"Bế tắc lớn nhất hiện nay là thị trường tiêu thụ. Gần như cả nước làm nông nghiệp mà không biết khách hàng là ai, nhu cầu của họ thế nào." - TS. Võ Hùng Dũng, Giám đốc VCCI Cần Thơ.

LTS: Sản xuất nông nghiệp nước ta đang đứng trước cuộc khủng hoảng toàn diện là đánh giá chung của nhiều chuyên gia, nhà quản lý. Nói như cựu Bộ trưởng Lê Huy Ngọ: "Đây là nền NN khuyết tật khi SX ra sản phẩm không biết bán cho ai, không biết thị trường của mình ở đâu".

Báo chí thời gian qua tràn ngập thông tin đáng buồn: từ cây lúa, hoa quả, rau trái cho đến con cá tra, basa... đều "kêu cứu" vì bán không được, giá rẻ, nông dân thua lỗ. Đáng suy nghĩ hơn, nhiều sản phẩm của ta đã bị hàng nông sản của các nước mới tự lực được như Myanmar, Campuchia đánh bại trên thị trường nhiều nước.

Ghi nhận từ thị trường cho thấy, trong khi nhiều mặt hàng tăng giá liên tục, thì suốt 18 tháng qua các mặt hàng nông sản liên tục giảm giá. Theo dự báo của chuyên gia kinh tế, tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa, giá các mặt hàng nông sản chưa có dấu hiệu phục hồi trong ngắn hạn.

Rõ ràng nền SX NN nước ta đang đứng trước "cửa tử" nếu không thay đổi. Đó là nguyên nhân cần phải tái cơ cấu ngành nông nghiệp một cách toàn diện, như kết luận của Thủ tướng Chính phủ.

Vậy cần tiến hành tái cơ cấu theo hướng nào: làm sao để thay đổi, tổ chức lại nền SX có hiệu quả, mang lại lợi ích cho nông dân và đất nước? Đó cũng chính là nội dung bàn tròn số này của Tuần Việt Nam, với sự tham gia của khách mời là các chuyên gia, nhà quản lý trong ngành nông nghiệp.

Bài 1 - Từ "cường quốc" đến "vỡ trận" - tập trung lý giải tình trạng từ "cường quốc" xuất khẩu gạo đến "vỡ trận" của SXNN Việt Nam do sản xuất chạy theo phong trào, nhiều đến dư thừa, trong khi thị trường đầu ra "bế tắc".

{keywords}

Ảnh minh họa. Nguồn: Chinhphu.vn

Sản xuất phong trào, thị trường bế tắc

- Từ một quốc gia đói nghèo hàng năm phải nhập hàng triệu tấn lương thực, Việt Nam đã vươn lên thành "cường quốc" xuất khẩu gạo năm 1989, và sau đó là nhiều mặt hàng nông sản khác. Tuy nhiên, sự "thần kỳ" nay đang trở thành thế "vỡ trận" trong SXNN: Càng làm càng lỗ! Vì sao lại xảy ra tình trạng này, thưa các ông?

Tiến sĩ Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện chính sách Bộ NN - PTNT: Mâu thuẫn nổi lên rất rõ là chúng ta đã SX rất tốt, SX ra nhiều hàng hóa trong điều kiện nhu cầu thị trường suy giảm đã dẫn đến tình trạng dư thừa. Vì thế giá nông sản đi xuống. Trước hết là giá nông sản trong nước. Thêm vào đó là kinh doanh của chúng ta yếu kém, tổ chức không tốt. Đã vậy một số doanh nghiệp trong kinh doanh còn dẫm chân lên nhau làm suy giảm khả năng cạnh tranh của nông sản.

Hệ thống sản xuất của chúng ta đã phát huy vai trò rất tốt trong thời gian vừa qua. Nhưng những yếu kém trong hệ thống đó chậm được khắc phục đã gây ra hàng loạt hiện tượng khó  khăn, ách tắc, thể hiện ở chỗ thiếu thị trường, giá cả xuống thấp... Đến lúc này các giải pháp xử lý ngắn hạn trong hệ thống sản xuất, kinh doanh không còn phát huy tác dụng nữa.

- Tiến sĩ Võ Hùng Dũng, Giám đốc phòng Thương mại và Công nghiệp (VCCI) Cần Thơ: Năm nào lúa được giá, ngành NN hô hào kêu gọi nông dân trồng lúa, tăng diện tích, quay vòng đất tăng vụ. Năm nào lúa mất giá, lại kêu gọi giảm diện tích! Kiểu phát triển"giật cục" như thế thì không thể gọi là có chiến lược được!

Bế tắc lớn nhất hiện nay là thị trường tiêu thụ. Gần như cả nước làm nông nghiệp mà không biết khách hàng là ai, nhu cầu của họ thế nào. Nói chung ta vẫn quen tư duy có gì bán nấy. Làm được gì bán cái đó!

Chúng ta may mắn có thị trường lúc đầu, nhưng nay cái thời đó đã qua. Thị trường ngày nay không đơn giản, không dễ dàng như trước kia nữa. Trong khi, trên thế giới, nhiều quốc gia SX NN như ta tiến bộ hàng ngày. Còn ta vẫn giẫm chân tại chỗ...

