Huyện Tư Nghĩa năm 2024 phấn đấu hỗ trợ một dự án phát triển sản xuất kinh doanh dịch vụ du lịch, khởi sự kinh doanh nhằm tạo sinh kế, việc làm, thu nhập bền vững cho các hộ dân nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo; Phấn đấu 85% người có khả năng lao động có nhu cầu thuộc hộ nghèo, cận nghèo, được hỗ trợ nâng cao năng lực sản xuất nông lâm ngư nghiệp nhằm đổi mới phương thức, kỹ thuật sản xuất, đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng, tăng thu nhập...
Ngày 28/9, Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Tư Nghĩa (Quảng Ngãi) phối hợp với doanh nghiệp, UBND các xã Nghĩa Thương và thị trấn Sông Vệ tổ chức trao tặng bò giống cho các hộ dân tham gia Kế hoạch Hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị chăn nuôi bò cái sinh sản.
Đây là nội dung của Tiểu dự án 1 trong Dự án 3 thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững trên địa bàn huyện Tư Nghĩa năm 2024.
Các hộ dân tham gia bốc thăm và nhận bò theo mã số; trong đó, xã Nghĩa Thương có 19 hộ dân, thị trấn Sông Vệ có 4 hộ dân. Mỗi hộ được nhận 1 con bò cái giống sinh sản thuộc giống bò lai nhóm Zebu, từ 16 - 20 tháng tuổi, thế hệ F1, máu lai từ 50% trở lên; được tiêm phòng vắc xin đầy đủ.
Trước khi nhận bò giống, các hộ được cán bộ chuyên môn của đơn vị cung cấp con giống hướng dẫn về kỹ thuật chăn nuôi, cách làm chuồng trại cũng như cách xử lý một số bệnh thường gặp.
Việc trao tặng bò giống nhằm giúp đỡ, tiếp sức, hỗ trợ phương tiện sản xuất, tạo sinh kế để các hộ nghèo, cận nghèo có điều kiện phát triển kinh tế bền vững, từng bước vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.
Trong năm 2024, huyện Tư Nghĩa có 43 hộ dân ở xã Nghĩa Thương, Nghĩa Hiệp, Nghĩa Hòa và thị trấn Sông Vệ được tham gia Kế hoạch Hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị chăn nuôi bò cái sinh sản.
Năm 2024, nguồn vốn từ Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững hỗ trợ cho huyện Tư Nghĩa gần 6,9 tỷ đồng để thực hiện các dự án, hoạt động. Huyện phấn đấu đến cuối năm 2024 giảm hộ nghèo về tỷ lệ 1,23% (tương đương giảm số hộ nghèo về 492 hộ), giảm hơn 0,22% so với cuối năm 2023; đưa tỷ lệ hộ cận nghèo về 2,9%, tương đương giảm 0,59%.
Lãnh đạo huyện Tư Nghĩa cho biết trong năm nay, huyện tập trung mọi nguồn lực để giảm nghèo bền vững, đa chiều. Để hạn chế tái nghèo, các địa phương cũng linh hoạt các biện pháp hỗ trợ người nghèo, cận nghèo, quan tâm đến người mới thoát nghèo.
Tại xã Nghĩa Sơn, chị Phạm Thị Diễm (thôn 2) là hộ mới thoát nghèo nhưng chưa có điều kiện mua trâu bò làm sinh kế. Hiểu được khó khăn của chị, từ nguồn vốn Nhà nước, chị được hỗ trợ một con bò cái sinh sản để phát triển kinh tế chăn nuôi.
Chị coi đây là tài sản lớn của gia đình nên chăm sóc cẩn thận theo hướng dẫn ngành Thú y để bò sinh sản tốt, từ đó cải thiện kinh tế gia đình. Chị nói sẽ mở rộng thêm chuồng cho bò, đầu tư thêm thức ăn để chăn nuôi tốt nhất sinh kế quý giá này...
Chị Diễm là một trong 14 hộ trong xã được hưởng lợi từ Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững khi nhận hỗ trợ con bò Zebu sinh sản. Được hỗ trợ con giống, các hộ đều chuẩn bị chuồng trại, đảm bảo trồng cỏ để có thức ăn xanh, chăn nuôi bò giống sinh sản tốt.
Lãnh đạo xã Nghĩa Sơn cho biết hiện xã đang thực hiện các nội dung trong Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững. Điều quan trọng là các chương trình, dự án đều có sự tham gia, lấy ý kiến từ các cuộc họp với người dân, các hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo để các sinh kế hỗ trợ được thiết thực nhất. Xã sẽ sàng lọc, chọn các hộ có điều kiện khó khăn hơn được hỗ trợ trước.
Tại huyện Tư Nghĩa, phát triển chăn nuôi theo hướng bền vững, mang lại hiệu quả cao, phù hợp với thị trường là mục tiêu quan trọng nhằm giúp người dân ổn định cuộc sống, thoát nghèo bền vững.
Nguồn vốn và các mô hình từ Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững như dự án trên đây góp phần quan trọng vào việc hỗ trợ phát triển sản xuất gắn với giảm nghèo, trên cơ sở tiếp tục đẩy mạnh thực hiện kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng hiệu quả, bền vững. Đồng thời, tập trung triển khai các dự án phát triển sản xuất hàng hóa chủ lực gắn với tiêu thụ sản phẩm; Chuyển giao tiến bộ kỹ thuật sản xuất nông nghiệp đảm bảo vệ sinh môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và an toàn dịch bệnh.