Một quốc đảo “khởi nghiệp” từ ngành công nghiệp “resort”. Một thành phố bứt phá nhờ dám làm du lịch bằng những sản phẩm táo bạo. Điểm chung lớn nhất ở đây là… “những bộ óc được dẫn dắt bởi sự sáng tạo và tầm nhìn xa trông rộng”.
Chuyện của Maldives
Thập kỷ 70, chế độ quân chủ kéo dài gần một thiên niên kỷ vừa kết thúc ở Maldives và nền dân chủ non trẻ lên nắm quyền. Thời điểm đó, chính phủ Maldives còn không biết quốc gia của mình… có bao nhiêu dân (đến tận năm 1975 cuộc tổng điều tra dân số đầu tiên trong lịch sử mới được thực hiện). Nhưng một trong những việc lớn đầu tiên mà Maldives quyết định làm, là xây một cái resort.
Các nhà đầu tư của quốc đảo hơn 100.000 dân này nhanh chóng nhận ra lợi thế kinh tế lớn nhất của họ là gì. Những bãi cát trắng. Biển xanh. Nắng. Hơn một nghìn hòn đảo nhiệt đới. Nhưng những thứ đó không thể tự quy đổi ra tiền. Năm 1972, resort đầu tiên Kurumba Maldives ra đời với 30 phòng, được xây từ các vật liệu tự nhiên như đá san hô hay cây cọ.
Một chặng đường rất dài và thẳng tắp bắt đầu từ năm 1972, để đưa Maldives vào danh sách các quốc gia có chỉ số phát triển con người cao nhất khu vực Nam Á, GDP cao nhất vùng. Số danh hiệu mà Kurumba Maldives nhận được đã dài đến mức không thể nêu lên trong một bài viết, và bên cạnh đó là hàng loạt resort nổi tiếng thế giới được dựng lên ở mảnh đất một thời vô danh này.
Trên hành trình đó, Maldives liên tục trải qua những biến động lớn. Các cuộc đảo chính. Mâu thuẫn tôn giáo.Một trận sóng thần khủng khiếp cuốn sạch 60% GDP đất nước và khiến 21 resort phải đóng cửa năm 2004. Nhưng quốc đảo này vẫn trung thành với một con đường.
Hành trình này có vẻ rất đơn giản: có biển xanh và cát trắng, xây lên một khối kiến trúc đẹp cho người ta vào ở và thu tiền triệu. Nhưng đó không phải là việc dễ dàng.
Hãy nghĩ về việc một quốc đảo hơn 100.000 dân, có chỉ số phát triển con người thấp, đa phần vẫn là các thổ dân sống bằng nghề chài lưới, từ năm 1997 đã quyết định thành lập một công ty ở châu Âu, gọi vốn hàng trăm triệu USD chỉ để bán các sản phẩm tour du lịch của mình. Đó là điều mà Maldives đã làm ở Đức từ 20 năm trước. Ngày nay, người ta có thể nhìn thấy hình ảnh của quốc gia này ở khắp các sản phẩm truyền thông trên thế giới, từ blog cá nhân của một ca sỹ tại Việt Nam cho đến chuyến đi nghỉ của các nhân vật trong serie phim Hàn Quốc nổi tiếng. Họ đã làm mọi thứ một cách bài bản.
Cuộc khẳng định mình của Đà Nẵng
Cho đến tận năm 2007, khi mà người Maldives đang mải mê bán tour ở châu Âu và thu tiền tươi, thì Đà Nẵng vẫn đang chỉ dừng lại ở việc khai thác vốn tự có. Năm đó, mỗi khách du lịch quốc tế đến Đà Nẵng chỉ tiêu trung bình 50 USD. Không nhiều người biết đến Đà Nẵng.
Đà Nẵng bắt đầu nhận ra rằng, những bãi biển đẹp được thiên nhiên ban tặng không tự thân nó sinh ra tiền. Những dãy núi đẹp cũng sẽ chỉ trở thành chốn dừng chân chưa đầy vài tiếng của du khách, bởi chúng không cho người ta thêm nhiều trải nghiệm.
