Hạ tầng đi trước một bước

Thời gian qua, tỉnh Nam Định đã tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ, toàn diện nhiều giải pháp nhằm đẩy mạnh thu hút đầu tư, tạo nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Xác định hạ tầng phải đi trước, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Nam Định đã tập trung huy động tối đa các nguồn lực từng bước đầu tư đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của tỉnh, đặc biệt là hạ tầng giao thông và hạ tầng khu, cụm công nghiệp; tập trung đẩy nhanh tiến độ xây dựng hệ thống giao thông vận tải đồng bộ, hiện đại, kết nối tỉnh với các trục giao thông trọng điểm quốc gia và với các tỉnh trong vùng. 

Cùng với đó, Nam Định cũng chú trọng cải thiện hạ tầng điện, nước và các dịch vụ ngân hàng, viễn thông đáp ứng tốt nhu cầu sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp.

Khu công nghiệp Mỹ Thuận được khởi công xây dựng với định hướng thu hút các nhà đầu tư sử dụng công nghệ cao hiện đại phù hợp quy chuẩn quốc tế, thân thiện với môi trường.

Để tháo gỡ các điểm nghẽn, nâng cao năng lực cạnh tranh thu hút đầu tư, đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện cơ sở hạ tầng một số khu, cụm công nghiệp để thu hút các nhà đầu tư thứ cấp vào sản xuất kinh doanh; tạo quỹ đất sạch để thu hút các dự án có vốn lớn, công nghệ thân thiện với môi trường, mới đây, tỉnh đã tổ chức rà soát hiện trạng, xây dựng dự thảo phương án phát triển các khu, CCN tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 để tích hợp vào quy hoạch tỉnh với mục tiêu: Đáp ứng nhu cầu về cơ sở hạ tầng công nghiệp cho các dự án mới, đặc biệt là các dự án quy mô lớn, công nghệ hiện đại; đảm bảo đồng bộ các quy hoạch, xây dựng cơ sở hạ tầng trong và ngoài khu, CCN, sử dụng đất đai có hiệu quả; đào tạo và tuyển dụng lao động; đảm bảo an ninh trật tự... góp phần thúc đẩy ngành công nghiệp theo hướng hiện đại, tập trung, quy mô lớn, đảm bảo thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. 

Ngoài các chính sách ưu đãi chung, tỉnh còn nỗ lực xây dựng các cơ chế chính sách riêng trong ưu đãi, thu hút nhà đầu tư như đối với các doanh nghiệp đầu tư vào các KCN được thực hiện theo quy định từ năm 2011 trở về trước gồm: Quyết định số 2816/2001/QĐ-UBND ngày 29-11-2001 về việc ban hành một số cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư phát triển KCN phía tây thành phố Nam Định; Quyết định số 08/2008/QĐ-UBND ngày 22-5-2008 của UBND tỉnh Nam Định về việc ban hành một số cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư xây dựng, kinh doanh hạ tầng KCN và đầu tư sản xuất, kinh doanh trong các KCN tỉnh Nam Định; Quyết định số 24/2011/QĐ-UBND ngày 7-10-2011 về việc khuyến khích, hỗ trợ đối với dự án đầu tư có vốn lớn, công nghệ cao trên địa bàn tỉnh Nam Định… 

Nhờ đó, lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 26 CCN với diện tích 626,6ha chiếm 44% số CCN (26/59 CCN) và 35,3% diện tích đất (626,6/1.773,77ha) so với quy hoạch. Có 6 KCN với diện tích 1.288,72ha chiếm 60% số KCN (6/10 KCN) và 63% diện tích đất (1.288,72/2.046ha) so với quy hoạch. Đồng thời tiếp tục có thêm nhiều doanh nghiệp về khảo sát, nghiên cứu để đầu tư xây dựng kinh doanh hạ tầng các khu, CCN mới như: KCN Hồng Tiến, KCN Trung Thành, KCN Hải Long, CCN Đại An, CCN Nam Thanh...

Đến giữa năm nay đã có trên 50 dự án đầu tư vào các khu, CCN mới, cụ thể: KCN Dệt may Rạng Đông có 2 nhà đầu tư thuê đất sản xuất với diện tích 34,26ha (chiếm 10,63% diện tích đất thương phẩm); CCN Xuân Tiến có 17 nhà đầu tư thuê đất sản xuất, tỷ lệ lấp đầy đạt 46% diện tích đất thương phẩm; CCN Yên Dương có 30 nhà đầu tư thuê đất sản xuất, tỷ lệ lấp đầy đạt 68,1%; CCN Thịnh Lâm có 2 nhà đầu tư thuê đất sản xuất với tỷ lệ lấp đầy đạt 70,2%.

Rộng cửa đón đầu tư

Không thể phủ nhận, những nỗ lực của Nam Định đã tạo thành lực hấp dẫn. Nam Định đã đạt nhiều kết quả khả quan trong thu hút đầu tư. Số vốn đầu tư trong nước gấp trên 4,5 lần so với cả giai đoạn 2016 - 2020, lớn nhất từ trước đến nay. 

