Chặng đường ấy bắt đầu từ năm Bính Dần (1986). Mùa xuân 1975, giang san thu về một dải, nhưng Việt Nam phải đối diện với những khó khăn do chiến tranh để lại. Hạ tầng bị tàn phá, nền kinh tế lạc hậu, cơ chế tập trung, kế hoạch hóa phù hợp huy động nguồn lực cho chiến tranh nay lại trở thành kìm hãm của sự phát triển.
Chặng đường thực hiện đường lối Đổi mới từ Bính Dần (1986) đến Nhâm Dần (2022) đã tạo tiền đề, cơ sở cho dân tộc Việt Nam vươn tới mục tiêu cao hơn |
Trong khi đó, chúng ta phải căng mình cho cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới, giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng, hồi sinh đất nước trong tình thế bị các nước bao vây cấm vận. Liên Xô và Đông Âu bắt đầu cải cách, mở cửa nên cắt giảm viện trợ. Đời sống nhân dân hết sức khó khăn, tiềm lực kinh tế vô cùng nhỏ bé. Trước tình hình đó, Đảng đã nhận định, đã đến lúc phải đổi mới tư duy về lý luận cũng như tư duy kinh tế.
Bước ngoặt trong tư duy lãnh đạo
Trải qua quá trình tìm tòi, đúc rút kinh nghiệm, Đại hội Đảng lần thứ 6 (tháng 12/1986) đề ra đường lối đổi mới toàn diện đất nước. Đây là bước ngoặt lớn trong tư duy lãnh đạo của Đảng. Đường lối Đổi mới đã khơi dậy sức mạnh toàn dân, giải phóng lao động và đưa đến những thành công như hôm nay.
Dù gặp nhiều khó khăn nhưng ngọn gió Đổi mới của Đảng đã bắt kịp thời cơ, phù hợp với thực tiễn phát triển và hợp lòng dân.
Từ một nước phải nhập khẩu gạo, chỉ ít năm sau Đổi mới, Việt Nam trở thành một trong những nước xuất khẩu gạo lớn của thế giới. Từ một nước lạm phát tới 700%, nhờ đổi mới, lạm phát quay trở về 1 con số. Từ một nền kinh tế tập trung quan liêu, bao cấp, chỉ có một thành phần đã trở thành nền kinh tế tự do đứng thứ 90/178 nền kinh tế, nằm trong top 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất thế giới.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần khẳng định: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.
Thành quả trên là kết quả của sự kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, với các chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế nhanh và bền vững, được quốc tế đánh giá cao; là không ngừng nâng cao chất lượng sống của người dân, đẩy mạnh chống tham nhũng, mở rộng các quyền tự do, dân chủ của nhân dân; là phát huy vai trò chủ động, tích cực của Việt Nam trong các vấn đề khu vực và thế giới; là thái độ kiên quyết, kiên trì chống lại các âm mưu xâm phạm chủ quyền của đất nước bằng các biện pháp hòa bình; giữ vững ổn định để phát triển đất nước.
Những cột mốc cụ thể
Đó chính là cơ sở quan trọng để Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13 đặt mục tiêu xây dựng đất nước hùng cường, với các cột mốc cụ thể: vào năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng sẽ là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045, 100 năm thành lập nước, trở thành nước phát triển, có thu nhập cao.
Đại lộ Thăng Long - Thủ đô Hà Nội |
Để đạt mục tiêu trên, Đảng xác định phải “khơi dậy truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh”, lấy “tài năng trí tuệ, phẩm chất của con người Việt Nam là trung tâm, mục tiêu và động lực phát triển quan trọng nhất của đất nước”.
Đây chính là bước phát triển quan điểm lấy nội lực làm động lực phát triển cách mạng, được Đảng vận dụng thành công trong quá trình đấu tranh giành độc lập dân tộc, cũng như trong sự nghiệp đổi mới đất nước.
