Cần bình tâm để suy xét, tìm ra gốc rể vấn đề. Để những việc tốt đã rất hiếm hoi trong cuộc sống xô bồ hôm nay vẫn còn được những người có tâm tiếp tục thực hiện.

Hai ngày nay dư luận đang quan tâm câu chuyện ba em bé bị tử vong khi phẩu thuật hở hàm ếch tại quân y viện 87 thành phố Nha Trang do tổ chức thiện nguyện OSCA chủ trì.

Dư luận khen chê, người cảm thông, người cáo buộc thôi thì vô số. Từ câu chuyện Chùa Bồ Đề đến câu chuyện trung tâm  OSCA chúng ta cần bình tâm để suy xét, tìm ra gốc rể vấn đề. Để những việc tốt đã rất hiếm hoi trong cuộc sống xô bồ hôm nay vẫn còn được những người có tâm tiếp tục thực hiện.

Một thực tế cần được xã hội công nhận là những tổ chức từ thiện phi chính phủ đang chung vai gánh vác một lượng lớn công việc đáng ra phải do nhà nước thực hiện và nếu không có các tổ chức từ thiện thì hằng năm nhà nước sẽ phải tiêu tốn thêm một lượng lớn ngân sách, mà chúng ta ai cũng biết, ngân sách chi cho phúc lơi xã hôi của chúng ta còn quá eo hẹp và năm nào cũng bị thâm thủng do bội chi.

Những mái ấm tình thương mọc lên khắp nơi đang là nơi trú ngụ của bao mảnh đời bất hạnh, nếu không có những mái ấm này, liệu các trung tâm bảo trợ xã hội của sở LĐTBXH các tỉnh thành có lo nổi không?

{keywords}

Đến khoảng 10h sáng nay (25/8), cháu Hữu cũng tử vong sau khi được các bác sỹ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa nỗ lực cứu chữa. Ảnh: Dantri

Hay những mảnh đời bất hạnh đó sẽ lang thang ngoài hè phố và hệ quả tất yếu các em sẽ trở thành những tay anh chị trong chốn giang hồ? Các chương trình mổ mắt từ thiện đã đem đến ánh sáng cho biết bao người vốn bao năm chịu sống trong tăm tối vì không có điều kiện chữa trị tại các bệnh viện công cũng như tư.

Các chương trình mổ hàm ếch đã đem đến nụ cười cho biết bao em nhỏ, để các em khi lớn lên không mặc cảm với bạn bè. Những nhóm nhỏ như Trái Tim Việt, FIAT… đang cần mẫn “Một Chút, Một Chút, Một Chút Thôi” để những em nhỏ ở vùng sâu vùng xa có được tấm áo, tập sách đến trường, để người tàn tật có chiếc xe lăn di chuyển trong những ngày tháng còn lại của cuộc đời. Tất cả chúng ta, những người không làm được, hãy có một lời cám ơn để động viên những tấm lòng từ tâm đó, đừng bao giờ dù chỉ một lần có lời nói việc làm mang tính định kiến đối với những người anh em của chúng ta đang cần mẫn hy sinh cho đời.

Tất nhiên, mỗi công dân khi làm bất cứ việc gì cũng phải tuân thủ các quy định của pháp luật. Tuy nhiên mỗi người đều có một năng lực và điều kiện khác nhau, không thể bắt những nhà từ thiện phải thông hiểu toàn bộ luật pháp, đặc biệt là các văn bản pháp luật của chúng ta đang trong tình trạng chưa hoàn thiện, quá nhiều, quá chồng chéo hay trùng lặp và vẫn còn quá thiếu, nói như một vị chủ tọa một phiên họp phổ biến pháp luật về môi trường mà tôi được dự : “Cuộc sống là một dòng sông mà pháp luật là đôi bờ”. 

Do đó việc hướng dẫn để các tổ chức từ thiện tuân thủ pháp luật thuộc trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước từ trung ương đến địa phương. Chúng ta hưởng lương từ tiền thuế của dân để làm việc đó, đừng đứng ngoài cuộc rồi để có một sự cố xảy ra như  Chùa Bồ Đề hay OSCA mới bắt tay vào xem xét các tổ chức từ thiện đã tuân thủ pháp luật hay chưa.

Xin hãy có cái nhìn cảm thông để những tấm lòng từ thiện vốn đã rất hiếm đừng khép lại.

Hãy chung tay cùng nhau, mỗi người một việc để các em nhỏ không phải đi lang thang. Để các em có một nụ cười thật tươi trên môi, để đem lại niềm tin yêu vào cuộc sống cho những phận đời bất hạnh.

Để mỗi sớm mai thức dậy chúng ta cảm thấy hạnh phúc khi những ốc đảo của tham lam và ích kỹ đang biến dần khỏi mặt đất, và biết trên quê mình vẫn còn đó rất nhiều những tấm lòng bao dung.

  • Đaminh Đinh Trọng Bình