Bước sang giai đoạn mới, trong 2 năm qua, nhiều nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước tìm hiểu, đề xuất, triển khai các dự án trọng điểm: 

Tháng 6 vừa qua, dự án đầu tư 100 triệu USD đã vào Nam Định. Theo đó, Tập đoàn Sunrise Material được thành lập năm 2004 tại Singapore, chuyên nghiên cứu, sản xuất, cung cấp màng bọc polyme công nghệ cao, đặc biệt là trong lĩnh vực đóng gói thực phẩm.

Tập đoàn Sunrise Material là 1 trong 5 doanh nghiệp lớn nhất thế giới hoạt động trong lĩnh vực màng bọc polyme. Tập đoàn có nhiều sản phẩm đã thông qua FDA (Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ) và chứng nhận CFIA (Cơ quan Thanh tra thực phẩm Canada), đảm bảo tính ổn định, độ tin cậy của chất lượng sản phẩm; đã chiếm lĩnh được thị trường ở hơn 60 quốc gia và khu vực như Bắc Mỹ, Nam Mỹ, Mỹ, châu Âu, châu Đại Dương, châu Á. 

Tập đoàn Sunrise Material có nhu cầu sử dụng 4ha đất để đầu tư Công ty Sunrise Material tại Việt Nam, xây dựng nhà máy sản xuất màng bọc công nghệ cao phục vụ đóng gói chi tiết sản phẩm của ngành công nghiệp, chuyên cung ứng cho thị trường Mỹ. 

Sau khi tìm hiểu kỹ môi trường đầu tư của Nam Định, Tập đoàn JiaWei và các doanh nghiệp phụ trợ đã quyết định đầu tư 3 nhóm dự án tại Khu công nghiệp Mỹ Thuận với tổng vốn dự kiến khoảng 100 triệu USD, trên diện tích đất gần 15ha.

Jia Wei sẽ đầu tư nhà máy sản xuất đồ gia dụng công nghệ cao quy mô 8,5ha, tổng vốn đầu tư 80 triệu USD; Công ty Thiên Hà đầu tư nhà máy in phụ trợ cho dự án với quy mô 2,5ha, tổng vốn đầu tư 10 triệu USD; Công ty Tân Việt Hưng đầu tư nhà máy sản xuất thùng giấy phụ trợ cho dự án với quy mô 3,3ha, tổng vốn đầu tư 10 triệu USD.

Như vậy, JiaWei là tập đoàn lớn thứ hai của Đài Loan (Trung Quốc) đầu tư vào Khu công nghiệp Mỹ Thuận. Trước đó, vào tháng 4, Tập đoàn Quanta, một nhà đầu tư lớn trên thế giới về lĩnh vực sản xuất thiết bị máy tính cũng đã chọn nơi đây là nơi phát triển dự án với tổng mức đầu tư 120 triệu USD.

Năm ngoái, Nam Định cũng đã thu hút được Tập đoàn Xuân Thiện đầu tư 3 nhà máy với tổng vốn đăng ký 98.900 tỷ đồng tại khu vực Cồn Xanh, huyện Nghĩa Hưng.

Các dự án do Tập đoàn Xuân Thiện đầu tư tại khu vực Cồn Xanh gồm: Dự án Nhà máy thép xanh số 1 Xuân Thiện Nam Định với tổng vốn đăng ký đầu tư 88.000 tỷ đồng; Dự án Nhà máy thép xanh Xuân Thiện Nghĩa Hưng với tổng vốn đăng ký đầu tư 10.000 tỷ đồng; Dự án Nhà máy sản xuất cấu kiện bê tông đúc sẵn Xuân Thiện Nam Định với tổng vốn đăng ký đầu tư 900 tỷ đồng. Các dự án này sẽ được khởi công xây dựng kể từ ngày được bàn giao đất tại thực địa.

Ngoài ra, công nghiệp dược hiện đang là một thế mạnh của tỉnh. Nam Định có nền tảng phát triển ngành dược với nhiều doanh nghiệp lớn. Thời gian qua, nhiều địa phương trong tỉnh đã phát triển các vùng trồng dược liệu đảm bảo chất lượng cung cấp cho các doanh nghiệp dược lớn trên cả nước. Hiện tỉnh đã có sẵn mặt bằng sạch là khu công nghiệp Mỹ Thuận, tổng diện tích 158,5ha; nếu cần thiết có thể mở rộng mặt bằng thêm nữa đáp ứng nhu cầu đầu tư.

...V.v.... V.v....

Việc trong thời gian ngắn vừa qua, liên tiếp có những nhà đầu tư cam kết đầu tư số vốn lớn vào tỉnh là minh chứng, thể hiện rõ nhất môi trường đầu tư ở Nam Định đã và đang ngày càng hấp dẫn, được doanh nghiệp tin tưởng.

Từ nền tảng vững chắc là những thành tựu đã đạt được trong giai đoạn khó khăn vừa qua, cùng với các giải pháp đồng bộ và tầm nhìn dài hạn của các cấp lãnh đạo tỉnh, tin rằng Nam Định sẽ tiếp tục duy trì tốc độ và cải thiện chất lượng kinh tế, từng bước thu hút và xây dựng nền công nghiệp sản xuất công nghệ cao, ngành nông nghiệp thông minh và trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước vào năm 2030.

Thành Nam