Đó là công sức và thành quả của 22 năm của ông - người được mệnh danh “chuyên gia tái sinh rác thải”.
Ông Tống Văn Thơm là một người nghèo, phải thuê trọ trong một con hẻm trên đường Lê Văn Khương, quận 12. Mỗi ngày, ông rời nhà từ sớm, đi gom rác đến chiều trở về căn phòng nhỏ được người quen cho mướn với giá rẻ. Đó là thời gian ông khám phá rác. Ông Tống Văn Thơm chia sẻ, những lúc gom rác ông phát hiện có những loại rác vẫn có thể tái chế thành những vật trang trí hữu dụng. Vậy là ông mang rác về nhà và cặm cụi sáng tác. Ông bảo, vì nghèo nên lắm lúc nhìn những đồ bị vứt vào sọt rác thấy tiếc. Chỉnh sửa lại, hoặc ghép cái nọ vào cái kia sẽ có được món hàng độc đáo.
Ông Tống Văn Thơm đang chơi nhạc. Ảnh: V.M |
Ông kể, năm 1998, khi thành phố phát động chương trình “Vì môi trường xanh sạch đẹp”, ông nảy ra ý tưởng thu nhặt đồ phế thải từ kho phế liệu, mua từ đồng nghiệp để đem về tái chế. Đồng thời, ông muốn xây dựng ý thức bảo vệ môi trường bằng việc làm sống lại những đồ phế thải, đặc biệt là các thiết bị điện tử. Tuy nhiên, nhân công không có, ông bèn kêu gọi anh em dưới quê lên làm cùng, đồng thời tạo công ăn việc làm cho họ.
Sau buổi sáng làm việc tại nghiệp đoàn rác TP.HCM và nửa buổi chiều đi làm rác, khoảng 15h ông về tới nhà. Ông Thơm lại lao vào sửa chữa, tái chế và sáng tạo rất nhiều sản phẩm độc đáo do ông lượm và phân loại rác. Sau hơn 22 năm, giờ ông có một gia tài hơn 2.000 mô hình, sản phẩm tái chế, mà ông ước tính trị giá khoảng 1 tỷ đồng.
Hoàn cảnh gia đình éo le, ông may mắn được cho đi học nghề điện tử, cơ khí. Năm 20 tuổi, ông làm quản lý cho một xưởng sửa chữa điện tử. Vì thế, trong gia tài rác của ông Thơm có rất nhiều món đồ biết “hát” như máy quay đĩa, máy chụp hình, cassette, radio, TV, âm ly, máy chiếu... đều được ông "tái sinh" từ rác. "Tôi tâm đắc nhất là những đồ thiết bị điện tử được sản xuất khoảng 40 năm trước, người ta vứt đi, tôi đem về làm "sống" lại. Chúng có những giá trị rất riêng mà đồ sản xuất thời nay khó có được, ví như những chiếc đài của Nhật sản xuất bị hư, tôi có thể thay bằng đĩa nén nên có thể hát được bình thường" - ông Thơm chia sẻ.
Trong hơn 2.000 món đồ tài chế của ông Thơm, có khoảng 1.000 sản phẩm các loại có giá trị lớn, được nhiều người hỏi mua với giá cao nhưng ông chưa bán hoặc không muốn bán. Sản phẩm mà ông Thơm gìn giữ và yêu quý nhất là chiếc đàn xếp, ông cho biết còn cưng nó hơn cả con. "Một Việt kiều Pháp muốn mua với giá 2.000USD nhưng ông không bán" - ông bảo vậy.
"Chiếc đàn organ cũ, đời đầu tiên hơn 30 năm, hiện giá của nó khi biết "hát" là 20-30 triệu" - ông Thơm nói và cho hay, khi ông mang chiếc đàn này về thì nó bị hỏng nặng, chỉ còn bộ ruột. Sau khi mày mò sửa chữa, thêm vài phụ kiện, giá đỡ từ hộp nhựa, băng phim, lon nước yến… nó đã có thể chơi được nhạc. Chiếc đàn hiện để trần vì ông Thơm chưa kiếm ra "áo" mặc cho nó thật ưng ý.
Ông Thơm được Tổ chức ENDA giới thiệu làm Chủ tịch Nghiệp đoàn vệ sinh dân lập quận 5. Tháng 5/2014, ông được mời tham dự Ngày hội tái chế rác thải tổ chức tại công viên Tao Đàn (TP.HCM).
Tại đây, những sản phẩm rác thải tái chế của ông Thơm được đông đảo người dân ủng hộ và học tập. Thế nhưng, điều khiến người dân TP.HCM yêu mến ông không phải chỉ qua những vật tái chế mang tính “cũ người mới ta”, mà chủ yếu vì thái độ sống tích cực của ông. Mỗi ngày, ông Thơm vẫn đi gom rác bằng một chiếc xe máy cà tàng nhưng cực kỳ dễ nhận diện. Bởi lẽ, trên xe máy của ông, ngoài con vẹt đứng vắt vẻo thỉnh thoảng kêu vài tiếng vui nhộn còn có cả bình chữa cháy và một hộp cứu thương ghi rõ “Sơ cứu tai nạn” với cả số điện thoại cho những ai cần sự giúp đỡ từ thiện.
(Theo Dân Việt)