Thành phố mời gọi các nhà đầu tư chiến lược- “những bộ óc được dẫn dắt bởi thị trường” vào cuộc. Sun Group xây một quần thể du lịch ngoạn mục không kém Disneyland trên đỉnh Bà Nà, những khu nghỉ dưỡng trở thành biểu tượng của một Đà Nẵng xa xỉ tại bán đảo Sơn Trà hay bên bãi Mỹ Khê…Các tập đoàn khác lần lượt đổ tiền vào Đà Nẵng, để tạo nên một con đường resort đẹp diễm lệ trên cung đường nối Đà Nẵng với Hội An…
Hạ tầng cơ sở du lịch đẳng cấp. Việc còn lại là gia tăng trải nghiệm. Đà Nẵng giao cho các tập đoàn như Sun Group tổ chức lễ hội pháo hoa thường niên, diễu hành đường phố đẹp lung linh mỗi mùa hè… Những sự kiện trên bãi biển thường xuyên diễn ra. Trong mắt du khách, cũng là một thành phố biển, nhưng Đà Nẵng có hơn một trải nghiệm, để họ phải đến mỗi mùa hè.
Từ một thành phố nghèo nổi tiếng cả nước, Đà Nẵng đã trở thành thủ phủ du lịch miền Trung, tới nay, vẫn dẫn đầu cả nước về tăng trưởng du lịch. Thành phố đang trở thành một điểm đến quốc tế.
Songmi là một bà nội trợ người Hàn Quốc. Cô sinh 2 con sau khi lấy chồng, và như nhiều người phụ nữ Hàn Quốc, cô phải chấp nhận từ bỏ công việc để ở nhà chăm con. Cô không tiếp xúc nhiều với thế giới bên ngoài, ngay cả với xã hội Hàn Quốc trong vài năm qua. Nhưng bà mẹ hai con vẫn biết “Danang”, cho dù chưa phát âm được đúng tên của thành phố này. Người thân của cô đã kể về nơi này. Đà Nẵng đã trở thành một điểm đến hiện tượng của người Hàn Quốc, vài năm gần đây.
Thậm chí có những resort nhỏ tại vùng ven, gần Hội An, nhân viên phục vụ sẽ nhận ra bạn sau một năm. Bởi vì bạn là một trong số vô cùng ít người Việt Nam đặt chân tới resort này. Khách chủ yếu là người Hàn Quốc.
Ngay cả những người dân bình thường của Đà Nẵng cũng cảm nhận được tính quốc tế hóa đang diễn ra từng ngày ở thành phố quê hương. 6 tháng đầu năm 2018, có khoảng 1,6 triệu khách quốc tế tới Đà Nẵng. Trong đó, khoảng 800 nghìn khách Hàn Quốc, hơn 300 nghìn khách Trung Quốc, còn lại rải rác từ các quốc gia Nhật Bản, Mỹ, Tây Ban Nha.
Họ không chỉ đến rồi đi. Năm 2013, báo The New York Times bắt đầu viết về làn sóng người nước ngoài đến rót tiền vào bất động sản Đà Nẵng, với những khoản vài trăm ngàn đô để được thuê dài hạn một căn condotel bên bờ biển. Alexander Schmid, một nhà môi giới gốc Thụy Sỹ làm việc tại Dubai, đã quyết định rót 490.000 USD vào một căn condotel ở Đà Nẵng chỉ sau một chuyến du lịch cùng vợ.
Sẽ là khập khiễng nếu so sánh giữa Maldives và Đà Nẵng, trong cái cách vươn tầm quốc tế. Sự tương đồng lớn nhất giữa hai câu chuyện có lẽ chỉ là sự táo bạo của những nhà đầu tư. Và nếu thế thì Đà Nẵng đang sở hữu thẻ bài tuyệt vời nhất để trở thành một Maldives, một Phuket… mới, trong tương lai rất gần.
Linh Phong