Hội thảo khoa học quốc tế lần thứ ba về Biển Đông với chủ đề “Biển Đông: Hợp tác vì an ninh và phát triển ở khu vực” do Học viện Ngoại giao phối hợp với Hội Luật gia Việt Nam tổ chức hôm nay (4/11) tại Hà nội.
Hơn 200 đại biểu là những học giả, nhà nghiên cứu, chuyên gia, trong đó có hơn 70 đại biểu từ Trung Quốc, các nước ASEAN, Mỹ, Nhật Bản, Úc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Nga, Anh, Pháp, Thụy Điển, Na Uy, hơn 50 đại biểu ngoại giao đoàn tại Hà Nội và hơn 100 đại biểu Việt Nam.
Biển Đông trong rađa quốc tế
Mục đích của hội thảo nhằm trao đổi các kết quả nghiên cứu, đánh giá từ góc độ luật pháp quốc tế và quan hệ quốc tế về tầm quan trọng của Biển Đông trong bối cảnh môi trường chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh của khu vực đã và sẽ có nhiều thay đổi.
Từ đó đề xuất những kiến nghị cho chính phủ các nước liên quan trực tiếp và không trực tiếp tới tranh chấp để tăng cường hợp tác, quản lý hiệu quả tranh chấp, ngăn ngừa và kiểm soát các xung đột tiềm tàng ở Biển Đông.
Ông Đặng Đình Quý, Giám đốc Học viện Ngoại giao, phát biểu khai mạc hội thảo cho biết, số lượng các hội thảo quốc tế về Biển Đông ngày càng tăng cho thấy tầm quan trọng của khu vực này. Chỉ tính riêng năm nay đã có 15 hội thảo về đề tài này.
Biển Đông là một trong những khu vực có tranh chấp phức tạp nhất trên thế giới. Việc duy trì hòa bình, ổn định và phát triển ở Biển Đông ngày càng được thảo luận chính thức trên tinh thần tôn trọng luật pháp, công khai, minh bạch vì lợi ích của các bên liên quan và lợi ích chung của cộng đồng quốc tế.
Giáo sư Carlyle Thayer (trái): Chính nhờ thông qua DOC, căng thẳng ở Biển Đông đã dịu đi. Ảnh: TS |
Đánh giá về các nguy cơ xung đột hiện có ở Biển Đông, ông Quý cho rằng có những lúc cả cộng đồng trong khu vực và quốc tế đã phải “nín thở “ bởi tình hình quá nóng. “Biển Đông vẫn tiềm ẩn những bất ổn mà nếu không có sự kiềm chế, sự tôn trọng các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế của các bên liên quan, nếu không có những nỗ lực có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế thì xung đột có thể xảy ra bất cứ lúc nào”, ông Quý nhận định.
“Chính những hoạt động nghiên cứu và thảo luận này đã góp phần quan trọng đưa Biển Đông vào “rađa" kiểm soát của cộng đồng quốc tế; bản chất của tranh chấp trên Biển Đông, cũng như các vụ việc phức tạp xảy ra trên Biển Đông được phân tích đánh giá trên tinh thần khoa học, khách quan để dư luận nội bộ từng bên liên quan đến tranh chấp và dư luận quốc tế có thông tin đầy đủ và nhiều chiều hơn”, ông nhấn mạnh.
Tuy nhiên, ông Quý cho rằng những nỗ lực hợp tác trên đây mới chỉ là bước đầu trên một con đường vô cùng lâu dài và gian khổ để các bên liên quan đến thảo luận trực tiếp và không trực tiếp, không hành động vì lợi ích của mình mà phải tính đến lợi ích của các bên liên quan khác và của cộng đồng quốc tế, để hướng tới mục tiêu cuối cùng là biến Biển Đông từ khu vực tranh chấp phức tạp, thực sự trở thành một khu vực hòa bình hợp tác và phát triển.
Sau phiên khai mạc, sáng nay đã diễn ra hai phiên thảo luận đầu tiên với 8 tham luận về hai chủ đề: Tầm quan trọng của Biển Đông trên thế giới và trong khu vực và Lợi ích của các bên trong và ngoài khu vực Biển Đông.
