- Trời còn lạnh, Bác vẫn còn húng hắng ho. Mặc dầu vậy, Bác vẫn cởi chiếc áo capot mầu cỏ úa của nhà binh Pháp (cũng là chiến lợi phẩm của chiến dịch biên giới) do anh Trần Đăng Ninh (khi đó là Chủ nhiệm Tổng cục Cung cấp) đưa Bác mặc lúc đi, nói là để gửi trả lại Tổng cục...
LTS: Nhân ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2, trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc những câu chuyện "hậu trường" thú vị của Chủ tịch Hồ Chí Minh với ngành quân y.
Dữ kiện câu chuyện khai thác từ tập bản thảo Hồi ức của cố GS, bác sỹ Nguyễn Sỹ Quốc (Thiếu tướng. nguyên Phó chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần quân đội phụ trách Quân y và KHKT Hậu cần). Con gái của ông, Tiến sĩ Khí tượng học Nguyễn Thị Minh Phương lưu giữ, chia sẻ độc quyền với nhà báo Quốc Phong:
Năm 1946, khi cách mạng còn đang ở thời kỳ trứng nước, theo chỉ thị của Bác, Bộ Quốc phòng bàn với Bộ Y tế tổ chức một phân đội sinh viên quân y trong trường Đại học Y Dược để làm nòng cốt cho ngành quân y sau này.
Cục Quân y đăng ký và tuyển chọn được trên 20 người, biên chế thành một trung đội do anh Đặng Văn Việt làm đội trưởng, tôi (bác sỹ Nguyễn Sỹ Quốc-PV) làm chính trị viên.
Chúng tôi được mặc quân phục, đeo súng ngắn, sao vành và ở nội trú. Chúng tôi ở địa điểm của trường mồ côi, cuối phố Hàng Chuối (Hà Nội).
Những trang bản thảo của GS, bác sỹ Nguyễn Sỹ Quốc |
Ngày làm lễ khai mạc, đúng 9h sáng, chúng tôi đã tập hợp xong đội ngũ chỉnh tề. Anh Vũ Văn Cẩn, lúc đó là Cục trưởng Quân y đón Bác và anh Văn (tức đồng chí Võ Nguyên Giáp) vào.
Trong bộ quần áo ka ki đã đi vào truyền thuyết, trông Bác vẫn còn gầy, vầng trán cao, mắt sáng. Bước đi của Bác rất nhanh.
Sau lễ chào cờ và báo cáo vắn tắt của anh Cẩn, Bác chỉ nói mấy câu vắn tắt, đại khái:
- Các chú sẽ làm thầy thuốc trong Vệ Quốc đoàn, chăm sóc sức khỏe của cán bộ và chiến sĩ. Để sau này làm được nhiệm vụ ấy, Bác khuyên các chú phải biết và thực hiện :1. Đoàn kết; 2. Tích cực; 3. Dũng cảm ; 4. Nhân ái; và thứ 5: Hy sinh.
Các chú luôn nhớ mình là người chiến sĩ Vệ Quốc đoàn, người chiến sĩ Cách mạng. Các chú có nhớ không?
- Có ạ. Tất cả đồng thanh.
- Bác chào các chú!
Những quân y sĩ đầu tiên
Một tháng sau, cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ. Chúng tôi được gọi là quân y sĩ. Nhiều người được phân công đi chiến trường.
Phó cục trưởng Cục Quân y Nguyễn Sỹ Quốc cùng lãnh đạo Quân y Mặt trận B2 (bìa trái phía sau) |
Số còn lại theo thầy Di, thầy Tùng lên Chiêm Hóa và hàng năm lại có thêm cán bộ quân y khác vẫn học lên bác sĩ. Mười Chữ Vàng của Bác Hồ vẫn được nhắc nhở cho anh em chúng tôi.
Cũng năm 1946, cuối tháng 11, Bác đến thăm Quân y viện Trung ương Vệ Quốc đoàn. Gọi là Trung ương vì lúc đó nhiều địa phương đã có Quân y viện.
Quân y viện Trung ương (tiền thân của Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 ngày nay) được tổ chúc rất gấp (chỉ trong vòng vài tháng) ở địa điểm hiện nay là Viện Bảo vệ bà mẹ và trẻ sơ sinh, Bộ Y tế, đối mặt với bệnh viện Phủ Doãn (bây giờ là Bệnh viện Việt- Đức).
Làm sao mà tổ chức được một bệnh viện gần 200 giường với hai bàn tay trắng trong một thời gian ngắn?
Chúng tôi đã tận dụng nhà cửa sẵn có, chỉ sửa chữa rất ít theo yêu cầu chuyên môn. Còn trang bị thuốc men, trang bị hậu cần thì đi xin, hoặc đi mua; có cái lấy từ các bệnh viện dân y (Đồn Thủy, Bạch Mai, Phủ Doãn); có cái do các bệnh viện tư, các dược sĩ hảo tâm biếu bộ đội.
Tôi nhớ: cao nhất lúc đó là mấy bộ đồ mổ, một máy X quang lưu động của Pháp, một xe Hồng thập tự mác Ford V8.
Nhân viên gồm có 2 bác sĩ: Nguyễn Tấn Di Trọng, Đỗ Tạo Tiềm, 7-8 sinh viên quân y (gọi là quân y sĩ), vài nữ Hồng thập tự .
Mới 6 giờ sáng, Bác đã tới. Lúc đó tôi mặc quần đùi, may ô, đang tập thể dục. Có người gọi, tôi choàng vội chiếc bờ lu trắng, tất tả đi đón.