Nội lực cho công cuộc hiện thực hóa mục tiêu đưa đất nước hùng cường có cốt lõi là tinh thần, ý chí của người Việt Nam được hun đúc và tỏa sáng qua hàng nghìn năm lịch sử, qua 30 năm chiến tranh cách mạng, qua 35 năm công cuộc đổi mới đất nước.
Chặng đường “trở thành nước phát triển, thu nhập cao”, có nghĩa là thu nhập bình quân đầu người tối thiểu đạt 20.000 USD/năm, đòi hỏi từ nay đến 2045 Việt Nam phải liên tục giữ mức tăng trưởng bình quân 7,5 - 8%/năm.
Đó là thách thức không nhỏ, cần phải vượt qua nhiều khó khăn như chất lượng tăng trưởng và sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp, thiếu bền vững; kết cấu hạ tầng thiếu đồng bộ; khoảng cách giàu nghèo gia tăng; tình trạng tham nhũng, lãng phí, suy thoái về tư tưởng chính trị và đạo đức, lối sống vẫn diễn ra trong “một bộ phận không nhỏ” cán bộ, đảng viên; các thế lực thù địch vẫn ra sức chống phá…
Để vượt qua những rào cản đó, đưa đất nước đến cường thịnh, phồn vinh, đòi hỏi toàn Đảng, toàn quân, toàn dân phải chung sức đồng lòng, nêu cao quyết tâm, ý chí, phát huy nội lực, khai thác hơn nữa tiềm năng cho công cuộc xây dựng đất nước.
Khơi dậy sức mạnh toàn dân tộc
Nhìn lại 2 năm phòng chống đại dịch Covid-19, dù tiềm lực kinh tế cũng như khoa học công nghệ chưa thể bằng các nước tiên tiến, nhưng Việt Nam vẫn là điểm sáng của toàn cầu. Dù năm 2021 phải đối phó với biến thể Delta, làn sóng dịch thứ 4 lan rộng ra cả nước, nhưng những ngành hàng chủ lực vẫn tăng trưởng, xuất khẩu vẫn lập kỷ lục mới, thu ngân sách cao hơn năm trước…
Đó là kết quả của một hệ thống chính trị vững chắc, ổn định, một nhà nước dựa vào dân, tập trung vào phục vụ nhân dân, được nhân dân đồng lòng ủng hộ, sức mạnh nội sinh của dân tộc được trỗi dậy mạnh mẽ. Mọi giai tầng trong xã hội, từ những người ở tuyến đầu đến những người dân: già, trẻ, gái, trai đều mang trong mình tinh thần vì Tổ quốc, vì nhân dân.
Sự tiếp sức, chung tay giúp TP.HCM chống dịch; tìm mọi cách hỗ trợ cho người dân trên đường trở về quê là những hình ảnh đẹp, thể hiện tinh thần đoàn kết, sức mạnh của nhân dân trong gian khó.
Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) đánh giá: “Thành công của Việt Nam trong phòng, chống đại dịch Covid-19 cho thấy một minh chứng điển hình về cách một quốc gia đang phát triển có thể chống lại đại dịch, đem đến một bài học ý nghĩa đối với các nước đang phát triển khác”.
Trải qua hơn 35 năm tiến hành công cuộc Đổi mới, những thành công đạt được đã khẳng định “ý Đảng hợp với lòng dân” sẽ là yếu tố tiên quyết khơi dậy sức mạnh của toàn dân tộc. Chặng đường thực hiện đường lối Đổi mới từ Bính Dần (1986) đến Nhâm Dần (2022) đã tạo tiền đề, cơ sở cho dân tộc Việt Nam vươn tới mục tiêu cao hơn, đưa đất nước đi đến hùng cường.
Ths Nguyễn Thị Thu (Cục Khoa học, Chiến lược và Lịch sử Công an)
Những bí mật của Tết
Từ cách đây mấy năm và cho tới bây giờ, có một số người đã đặt vấn đề bỏ ăn Tết truyền thống và dùng tết dương lịch thay vào.