Hàn Quốc là một trong những nước có dân số online nhiều nhất hành tinh. Khi dạo quanh những đường phố rực ánh đèn ở thủ đô Seoul, chúng ta phần nào có thể hình dung được tương lai phần còn lại của thế giới. Thanh toán điện tử xuất hiện gần như ở mọi cửa hàng. Tài xế taxi gắn không chỉ một, mà tới bốn hoặc nhiều màn hình hơn trên bảng điều khiển. Không chỉ giới trẻ quen thuộc với công nghệ kỹ thuật số, mà toàn bộ đất nước đều tiếp cận với công nghệ mới hàng ngày.

Lá cờ đầu công nghệ thông tin thế giới

Hàn Quốc được công nhận rộng rãi là quốc gia dẫn đầu về công nghệ thông tin (CNTT). Những công ty CNTT và điện tử nổi tiếng như Samsung, LG, SK, KT là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cả nước.

Hàn Quốc sở hữu tốc độ Internet hàng đầu và là nước đầu tiên chính thức triển khai 5G thương mại. Nước này còn đứng đầu về tỷ lệ tiếp cận Internt khi hầu hết mọi hộ gia đình đều online.

Có một vài lý do giải thích vì sao Hàn Quốc luôn nằm trong tốp 3 Chỉ số phát triển CNTT toàn cầu của ITU và trên bảng xếp hạng Các nền kinh tế sáng tạo nhất của Bloomberg.

{keywords}
 

Hành trình tiên phong CNTT của Hàn Quốc

Không phải ngẫu nhiên mà quốc gia châu Á này thành công đến vậy trong CNTT. Khi Chiến tranh Triều Tiên kết thúc vào giữa những năm 1950, Hàn Quốc nằm trong số những nước nghèo nhất. Trải qua hàng thập kỷ chính phủ can thiệp và đầu tư vào công nghệ hiện đại, họ đã vươn lên trở thành một trong các nước phát triển nhất khu vực.

Theo Tiến sỹ Kim Seung Keon, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thúc đẩy CNTT Hàn Quốc (KAIT), cuộc chuyển mình mạnh mẽ của Hàn Quốc là kết quả của chính phủ khi đẩy nhanh tốc độ chuyển sang kinh tế số. Ông nhắc tới ba yếu tố chính là nền tảng cho tăng trưởng kinh tế số, đó là: hệ thống giáo dục tiên tiến, đặc tính văn hóa và tầm nhìn của chính phủ đối với CNTT.

Đầu tiên, Hàn Quốc đánh giá cao giá trị của giáo dục. “Với nhiều người ở thế hệ cha ông chúng tôi, giáo dục được xem là chiếc thang thoát nghèo”, ông Kim nói. Giáo dục ở Hàn Quốc thiên về các môn học truyền thống như Toán học, Khoa học, là điều kiện tiên quyết cho nhiều ngành nghề kỹ thuật của kinh tế số. Tuy nhiên, học sinh không được dạy theo kiểu truyền thống với bảng đen và sách vở. Thay vào đó, trường học tích hợp CNTT tại tất cả các cấp để nuôi dưỡng “học trò thế kỷ 21”.

Đặc biệt, theo Giáo sư Kim Jeong Rang – Khoa Giáo dục máy tính, Đại học Quốc gia Gwangju, họ tập trung vào 4 khía cạnh: tư duy phản biện và giải quyết vấn đề, hợp tác, nhân cách và truyền thông. Ngày nay, giáo dục phần mềm đang phát triển mạnh mẽ nên Hàn Quốc muốn cải thiện tư duy tính toán.

Giáo dục là thành phần cần thiết cho cuộc chuyển đổi số, song theo Tiến sỹ Kim, đặc tính văn hóa và khao khát đi lên thật nhanh của người Hàn là động lực quan trọng đứng sau việc nhanh chóng ứng dụng CNTT. “Giống như người Hàn hay nói, “pali-pali” nghĩa là nhanh lên nhanh lên, tham vọng nhanh chóng chuyển sang công nghệ mới, kết hợp với khả năng thích ứng với các kế hoạch đã biến Hàn Quốc thành đối thủ đáng gờm trong kinh tế số ngày nay”, ông nói.

