Nhớ đám giỗ ngày xưa của bà ngoại làm ở quê, vì là dâu trưởng phải trông coi nhà thờ họ nên bà làm giỗ rất cẩn thận. Là vì nhà tuy không giàu có gì, nhưng các chú bác anh em trong họ ai cũng đều học giỏi, đỗ đạt nên cả họ cho rằng làng mình có đất học. Đứa nào đi thi cũng được về quê cúng Tổ, sang thì có đĩa xôi con gà, còn không đủ sức thì hoa trái trong vườn, nấu thêm chén chè hoa cau thanh tịnh.
Sau bao nhiêu thay đổi thời thế, chiến tranh ly tán, bà con sinh sống cả bên nước ngoài xa xôi, nhà thờ vẫn giữ yên vẻ thanh bạch vắng xa nhưng không bao giờ để cho hương lạnh khói tàn. Người này già cả đã có người khác thay thế chăm nom.
Con cháu đi nước ngoài về cũng phải ra thăm mộ ông bà, thắp hương nhà thờ và nhớ lại thời ấu thơ của mình. Họ có cảm giác như mới hôm qua đây thôi, vẫn còn đầy đủ ông bà cha mẹ anh em của tuổi thơ sum họp. Dù rằng mái tóc đã hoa râm, chịu biết bao đau khổ cuộc đời.
Chính vì thế, ngày giỗ thiêng liêng lắm, dù không cỗ bàn nhiều. Các con cháu ở đâu thì làm giỗ ở đấy. Chỉ cần có bát hương, tấm hình là có cảm giác ông bà vẫn đang che chở mình.
Thế mà đám trẻ bây giờ lại tỏ ra lơ là. Ngày giỗ có đứa còn cáo bận, tối khuya mới về ăn cơm một mình. Chẳng bao giờ tự nhớ ngày.
Mà có phải do họ tân tiến không thờ cúng lễ bái đâu. Họ vẫn luôn đi chùa chiền vào các dịp lễ tết, coi như đi du lịch. Nhưng vào bệ thờ mà xem, thanh niên nam nữ xì xụp khấn vái. Trước kỳ thi, đầu các cụ Rùa ở miếu mạo đình chùa bị họ sờ mó, khấn xin...
Có nhiều nhà làm giỗ "bên bác cả", tụ tập làm cơm cúng, các gia đình đoàn tụ. May mà có ngày giỗ chứ không quanh năm chẳng ai gặp ai. Nhìn thấy những đứa trẻ lớn như thổi có khi lâu ngày không gặp, chẳng nhận ra...
Cũng có khi anh chị em mất đoàn kết, tỵ nạnh nhau cả chuyện ai làm giỗ. Bác cả nói, các cô chú chỉ đến góp tiền, trái cây rồi như khách đến ăn cơm. Thế là mọi chuyện bác phải lo hết, làm cơm cúng, đãi nhiều người ăn, có khi mời cả bạn bè nên đông lắm.
Mấy đứa em chẳng phải lo gì, ngày đó đem tiền với ít trái cây. Thế là ông bác cả ra lệnh, từ nay, cứ một năm làm ở nhà bác, năm sau lại tiếp đến nhà cô, chú. Vợ con chú, các nàng dâu bắt đầu tỵ nạnh nhau, nhất là nhà nào còn đang phải nuôi bố mẹ già.
Chỉ có mỗi một chuyện quanh bếp, đó là nói xấu bà mẹ chồng. Nào là bà khó, bà lẫn, nào là chuyện chia chác tài sản, hoặc đơn giản là bình luận sự kiện nóng của nhà ai đó.
Rồi đến ngày bác cả giận, ra lệnh, từ nay, nhà ai nấy giỗ. Tùy tâm tùy hỷ, khỏi phải đi lại mệt mỏi lắm. Hết chuyện nhà nọ nhà kia.
Thế thì các cụ Tổ buồn lắm nhỉ. Đời sống hiện đại, nhà lầu, con cái ở dưới nhà, đưa các cụ lên tít tầng thượng, nhìn ra lô nhô phố xá.
Thôi cứ để các cụ lang thang quanh quẩn ở làng. Dù thiên hạ có đô thị hóa, thì khu nghĩa địa chỉ ngày càng gần làng nơi người sống chen chúc thôi. Nhưng vẫn là quê hương có đất có vườn có sông có núi - là những thứ thế hệ con cháu có muốn phá hoại cũng không nhanh bằng lòng dạ con người tàn phai...
Đám giỗ có ý nghĩa thiêng liêng, gắn kết con người với nhau, với tổ tiên. Những ngày cúng cha mẹ nơi thành phố, những đứa con nhớ về mỏm núi cánh đồng xa tít mãi quê hương, nơi cha mẹ đang nằm gửi xương gửi thịt. Họ chỉ mong đừng có "di dời giải tỏa", phải ôm xương cốt ông bà chạy khắp nơi cũng không yên...
Quảng Yên (theo DNSGCT)