 năm
Cầu Thăng Long bắc qua sông Hồng được xây dựng và hoàn thành từ 5/1985. Sau một thời gian khai thác phần mặt đường trên cầu đã xuất hiện các hư hỏng với đặc điểm kết cầu phức tạp…
Vì vậy, việc nghiên cứu sửa chữa mặt cầu Thăng Long một cách căn cơ để khai thác êm thuận, an toàn, bền vững lâu dài và khai thác đồng bộ với đường vành đai 3 là hết sức cần thiết và cấp bách,.
Đề cập đến các giải pháp sửa chữa mặt cầu Thăng Long, ông Nguyễn Trung Sỹ, Cục trưởng Quản lý xây dựng đường bộ cho biết, các đơn vị nhà thầu sẽ gia cường mặt cầu thép trực hướng hiện tại thành mặt cầu liên hợp nhẹ như cào bóc lớp bê tông nhựa hiện hữu, làm sạch bản mặt thép; hàn các đinh neo thép vào bản mặt thép và lắp đặt lưới thép.
Lớp bê tông siêu tính năng có cường độ chịu nén bảo đảm bền vững; thảm bê tông nhựa polyme; thay thế các khe co giãn đã bị hư hỏng bằng khe co giãn ray dạng mô đun; sửa chữa lề bộ hành, hệ thống thoát nước và hệ thống an toàn giao thông.
“Lần sữa chữa này của Tổng cục chắc chắn công trình tồn tại ít nhất trên 10 năm theo yêu cầu của Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể, bởi kết cấu được thực hiện bằng các giải pháp khoa học và kỹ thuật mới và có độ bền tốt nhất” ông Sỹ khẳng định.
Phương án phân luồng cầu Thăng Long Các phương tiện từ khu vực các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Tuyên Quang, Phú Thọ, Vĩnh Phúc và một phần của tỉnh Lai Châu đi về khu vực phía Nam cầu Thăng Long và ngược lại, theo các lộ trình như sau: Các phương tiện đi trên đường cao tốc Nội Bài-Lào Cai đến Nút giao IC8 hoặc IC7→ rẽ ra QL2 đến Km41+00→ rẽ phải vào QL.2 tuyến tránh thành phố Vĩnh Yên khoảng 500m→ rẽ phải vào QL2C, qua cầu Vĩnh Thịnh→ theo QL32 về cầu vượt Mai Dịch→ Khu vực Nam cầu Thăng Long. Các phương tiện đi trên QL 2C đến cầu Liễn Sơn (QL2C)→ Đi qua cầu Vĩnh Thịnh→ theo Quốc lộ 32 về cầu vượt Mai Dịch→ Khu vực Nam cầu Thăng Long. Các phương tiện đi trên QL2B đến trạm thu phí IC4 (đường cao tốc Nội Bài-Lào Cai)→ quay đầu đi ra QL2C, qua cầu Vĩnh Thịnh→ theo QL32 về cầu vượt Mai Dịch→ Khu vực Nam cầu Thăng Long. Các phương tiện từ hướng Yên Bái, Phú Thọ đi trên QL2 đến nút giao giữa QL2 với QL2C (Km41+500/QL 2)→ rẽ phải vào QL2C, qua cầu Vĩnh Thịnh→ theo QL32 về cầu vượt Mai Dịch→ Khu vực Nam cầu Thăng Long. Các phương tiện từ khu vực các tỉnh Bắc Kạn, Cao Bằng, Thái Nguyên, và một phần của tỉnh Tuyên Quang, huyện Đông Anh thành phố Hà Nội về khu vực phía Nam cầu Thăng Long và ngược lại, theo các lộ trình như sau: Các phương tiện từ khu vực các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên đi về khu vực phía Nam cầu Thăng Long và ngược lạ đi trên QL5 hoặc cao tốc Hà Nội-Hải Phòng, qua cầu Thanh Trì→ đường vành đai 3 trên cao về cầu vượt Mai Dịch→ Khu vực Nam cầu Thăng Long. Tổng cục Đường bộ cũng phân luồng từ xa các xe tải (có khối lượng toàn bộ ≥1,25 tấn theo Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường) và xe khách ≥ 16 chỗ ngồi, đi từ các tỉnh phía Nam về khu vực phía Bắc cầu Thăng Long Đi đường cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ đến nút giao Pháp Vân→ QL1 qua cầu Thanh Trì→ QL 5→ QL 5 kéo dài→ Khu vực Bắc cầu Thăng Long. Bên cạnh việc điều chuyển lộ trình xe tải, cơ quan chức năng cũng đã thiết lập phương án điều chỉnh tạm thời hướng di chuyển của xe khách tuyến cố định và xe buýt có lộ trình qua cầu Thăng Long. Các tuyến buýt đang hoạt động có điểm đầu, cuối tại Nam Thăng Long được điều chỉnh đi theo đường Đỗ Nhuận, đường nội bộ khu đô thị Tây Hồ Tây ra đường Võ Chí Công đi cầu Nhật Tân. Các tuyến buýt có lộ trình đang hoạt động trên đường An Dương Vương, rẽ đường dẫn lên cầu Thăng Long sẽ điều chỉnh di chuyển theo đường Âu Cơ-An Dương Vương rẽ đường Võ Chí Công đi cầu Nhật Tân. Các tuyến buýt có lộ trình đi theo hướng từ đường Võ Văn Kiệt hoặc đường nội bộ khu công nghiệp Bắc Thăng Long đi cầu Thăng Long sẽ điều chỉnh đi theo đường Hoàng Sa-Võ Nguyên Giáp-cầu Nhật Tân. Các tuyến buýt có lộ trình đi theo đường Vân Trì-Hoàng Sa-đường 6km (Vĩnh Ngọc)-đường dẫn lên cầu Thăng Long sẽ thay đổi đi theo hướng Vân Trì-Hoàng Sa-Võ Nguyên Giáp-cầu Nhật Tân. Bên cạnh đó, các tuyến buýt có lộ trình đi theo hướng đường Hoàng Sa-Vân Trì-đường 6km (Vĩnh Ngọc)-đường dẫn lên cầu Thăng Long-cầu Thăng Long được điều chỉnh theo hướng đi đường 6km (Vĩnh Ngọc)-Hoàng Sa-Võ Văn Kiệt-Võ Nguyên Giáp-cầu Nhật Tân. |
DN Mỹ đề xuất công nghệ sửa mặt cầu Thăng Long tuổi thọ 50 năm
Tập đoàn Versaflex (Mỹ) vừa đề xuất với Bộ GTVT giải pháp sửa chữa mặt cầu Thăng Long bằng hệ thống lớp phủ phòng nước chất lượng cao có tuổi thọ mặt đường 50 năm.
Vũ Điệp