Những dòng tâm sự của cô Duyên với với cộng đồng giáo viên sáng tạo Microsoft (MIE Experts Việt Nam) về những ngày tháng nỗ lực học hỏi, tìm tòi để đưa phương pháp, công cụ học tập mới đến với học sinh vẫn còn nóng nổi.
“Trong thời gian qua, em đã học được cách sử dụng phần mềm Skype trong lớp học từ cộng đồng MIE. Em đã vận dụng cho gia đình và lớp học của em. Em nhận thấy con gái em tự tin hơn, kĩ năng giao tiếp tốt hơn. Học sinh em rất thích thú khi được trò chuyện với các bạn trong và ngoài nước.
Nhưng nói thật với quý thầy cô, em rất “gà mờ” tiếng Anh. Người ta nói 10 câu, em biết được 2 câu. Câu hoặc từ nào không hiểu em phải nhờ con gái hoặc dùng công cụ hỗ trợ để giao tiếp. Quả là khó khăn cho bản thân em mỗi khi kết nối. Nhưng vì niềm đam mê, vì con gái, vì học sinh thân yêu, em đã “uống thuốc liều” tìm mọi cách để kết nối.
Hiện tại em cũng quyết tâm học tiếng Anh: Ở nhà em nhờ con gái hỗ trợ, hằng ngày lên lớp em nhờ một học sinh giỏi tiếng Anh viết lên bảng 3 từ vựng cho cả lớp và cô giáo học.
Nhờ vậy, em thấy mình cũng tiến bộ hẳn lên. Nhưng vì tuổi đã lớn nên việc “hấp thụ” không hề đơn giản. Em nhớ câu nói của anh Ngô Thành Nam: “Anh phải tự tin vào bản thân mình, thử thách bản thân, và đẩy mình đến tận cùng. Đó là cách duy nhất để anh thành công.” Em đã áp dụng điều đó cho bản thân mình. Em tin rằng dù không thành công trong xã hội nhưng ít nhất em đã chiến thắng bản thân mình”.
Bằng công cụ Skype, lớp học của cô Duyên hiện đã kết nối được với rất nhiều lớp học trong và ngoài nước, trong đó có các lớp học ở 27 quốc gia trên thế giới.
Như những dòng tâm sự trên, cô Duyên tự nhận mình chẳng có gì ngoài “máu liều”.
“Mình không thông minh nhưng có đam mê. Cứ thấy nhóm nào có ứng dụng công nghệ vào dạy học là mình lao vào liền”.
Đến nay, cô Duyên hiện là “admin” (quản trị viên) của 3 trang ứng dụng CNTT dành cho giáo viên và là thành viên của hàng chục hội nhóm, diễn đàn với mục đích học hỏi, chia sẻ kiến thức chuyên môn, ứng dụng công nghệ, sáng tạo vào dạy học.
Những lớp học kết nối nhờ Skype |
Với công cụ Skype, ban đầu tiếp xúc, cô Duyên còn rất nhiều bỡ ngỡ cộng thêm sự ngưỡng mộ, tò mò, sau đó là mày mò, học hỏi để tự làm.
Cô “thử nghiệm” ở con mình trước. Sau 2 tháng, thấy con phát triển tốt kỹ năng giao tiếp tiếng Anh, mạnh dạn, tự tin hơn, cô giáo bắt đầu đưa công cụ vào lớp học.
“Ban đầu các em thích, nhưng vẫn không tự tin. Bản thân mình cũng không giao tiếp được bằng tiếng Anh, phải dùng công cụ hỗ trợ, nhưng mình vẫn cứ liều”.
Những giờ ra chơi, nghỉ trưa, cô Duyên tranh thủ kết nối với các lớp học trong và ngoài nước để học sinh làm quen dần. Những cuộc trò chuyện có khi theo chủ đề được 2 giáo viên sắp xếp trước, nhưng cũng có khi chỉ là những cuộc trò chuyện chia sẻ về văn hoá đất nước, phong tục tập quán… của nhau.
Mô hình lớp học với công cụ Skype cũng là sản phẩm được cô giáo tiểu học mang đi đăng ký chiến sĩ thi đua cấp tỉnh và đạt chuẩn.
Cô Duyên cũng là đại diện duy nhất của tỉnh Quảng Trị tham gia vòng chung kết cuộc thi Diễn đàn giáo dục Việt Nam – Đổi mới sáng tạo trên nền tảng CNTT 2019. Sản phẩm mà cô cùng các học trò mang ra Hà Nội những ngày đầu năm 2019 là dự án “Hành trình giải cứu nhựa chết”, với mục tiêu tái chế nhựa phế thải thành những vật dụng hữu ích hằng ngày.
Trong suốt cuộc trò chuyện, cô Duyên liên tục tự nhận mình là người vô cùng nhút nhát, không thông minh và không còn năng động như lớp trẻ. Vì thế, để đạt được những thành tựu nho nhỏ như ngày hôm nay, cô giáo với 20 năm kinh nghiệm đứng lớp đã phải nỗ lực rất nhiều, đam mê rất nhiều và quan trọng nhất là phải chiến thắng bản thân.