Để vượt qua bất bình đẳng kỹ thuật số giữa thành thị và nông thôn, chính trị gia giới thiệu Mạng hội tụ băng rộng (BcN) năm 2004, tiên phong trong kết nối vùng sâu vùng xa. “Chúng tôi đổ tiền vào khu vực hẻo lánh để vượt qua khoảng cách số…  Nhiều người đã nói: “Chúng ta cần thời gian để cân nhắc”, nhưng các nhà lãnh đạo của chúng tôi cho rằng: “Hãy làm ngay bây giờ, nếu có vấn đề gì xảy ra sau đó, chúng ta sẽ sửa”.

Vai trò của chính phủ

Chính phủ bắt đầu ủng hộ phát triển CNTT từ những năm 1990 khi Internet mới nhen nhóm. Cuối thập niên 90, Cơ quan Cơ hôi và Xúc tiến Kỹ thuật số (KADO) được thành lập để tăng tỉ lệ truy cập Internet, giảng dạy kỹ năng số cho hơn 10 triệu người dân. Chính phủ còn đầu tư trực tiếp vào công nghệ mới khi phân bổ tỉ lệ lớn GDP cho các dự án nghiên cứu và phát triển (R&D).

Theo dữ liệu của OECD, Hàn Quốc đã chi xấp xỉ 91 tỷ USD cho R&D, đứng thứ hai sau Israel. Nhờ vậy, nước này đã sẵn sàng cho cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 với công nghệ thành phố thông minh và 5G.

Busan, thành phố đông dân thứ hai Hàn Quốc, có ý nghĩa quan trọng về kinh tế khi là cảng lớn nhất nước, nằm trong top 10 thế giới. Vài năm gần đây, nó đang được định hình lại để trở thành thành phố thông minh của tương lai, sử dụng công nghệ để cải thiện sinh kế và thúc đẩy đất nước hướng đến công nghệ thế hệ tiếp theo.

Chính sách Thành phố thông minh Busan từng được giới thiệu tại hội thảo năm 2014 của Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU). Tại đây, các dự án bảo đảm an toàn giao thông, nâng cấp đường phố, bảo tồn năng lượng đều đã được triển khai. Những dự án dữ liệu mở và hệ thống theo dõi dữ liệu có nhiệm vụ giám sát luồng giao thông và hỗ trợ dịch vụ khẩn cấp theo thời gian thực.

Cùng với thành phố thông minh, Hàn Quốc cũng dẫn đầu phát triển 5G và ra mắt mạng 5G sớm nhất vào tháng 4/2020. 5G được dự đoán là xương sống của Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Tính đến cuối tháng 7, nước này đã có 7,86 triệu thuê bao 5G, chiếm 11,3% trong tổng số 69,8 triệu thuê bao di động. Khi nhiều nước còn loay hoay với thử nghiệm 5G, Bộ Khoa học và CNTT Hàn Quốc đã đưa ra kế hoạch R&D 6G, kêu gọi đầu tư khoảng 194 triệu USD từ nay tới năm 2025 cho 6 lĩnh vực trọng tâm. Chính phủ cũng thành lập các trung tâm nghiên cứu 6G tại ba trường đại học. Mục tiêu của Hàn Quốc là tiên phong về tiêu chuẩn quốc tế và bằng sáng chế, nhấn mạnh vào hợp tác công – tư trong giai đoạn đầu 6G, củng cố vị thế là một cường quốc công nghệ.

Hàn Quốc mong muốn chia sẻ kiến thức với thế giới, có nhiều cơ quan thúc đẩy CNTT đóng vai trò trung gian và đào tạo cho các nước phát triển và đang phát triển. Theo Tiến sỹ Kim, “Chúng tôi không chỉ muốn quyên góp tiền hay thực phẩm vì chỉ là sự hỗ trợ ngắn hạn. Chúng tôi muốn hướng dẫn họ cách bắt cá, CNTT là một công cụ rất tốt và một ngành hữu ích để hỗ trợ các nước này”. Ông Kim tự tin: “Nếu Hàn Quốc làm được, bất kỳ nước nào cũng có thể”.

Du Lam

Mạng xã hội Hàn Quốc 'hạ gục' Facebook

Mạng xã hội Hàn Quốc 'hạ gục' Facebook

Samsung là tập đoàn nổi tiếng nhất Hàn Quốc, song người giàu nhất Hàn Quốc không đến từ Samsung. Người đó là Kim Beom Su, nhà sáng lập Kakao – công ty đứng sau ‘sát thủ Facebook’ KakaoTalk.