Đôi khi đọc các tiểu thuyết, báo chí, ta có thể bất ngờ bắt gặp từ “miên viễn”. Chẳng hạn như “chúc anh có một hạnh phúc miên viễn bên người mình thương”, “tôi chỉ mong có được sự bình an miên viễn”.
Thế nhưng “miên viễn” có nghĩa là gì? Nguồn gốc của từ này ra sao?
Thực tế, nói về từ “miên viễn” này, ngay cả các tài liệu chính thống cũng giảng rất khác nhau.
Đại Nam Quốc Âm Tự Vị của Huỳnh Tịnh Của, xuất bản vào cuối thế kỷ 19 định nghĩa ngắn gọn: “miên viễn: lâu xa”.
Việt Nam tự điển của Hội Khai Trí Tiến Đức thì giảng: “Miên viễn: Dài xa. Giống dòng miên viễn”.
Việt Nam tự điển của Lê Văn Đức và Lê Ngọc Trụ xuất bản năm 1970 bỏ đi ý “xa” và giải thích: “Miên viễn: Kéo dài mãi, không dứt. Chúc vợ chồng ăn ở (với) nhau cho miên viễn”.
Từ điển của Nguyễn Quốc Hùng xuất bản năm 1975 thì ngược lại, bỏ đi ý “lâu dài” mà định nghĩa “miên viễn” là “xa xôi”.
Thực tế, “miên viễn” là một từ Hán Việt, vốn được viết bằng hai chữ 綿遠. Trong đó “miên” (綿) vốn có nghĩa đen là “sợi tơ”, “sợi bông” và từ đó sinh ra hai nghĩa bóng là (1) “kéo dài, liên tục” và (2) “mềm mại”. Đây cũng là “miên” trong “liên miên”, “triền miên”, “miên man”… Còn “viễn” (遠) tuy có nhiều tài liệu giảng là “lâu” nhưng nghĩa chính của nó vẫn là “xa”. Đây chính là “viễn” trong “viễn tưởng”, “viễn cảnh”, “vĩnh viễn”…
Như vậy rõ ràng “miên viễn” phải bao gồm hai yếu tố “dài” và “xa”. Tuy nhiên “dài xa” là như thế nào? Xét trong các câu ví dụ thì có thể thấy ở đây trục thời gian đã lấn át trục không gian, tức “xa” không phải về mặt địa lý mà về mặt tương lai. “Giống dòng miên viễn” là “giống dòng trường tồn, vững mạnh”. “Vợ chồng ăn ở miên viễn” là “vợ chồng sống với nhau lâu dài”. Vậy hoàn toàn có thể gộp “dài xa” thành “dài”, tức “lâu dài”.
Điều đáng chú ý là 綿遠 (miên viễn) vốn không xuất hiện trong từ điển tiếng Trung. Có thể thấy đây là một từ do người Việt sáng tạo ra bằng cách ghép các yếu tố Hán Việt. Tuy nhiên cũng chính người Việt đang dần bỏ rơi từ này.
Những từ điển gần đây như Từ điển tiếng Việt do học giả Văn Tân chủ biên (1994), Từ điển tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học do Giáo sư Hoàng Phê chủ biên (2003)… đều không ghi nhận từ “miên viễn”, cho thấy nó không còn được dùng rộng rãi nữa. Do đó cũng nên cân nhắc khi sử dụng.
Trọng Nghĩa - Tiếng Việt giàu đẹp
3 nghĩa ít người biết đến của từ ‘tơi bời’
Ta thường dùng từ “tơi bời” để chỉ trạng thái “bị tàn phá mạnh mẽ và dồn dập” (Từ điển tiếng Việt, Hoàng Phê chủ biên). Thực tế từ này vốn có những mà ít người biết đến.