- GS. TS Võ Tòng Xuân, chuyên gia nông nghiệp, hiệu trưởng Đại học Tân Tạo:
Đã đến lúc chúng ta phải nhận rõ sự thật phũ phàng: Chúng ta chỉ đạo SX lương thực trong sự hy sinh của nông dân chứ không phải vì lợi ích của nông dân. Cách chỉ đạo này có vai trò lịch sử trong thời kỳ nước ta còn thiếu đói. Lẽ ra, đến khi bắt đầu xuất khẩu được gạo thì chúng ta phải biết dừng bớt trồng lúa và đa dạng hóa nông nghiệp...

Chúng ta tập trung quá nhiều vào cây lúa, hô hào trồng cả vụ 3, thậm chí có nơi trồng cả 7 vụ trong 2 năm. Trồng lúa càng nhiều càng làm tổn hại môi trường đất và nước, làm gia tăng biến đổi khí hậu, càng làm cung vượt cầu đưa đến rớt giá, càng làm nông dân trồng lúa nghèo hơn.

Ngược lại, có nhiều lúa thì cán bộ được khen, được thành tích, đất nước được xếp hạng cao trong số các nước xuất khẩu lúa gạo. Chúng ta cứ hô hào nông dân trồng rồi bỏ mặc họ "đem lúa cho vịt ăn" thì làm sao mà không chết?

Ông Lê Vĩnh Tân, Bí thư tỉnh ủy tỉnh Đồng Tháp: Tất cả là do chúng ta cứ chạy theo phong trào, thấy cái gì có lãi là đầu tư mà không căn cứ vào nhu cầu thị trường. Ở Đồng Tháp đề ra mục tiêu 2,5 triệu tấn lúa thế nhưng đã SX ra tới 4,1 triệu tấn. Tương tự, cá ba sa tăng gấp 3 lần so với mục tiêu ban đầu.

{keywords}
Ông Lê Vĩnh Tân. Ảnh: Duy Chiến

Không chỉ Đồng Tháp, phong trào nuôi cá ba sa phát triển rầm rộ ở nhiều địa phương, tăng sản lượng rất nhanh.

Ở tầm vĩ mô, việc cạnh tranh nội bộ, giẫm đạp lên nhau gây thiệt hại chưa khắc phục được. Cùng với đó là gian lận thương mại. Cuối cùng ép giá nông dân.

"Thủ phạm" chính: Doanh nghiệp tiêu thụ

- Điều chúng ta cần quan tâm là những biện pháp cấp bách đối phó với tình hình khó khăn cho nông dân nói riêng và cho SX NN gần đây chưa có hiệu quả? Chẳng hạn như biện pháp tạm trữ?

Ông Lê Vĩnh Tân: DN không chờ Nhà nước có chính sách tạm trừ mới mua lúa đâu! Họ đã mua từ khi nông dân thu hoạch hồi tháng 2, tháng 3 rồi! Đến tháng 6 nông dân đã phải bán  ngay tại ruộng bị lỗ nặng vì phải bán cấp tập, thìNhà nước mới cho tạm trữ, nông dân chẳng còn được gì đâu!

Tôi đã nhiều lần đề nghị  trong Hiệp hội lương thực cần có đại diện các  địa phương có sản lượng lương thực cao thì  mới có thể điều hòa lợi ích giữa nông dân và Công ty kinh doanh lương thực, mới có trách nhiệm cùng lo trách nhiệm tổ chức SX và thị trường. Chứ như hiện nay chẳng ai lo xây dựng thương hiệu, phát triển thị trường. Bán đổ án tháo, bán giá rẻ rồi cứ đổ tội cho nông dân là không chịu trồng lúa hạt dài! Nông dân làm sao biết được nhu cầu thị trường mà trồng?

- GS. TS Võ Tòng Xuân: Theo tôi, "thủ phạm" chính là nhà DN tiêu thụ nông sản! Tôi không hiểu tại sao Nhà nước lại giao tất cả quyền hành xuất khẩu gạo cho một Tổng Công ty kiêm luôn Hiệp hội lương thực VN để cho họ lũng đoạn thị trường trong nước? Họ chẳng lo xây dựng thương hiệu, đầu tư liên kết với nông dân mà chỉ lo cạnh tranh theo kiểu dìm giá xuống thấp để hưởng lợi, mặc cho nông dân khốn khổ.

Tờ Bangkok Post hồi tháng 4 đưa tin Tổng Công ty lương thực miền Nam (Vinafood2) tham gia đấu thầu gạo đã hạ giá thấp hơn giá của gạo Thái Lan cùng loại đến 108,25 USD/tấn. Với giá này họ phải ép nông dân hạ giá bán xuống thấp để mua cung ứng và họ vẫn có lời! Nông dân bán thấp lỗ mặc kệ!

(Còn nữa)

Duy Chiến

Kỳ sau: "Chẩn bệnh" từ chính sách: "Đáng tiếc nhất là cho đến nay Nhà nước ta, cụ thể là Bộ NN - PTNT vẫn hành động theo kiểu chắp vá, thấy hư đâu thì sửa đấy, bị thương chỗ nào băng bó chỗ đấy mà không hề có một chiến lược dài hạn khả thi đồng bộ có hệ thống".

Bài cùng tác giả:

Không cải cách doanh nghiệp NN, không ai 'chơi' với

Mặc dù đã là thành viên của một tổ chức thương mại lớn nhất thế giới như WTO, nhưng công cuộc cải cách DNNN của VN vẫn rất chậm chạp, thậm chí mù mờ.


Sau 24 năm 'cường quốc', Việt Nam có gì?

Vì sao tiếng kêu của người làm nông nghiệp không "rầm rộ" như lĩnh vực khác trong thời điểm đầy khó khăn, nguy nan?