Báo cáo của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho biết, trong 7 tháng năm 2024, tai nạn giao thông đường sắt gia tăng đáng kể. Số vụ, số người chết đều tăng so với cùng kỳ và chỉ đứng thứ 2 sau tai nạn giao thông đường bộ.
Cụ thể, trong tháng 7, trên toàn quốc xảy ra 18 vụ tai nạn giao thông đường sắt làm chết 12 người, bị thương 7 người. So với cùng kỳ năm trước, tăng 9 vụ, tăng 5 người chết và 4 người bị thương.
Vụ gần đây nhất xảy ra vào khoảng 20h47 ngày 28/7, tàu hỏa SNT5 do lái tàu Đ.H.H. điều khiển lưu thông theo hướng Bắc - Nam. Khi tới vị trí đường ngang Km1696 + 457 (giao cắt với đường Phạm Văn Thuận, Biên Hòa, Đồng Nai), tàu hỏa va chạm với xe bán tải biển số 60C- 597.XX do ông K. điều khiển từ trong hẻm nơi không có rào chắn đi ra.
Cú tông mạnh khiến xe bán tải văng xa, va vào xe chở rác khiến anh T. (nhân viên thu gom rác) và cháu N. tử vong. Chứng kiến vụ tai nạn, một người dân sinh sống gần đó cho biết, khi tàu đến gần, nhân viên gác chắn tại chốt đường sắt đã hạ đủ 3 gác chắn và chuẩn bị đón tàu.
Tuy nhiên, sau đó ô tô bán tải vẫn đang lao ra từ trong hẻm (hẻm giao cắt với đường sắt, không có gác chắn), nhân viên trực chốt thổi còi liên tục và ra hiệu dừng nhưng xe bán tải tiếp tục di chuyển dẫn đến vụ tai nạn thương tâm.
Nguy cơ từ các lối đi tự mở
Theo thống kê của Cục Đường sắt Việt Nam, trong 7 tháng năm 2024, cả nước xảy ra 106 vụ tai nạn giao thông đường sắt, làm chết 43 người, bị thương 61 người. Trong đó, có 2 vụ tai nạn rất nghiêm trọng, 39 vụ tai nạn nghiêm trọng, 65 vụ tai nạn ít nghiêm trọng.
Đại diện Cục Đường sắt Việt Nam thông tin, trong 106 vụ tai nạn đường sắt thì có tới 49 vụ xảy ra tại lối đi tự mở, 40 vụ diễn ra dọc hai bên đường sắt và 15 vụ diễn ra tại đường ngang cảnh báo tự động.
Trong khi đó, trên các tuyến đường sắt quốc gia còn tồn tại 3.262 vị trí lối đi tự mở, chiếm tỷ lệ 68% tổng giao cắt đồng mức giữa đường bộ và đường sắt. Đây là những vị trí tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông.
“Nguyên nhân chính của các vụ tai nạn giao thông đường sắt là do người và phương tiện giao thông đường bộ khi đi qua các điểm giao cắt với đường sắt không chú ý quan sát. Ngoài ra, có không ít trường hợp cố tình vượt qua đường sắt; đi, đứng, nằm, ngồi trên đường sắt, để phương tiện vi phạm giới hạn an toàn đường sắt…”, đại diện Cục Đường sắt Việt Nam nêu.
Sau vụ tai nạn đường sắt xảy ra tại Đồng Nai hôm 28/7, Cục CSGT (Bộ Công an) đề nghị CSGT, công an các địa phương tăng cường rà soát, xử nghiêm những vi phạm là nguyên nhân gây tai nạn đường sắt.
Theo đó, Cục CSGT yêu cầu các đơn vị xử lý nghiêm những hành vi không chấp hành quy định khi đi qua đường ngang, vi phạm hành lang an toàn giao thông đường sắt, rà soát các đường ngang dân sinh không đảm bảo an toàn và đề xuất giải pháp khắc phục.
CSGT toàn quốc cũng sẽ tăng cường kiểm tra, xử nghiêm các hành vi là nguyên nhân gây tai nạn đường sắt tại đường ngang, lối đi tự mở, khu vực không có gác chắn, vị trí nguy hiểm.