Cơ chế quản lý xung đột
Các đại biểu đến từ Mỹ, Ấn Độ, Nga, ASEAN... đều khẳng định tầm quan trọng của vấn đề biển Đông đối với môi trường hòa bình, ổn định ở khu vực và trên thế giới. Do tính chất phức tạp của vấn đề liên quan tới các khía cạnh luật pháp, kỹ thuật, chính trị nội bộ, chính trị quốc tế, chiến lược, kinh tế..., Biển Đông ngày càng thu hút được quan tâm của các nước trong và ngoài khu vực.
Tiến sỹ Ian Storey, Viện nghiên cứu Đông Nam Á của Singapore nhận định mọi thành viên ASEAN đều có lợi ích “ bất di bất dịch” đối với ổn định và giải quyết tranh chấp một cách hòa bình. Nền tảng cho sự đồng thuận lâu dài trong ASEAN chính là cần phải có một cơ chế quản lý xung đột như Tuyên bố về Quy tắc ứng xử của các bên tại Biển Đông (DOC), dù vẫn tồn tại những khác biệt về cách tiếp cận va về tầm quan trọng của nó.
Giáo sư Carlyle Thayer đến từ Học viện Quốc phòng Úc cũng đồng quan điểm rằng chính nhờ thông qua DOC, tình hình căng thẳng ở Biển Đông đã dịu đi trong nửa cuối năm 2011, ngoại giao giữ vai trò trung tâm với những tuyên bố và các cuộc gặp gỡ cấp cao trong khu vực.
Tại hội thảo, có đại biểu còn cho rằng Biển Đông thực sự mang ý nghĩa toàn cầu bởi trong bối cảnh toàn cầu hóa, an ninh quốc tế là không thể chia cắt, lợi ích của các nước ở khu vực và trên thế giới đan xen lẫn nhau, sự phát triển của khu vực này có ảnh hưởng tới sự phát triển của các khu vực khác. Do vậy, bảo đảm an ninh, an toàn và tự do hàng hải là vấn đề mang tính sống còn không chỉ đối với các nước trong khu vực, mà còn có ý nghĩa rất quan trọng đối với nhiều nước trên thế giới.
Các nước lớn như Mỹ, Nga, Ấn Độ... đều có lợi ích, ở những mức độ khác nhau, trong vấn đề Biển Đông. Trong bối cảnh Mỹ đang chuyển dần trọng tâm chiến lược sang khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Mỹ đang và sẽ dành ưu tiên ngày càng cao hơn cho các vấn đề như tự do, an toàn hàng hải và giải quyết hòa bình các tranh chấp ở Biển Đông.
L.Thư
Việt - Nhật khẳng định tự do hàng hải ở Biển Đông
Việt Nam và Nhật Bản khẳng định tự do
hàng hải, giao thương không bị cản trở và tuân thủ luật pháp quốc tế
hiện hành bao gồm Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982.
Bộ trưởng Mỹ nói chuyện Biển Đông với đối tác ASEAN
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ tiếp tục khẳng định lợi ích
quốc gia trong tự do hàng hải và thương mại không cản trở ở Biển Đông.
ASEAN muốn xây dựng Biển Đông hòa bình
Bộ trưởng Quốc phòng các
nước ASEAN bày tỏ quan điểm mọi tranh chấp ở Biển Đông cần được giải quyết
trên nguyên tắc đàm phán hòa bình, dựa vào luật pháp quốc tế.
3.000 lính Mỹ - Philippines tập trận gần Biển Đông
Khoảng 3.000 lính thủy đánh bộ Mỹ
và Philippines đã bắt đầu các cuộc tập trận quân sự kéo dài hai tuần ở gần Biển
Đông.
Việt-Trung ký thỏa thuận nguyên tắc giải quyết vấn đề Biển Đông
Việt
Nam và Trung Quốc đã ký Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải
quyết vấn đề trên biển, nhân chuyến thăm Trung Quốc của Tổng bí thư Nguyễn Phú
Trọng.
|