“Mình gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình học hỏi và sáng tạo, trong đó ngoại ngữ là cản trở nhất, vì mình không phải giáo viên tiếng Anh, tuổi cũng lớn rồi. Có một câu mà học xong lại quên, không nhanh như các em học sinh được. Nhưng bù lại, mình liều và kiên trì” – cô Duyên nói vui.
Rụt rè trước những cái mới
Một giờ giảng của cô Duyên |
Những việc mà cô Duyên âm thầm làm cho học trò của mình, trong một thời gian dài chẳng được ai ghi nhận. Nhưng cô giáo tiểu học xác định, học hỏi trước hết là để cho chính bản thân mình, thay vì để nhận một giải thưởng hay tấm bằng khen.
“Đến lúc mình lọt vào top 50 sáng kiến, ra Hà Nội tham gia vòng chung kết, các đồng nghiệp, lãnh đạo cũng không biết mình đã làm gì để đi được đến đây. Khi biết, mọi người rất ngạc nhiên và tạo điều kiện”.
Là giáo viên đi tiên phong của trường trong việc “khai phá” CNTT trong lớp học, và cũng là một trong những giáo viên tích cực hiếm hoi của Quảng Trị tham gia các khoá học của cộng đồng giáo viên sáng tạo, cô Duyên luôn mong muốn lan toả tinh thần học tập, cập nhật kiến thức chuyên môn mới tới đồng nghiệp ở quê nhà.
“Tham gia vào cộng đồng này, mình thấy nhiều người giỏi quá, dám nói dám làm, dám sáng tạo. Mình ngưỡng mộ ‘dữ’ lắm. Các đồng nghiệp ở quê thấy mình làm được thì rất thích, rất muốn làm nhưng lại chưa dám bước ra khỏi vùng an toàn của mình”.
“Đầu năm, mình có ý tưởng đăng ký chuyên đề cấp tỉnh là dạy học có kết nối qua Skype để lan tỏa đến giáo viên trong tỉnh. Ban giám hiệu nhà trường đã đồng ý cho mình thử nghiệm nhưng Phòng không đồng ý. Họ bác bỏ ý tưởng vì chưa hiểu về nó, chưa dám để giáo viên đột phá. Mình cũng hiểu vấn đề đó và chấp nhận. Bởi vì, những kiến thức đó không áp dụng trong chương trình và có lẽ mình chưa biết cách để truyền lửa, để thuyết phục được mọi người”. Cô hi vọng trong tương lai, khi chương trình mới thay đổi, những gì cô tiên phong đi trước sẽ được giáo viên tỉnh nhà đón nhận.
Thất bại nhiều hơn thành công, nhưng vẫn thử
Cô Duyên và các học trò ra Hà Nội tham gia vòng chung kết cuộc thi Diễn đàn giáo dục Việt Nam – Đổi mới sáng tạo trên nền tảng CNTT 2019. Ảnh: Nguyễn Thảo |
Bản thân cô Duyên có quan điểm rằng: CNTT là công cụ để tiết học diễn ra hiệu quả, không nên lạm dụng nhưng cũng rất cần thiết, đặc biệt là với chương trình phổ thông mới.
“Việc đưa công nghệ vào lớp học tạo động lực cho học sinh rất nhiều, gợi sự tò mò cho các em. Thậm chí, có những lúc mình không làm thì học sinh lại nhắc cô. Các kỹ năng công nghệ mình học được trên cộng đồng đều cho học sinh thử hết. Thất bại nhiều hơn thành công nhưng mình vẫn làm. Không bắt buộc, không có trong sách giáo khoa, chỉ là muốn học sinh được trải nghiệm thì mình làm. Họp phụ huynh mình cũng chia sẻ điều này và nhận được sự đồng tình”.
Niềm vui của cô Duyên bây giờ là phụ huynh đã thay đổi tư duy. Tất nhiên vẫn có những phụ huynh con đi học cả năm không biết tên cô giáo chủ nhiệm, nhưng theo cô Duyên, nhìn chung phụ huynh đã tiến bộ và cởi mở hơn rất nhiều.
“Ngay như chuyến ra Hà Nội tham gia cuộc thi hồi giữa tháng 11, nhiều phụ huynh cũng xin cô đưa con đi theo, sẵn sàng trả mọi chi phí để con được trải nghiệm môi trường mới”.
“Phụ huynh bây giờ quan tâm tới con cái nhiều hơn, yêu cầu ở giáo viên nhiều hơn. Chính vì thế, người thầy phải đổi mới mình. Ngoài truyền đạt kiến thức còn phải rèn luyện kỹ năng cho học sinh”.
Hiện tại, khao khát lớn nhất của cô Duyên là lan toả tinh thần học tập, lan toả kiến thức, địa chỉ hữu ích tới những đồng nghiệp Quảng Trị, đặc biệt là những giáo viên ngay trong chính thành phố của mình.
“Mình chỉ mong một ngày nào đó, giáo viên quê mình cũng nhiệt huyết, tự tin, có tinh thần học hỏi và đổi mới như những giáo viên ở thành phố lớn” – cô Duyên nói.
Nguyễn Thảo
Cô giáo đưa sách 3D, kết nối lớp học quốc tế...lên non
Sau một lần tình cờ nhìn thấy tấm thiệp 3D do Trung Quốc sản xuất, cô Quyên nảy ra ý tưởng làm những cuốn sách 3D cho học sinh của mình.