Anh Trần Quang Hanh sinh năm 1992, quê Bắc Ninh. Tốt nghiệp ngành quản trị nhân lực, anh đang làm quản lý nhân sự cho một doanh nghiệp tư nhân chuyên sản xuất đồ gia dụng.
Hanh chia sẻ, vì bố mẹ dưới quê làm nông, không có điều kiện kinh tế nên để trụ lại thành phố lập nghiệp, anh xác định phải tự thân vận động. Do vậy, từ khi ra trường, Hanh đã lập cho mình một kế hoạch chi tiêu rõ ràng.
“Mình ra trường năm 2015 với mức lương khởi điểm là 8,4 triệu đồng/tháng. Khoản thu nhập này rất eo hẹp so với cuộc sống thành thị nên mình phải có kế hoạch chi tiêu sao cho đủ. Mình chỉ tiêu 70% lương, tương đương 6 triệu đồng, còn 2,4 triệu mình giữ lại đề phòng lúc ốm đau cần tiền”.
Để chi tiêu đúng định mức, Hanh chấp nhận trọ ghép cùng bạn, hạn chế ăn uống bên ngoài. Vì thanh niên, lại là con trai nên các khoản cà phê, bạn bè không thể cắt, tuy nhiên Hanh hạn chế hết mức có thể.
Nhờ buôn bán xe máy cũ, Hanh mua được cả nhà, cả đất. Ảnh minh họa |
“Năm 2017, chiếc xe máy cũ bố cho mình ngày ra trường để đi làm bị hỏng, mình quyết định bán đi mua chiếc xe khác. Vì kinh tế chưa có nên mình mua lại một chiếc Dream Thái đã qua sử dụng, giá 13 triệu đồng. Xe lâu năm đồ nhựa và nhiều chi tiết đã xuống cấp nhưng được cái máy còn chạy ổn. Bất ngờ, mua xe được nửa tháng thì có người ở cùng xóm trọ thích chiếc xe đó. Họ trả 15 triệu, mình đồng ý bán luôn”.
Từ lần bán xe ấy, Hanh nảy ra ý tưởng đầu tư vốn để buôn xe cũ. Đặc biệt, Hanh có lợi thế là có một người anh họ làm nghề sửa chữa xe máy, mỗi lần đi mua Hanh thường rủ anh họ đi mua cùng để định giá cũng như kiểm tra chất lượng xe rồi mới quyết định xuống tiền mua hay không.
Anh thanh niên gốc Bắc Ninh này cho hay, thời điểm đó trong tay anh chỉ có 60 triệu. Anh vào chợ xe cũ trên mạng mua một chiếc xe Honda Lead đã qua sử dụng 2 năm, giá 19 triệu đồng; một chiếc Vespa cũ giá 35 triệu đồng, qua 3 năm sử dụng, giấy tờ đầy đủ.
“Mua xe về, mình nhờ anh họ bảo dưỡng, bọc yếm, sơn lại phần vỏ bị xước rồi đăng bán trên tài khoản cá nhân. Trong tuần thứ nhất, mình bán được chiếc xe Lead với giá 23 triệu đồng, xe Vespa sang tuần thứ hai bán được với giá 41 triệu đồng.
Nhận thấy lợi nhuận từ việc buôn xe cũ khá tốt, hàng ngày ngoài công việc chính, có thời gian Hanh lại vào các group chuyên buôn bán xe máy cũ cũng như nhờ các mối quen tìm mua lại xe về bảo dưỡng rồi bán sang tay như vậy.
“Để tìm được nguồn hàng cũng không hề đơn giản. Xe cũ có nhiều nhưng không phải xe nào cũng đủ giấy tờ, đồng thời mình cũng phải chọn lựa những xe máy móc còn tốt, đời máy cao mới bán sang tay dễ và kiếm lời được cũng như tạo uy tín với khách, từ đó họ sẽ tự giới thiệu khách mua cho mình. Tính ra tháng này bù tháng kia, mỗi tháng mình cũng kiếm thêm được khoảng 15 triệu từ việc buôn xe cũ”, Hanh nói.
Sang năm 2018, lương của Hanh tăng lên 14 triệu đồng trên tháng. Vẫn áp dụng đúng nguyên tắc chi tiêu, mỗi tháng Hanh tiêu 9 triệu đồng, số còn lại Hanh dồn vào cùng nguồn thu nhập từ việc buôn xe là được 20 triệu đồng, chàng thanh niên này mua vàng tích lũy.
“Mình không gửi tiền ngân hàng mà mỗi tháng mua khoảng 4 chỉ vàng cất đi. Tháng 8/2020, khi vàng cán mốc 60 - 62 triệu đồng/cây, mình có tổng cộng 12 cây vàng, liền mang bán hết được trên dưới 740 triệu đồng”.
Bán hết vàng, Hanh vay thêm 300 triệu đồng mua một mảnh đất dịch vụ rộng 40m2 với giá 1,1 tỷ đồng. Đến tháng 2/2021, đúng thời gian sốt đất, có người trả giá mảnh đất đó 2,3 tỷ, Hanh quyết định bán để mua một căn chung cư rộng 60m2 ở Mỹ Đình trị giá 1,6 tỷ đồng. Còn 700 triệu đồng, không đủ để mua một mảnh đất kinh doanh đẹp trên thành phố, Hanh quay về quê mua một mảnh đất rộng 50m2 gần nhà để bố mẹ làm vườn trồng rau.
Theo chàng trai gốc Bắc Ninh, tuy mới mua được 3 tháng, hiện đã có người trả anh 900 triệu nhưng Hanh chưa có ý bán.
Hanh muốn để mảnh đất đó thêm một thời gian nữa, khi được giá hơn. Ngoài ra, anh vẫn tiếp tục duy trì hai công việc song song, khi có dòng vốn lớn hơn, có thể Hanh sẽ bán mảnh đất dưới quê dồn tiền mua mảnh đất dịch vụ trên thành phố có trị giá lớn để sinh lời.
Thu Giang