Bác đang ở nhà bếp, xem từng thứ một: chảo cơm, thùng canh, xoong tép khô kho với khế, một vài hộp sữa. Vài cái bàn nhỏ, bẩn ơi là bẩn. Bác từ bếp bước ra. Trong nét mặt ông cụ thoáng thấy hơi buồn buồn.
Tôi đưa Bác đi thăm từng buồng bệnh. Lúc đó viện chỉ có một khoa nội (số lớn là bệnh nhân sốt rét), một khoa ngoại (gồm có sâu quảng, vết thương các loại), một khoa lây (Hà Nội lúc đó có sốt hồi quy do Tàu Tưởng đem vào), một khoa phi lâm sàng (không gọi là cận lâm sàng như ngày nay).
Tại lễ kỷ niệm 30 năm ngày truyền thống ngành quân y 1976, GS Nguyễn Sỹ Quốc đứng bên trái, vợ là GS Vũ Thị Phan đứng bên phải, ở giữa là ông Hải Thanh, nguyên Chính ủy quân y |
Đến buồng các thương binh nặng, Bác hỏi:
- Các đồng chí này từ đâu về?
- Thưa Bác! Từ nhiều đơn vị. Xa nhất là từ sông Cầu về và từ Trung bộ ra.
Bác đến bên một giường. Lật cái chăn mỏng lên, bên dưới là một thương binh trẻ. Anh chừng hai mươi tuổi, gầy gò, bị gãy xương đùi phải, đang nằm ưỡn người trên một giát giường sắt cong queo, trông thật tội nghiệp.
Bác hỏi :
- Sao giát giường lại cong như thế này? Không ai dám trả lời. Lại là cái nhìn buồn buồn của Bác.
Bác nói thêm :
- Nằm như vậy mệt thật đấy ! Chiến sĩ mình chịu khổ đã quen rồi. Bác nói mà thấy nghèn nghẹn...
Ngay hôm đó, tôi báo cáo lại với anh Tiềm (Viện trưởng), anh Cẩn (Cục trưởng) rồi sang bệnh viện Phủ Doãn, xin mấy chiếc giường đặc chủng cho chấn thương.
Bác sĩ Phạm Biểu Tâm, Giám đốc bệnh viện, sẵn sàng cho. Như vậy hoá ra là chúng tôi chưa biết đi xin, chứ không ai tiếc cái gì đối với việc phục vụ người thương binh Vệ Quốc đoàn cả.
"Bác đã mượn thì Bác trả"
Những ngày tôi được trực tiếp làm thầy thuốc cho Bác đầu năm 1951, trong chuyến Bác đi công tác Cao Bằng quả là những ngày tháng không thể nào quên.
Chúng tôi được Bác trực tiếp lên lớp về Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ 2, được bác kể cho nghe một số mẩu chuyện về đời hoạt động của mình hồi ở Trung Quốc.
Bơm kim tiêm được bác sỹ Quốc dùng phục vụ Bác khi Người bị ốm trong kháng chiến chống Pháp |
Sau 4-5 ngày đi đường, đêm đi, ngày nghỉ và làm việc, Bác nhận thấy anh em dọn bữa để Bác dùng cơm có nhiều chiến lợi phẩm của chiến dịch biên giới quá. Nào thì bơ, pho mát, nào là sữa, thịt hộp, lại có cả rượu vang.
Bác thấy thế nên hỏi, một đồng chí trả lời:
-Thưa Bác, không phải mua mất tiền gì đâu ạ.
Bác nói :
- Chiến lợi phẩm, dù không mất tiền, song lại mất xương máu của chiến sĩ, công sức của cải của đồng bào, thế thì còn đắt gấp bao nhiêu lần ?
Một hôm khác, Bác mệt. Tôi bưng cốc sữa lên để Bác uống. Bác hỏi :
-Chú A. ấy ốm vậy liệu có được uống sữa không?
Đồng chí Nhất, cần vụ của Bác, trả lời:
- Thưa Bác có ạ, đồng chí ấy nay đã đỡ.
Thì ra, ông Cụ ngày nào cũng giao đồng chí Nhất đi nắm quân số và tình hình ốm đau trong đoàn.
Sau này, khi về đến gần ATK, trước khi đoàn giải tán, có một việc gây cho chúng tôi ấn tượng đặc biệt sâu sắc.
Trời còn lạnh, Bác vẫn còn húng hắng ho. Mặc dầu vậy, Bác vẫn cởi chiếc áo capot mầu cỏ úa của nhà binh Pháp (cũng là chiến lợi phẩm của chiến dịch biên giới) do anh Trần Đăng Ninh (khi đó là Chủ nhiệm Tổng cục Cung cấp) đưa Bác mặc lúc ra đi, nói là để gửi trả lại Tổng cục Cung cấp.
Các anh Bùi Phùng, lúc đó là Trưởng phòng chính trị Cục vận tải (sau làm Thứ trưởng Quốc phòng), anh Nguyên Hữu Lê (sau này là Phó Tư lệnh Quân khu 1) đề nghị Bác giữ lấy mặc cho đỡ lạnh.
Bác nói "Bác đã mượn thì Bác trả. Vả lại Bác đã có áo ấm rồi. Ở nhà không rét như ở Cao Bằng"....
Chị Minh Phương, con gái ông rất lấy làm tiếc hiện vẫn chưa tìm lại được một đoạn Hồi tưởng nữa của cha mình hiện đang nằm ở đâu, qua đó cho thấy cách ứng xử với thầy thuốc, với trí thức rất tinh tế của Bác.
Quốc Phong