Với sự nghiệp kéo dài hàng thập kỷ và cam kết không ngừng đối với tiến bộ kinh tế, quyền giáo dục phụ nữ và công bằng xã hội, Ngozi Okonjo-Iweala là nhân vật nổi bật về khả năng lãnh đạo và vận động chính sách trên trường quốc tế.
Tầm ảnh hưởng của bà vượt ra ngoài lĩnh vực kinh tế truyền thống, chạm đến các vấn đề quan trọng như giáo dục và bình đẳng giới.
Bố vô tình đưa quyển sách, con thành nhà kinh tế học
Okonjo-Iweala sinh năm 1954 ở thị trấn Ogwashi-Ukwu, vùng đồng bằng phía Nam Nigeria. Bà xuất thân từ một gia đình có truyền thống học thuật. Cha là giáo sư kinh tế và toán học nổi tiếng người Nigeria và mẹ là nữ giáo sư xã hội học đầu tiên ở Nigeria. Nền tảng này đã góp phần định hình niềm đam mê của bà đối với cả học thuật và dịch vụ công.
Năm Okonjo-Iweala 6 tuổi, đất nước giành được độc lập từ Anh. Những năm đầu đời trôi qua một cách khiêm tốn khi bà sống với bà ngoại ở quê nhà, bố mẹ đi du học. Giáo dục luôn là ưu tiên hàng đầu của gia đình nên bà được theo học một loạt trường hàng đầu địa phương.
“Tôi đã có một nền giáo dục tuyệt vời. Cha mẹ tôi đều là học giả, là giảng viên tại Đại học Ibadan và tôi nhớ mình đã ngồi quanh bàn ăn tối và có những cuộc tranh luận thú vị với họ”.
“Tôi là một người ham đọc sách. Tôi đã đọc hết sách thiếu nhi ở nhà và luôn xin bố mua thêm hoặc đưa đến thư viện. Cha tôi, một nhà toán học kinh tế, đang viết một bài báo để xuất bản và không muốn bị quấy rầy.
Vì vậy, để giữ tôi im lặng, ông hay với tay tới giá sách, lấy đại một cuốn sách và đưa cho tôi và nói: ‘hãy đọc chương đầu tiên", bà nhớ lại. Cuốn sách kinh tế bố vô tình đưa đã định hình cuộc đời sau này của bà.
Gia đình 5/6 thành viên tốt nghiệp Harvard
Okonjo-Iweala đỗ cả Đại học Cambridge (Anh) và Harvard (Mỹ) danh giá nhưng đã chọn đến Mỹ vào năm 1973 để theo học tại Harvard, tốt nghiệp hạng ưu cử nhân về Kinh tế năm 1976, theo Brookings Institution.
Sau đó, bà theo học thạc sĩ về quy hoạch đô thị năm 1978 và bằng tiến sĩ về kinh tế và phát triển khu vực năm 1981 tại Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) với luận án “Chính sách tín dụng, thị trường tài chính nông thôn và phát triển nông nghiệp của Nigeria”. Bà nhận được học bổng quốc tế cho việc học tiến sĩ từ Hiệp hội Phụ nữ Đại học Mỹ (AAUW).
Khoảng thời gian du học tại Mỹ, đặc biệt tại Harvard, đã hình thành nền tảng cho sự nghiệp của Okonjo-Iweala trong lĩnh vực kinh tế và dịch vụ công. Bà được nhận xét là một học giả có trí tuệ nhạy bén và niềm đam mê tìm hiểu sự phức tạp của lý thuyết và chính sách kinh tế.
Điều thú vị và độc đáo là 5/6 thành viên gia đình Iweala đều theo học Harvard, theo Health Policy Watch. Ngoài chồng, bà cùng 4 con đều tốt nghiệp đại học danh giá bậc nhất thế giới này.
Sau khi tốt nghiệp, Okonjo-Iweala đã có một sự nghiệp nổi bật tại Ngân hàng Thế giới (WB), nơi bà giữ nhiều vị trí khác nhau trong hơn 2 thập kỷ. Bà bắt đầu với tư cách là một nhà kinh tế phát triển và thăng tiến qua các cấp bậc để trở thành Giám đốc điều hành.
Okonjo-Iweala từng hai lần giữ chức Bộ trưởng Tài chính Nigeria (2003–2006 và 2011–2015) và có một thời gian ngắn giữ chức Bộ trưởng Ngoại giao vào năm 2006. Bà là người phụ nữ Nigeria đầu tiên giữ cả hai chức vụ quan trọng này.
Người ủng hộ nhiệt thành cho giáo dục bền vững
Ngoài những đóng góp của bà cho sự phát triển kinh tế của Nigeria, tác động của Ngozi Okonjo-Iweala còn ghi đậm trên trường toàn cầu. Là Giám đốc Điều hành WB, bà có ảnh hưởng đáng kể đến các chính sách và hoạt động của tổ chức này, đặc biệt là ở các khu vực đang phải vật lộn với nghèo đói và kém phát triển.
Trong khi chuyên môn của Ngozi Okonjo-Iweala chủ yếu là về kinh tế, sự ủng hộ của bà còn mở rộng sang các vấn đề xã hội quan trọng như giáo dục. Nhận thức được sức mạnh biến đổi của giáo dục trong việc giải phóng tiềm năng con người và thúc đẩy tiến bộ kinh tế xã hội, bà luôn đi đầu ủng hộ cải cách và bình đẳng giới trong giáo dục.
Trong nhiệm kỳ Bộ trưởng Tài chính Nigeria, bà đã ủng hộ các sáng kiến nhằm cải thiện khả năng tiếp cận nền giáo dục có chất lượng, tăng cường đào tạo giáo viên và mở rộng cơ sở hạ tầng giáo dục, đặc biệt là ở nhóm các cộng đồng yếu thế. Sự ủng hộ đối với giáo dục dành cho phụ nữ và trẻ em gái nhấn mạnh cam kết của bà trong việc phá bỏ các rào cản và trao quyền cho họ để theo đuổi nguyện vọng của mình.
Sự giao thoa giữa kinh tế và giáo dục là trọng tâm trong tầm nhìn của Ngozi Okonjo-Iweala về phát triển bền vững. Bà hiểu rằng đầu tư vào giáo dục không chỉ là mệnh lệnh từ đạo đức mà còn là quyết định mang tính chiến lược với những ý nghĩa sâu rộng.
Lực lượng lao động được đào tạo tốt là điều cần thiết để thúc đẩy đổi mới, tăng năng suất và thúc đẩy tăng trưởng toàn diện. Bằng cách ưu tiên giáo dục như nền tảng phát triển kinh tế, Okonjo-Iweala thể hiện cách tiếp cận toàn diện cần thiết để giải quyết những thách thức toàn cầu phức tạp.
Năm 2021, TS Ngozi Okonjo-Iweala trở thành người phụ nữ đầu tiên và là người mang quốc tịch châu Phi đầu tiên đứng đầu Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), lèo lái tổ chức thương mại đa phương lớn nhất hành tinh trong quá trình phục hồi toàn cầu hậu Covid-19.
“Thật vui khi biết tôi sẽ là người phụ nữ đầu tiên và là người châu Phi đầu tiên, nhưng đó không phải là động lực của tôi”. Bà chia sẻ rằng không muốn phụ nữ được tuyển dụng vì họ là phụ nữ mà vì họ là người phù hợp nhất cho công việc.
“Okonjo-Iweala đã cho chúng ta thấy rằng để chấm dứt đại dịch, chúng ta phải làm việc cùng nhau trang bị cho mọi quốc gia khả năng tiếp cận vắc xin một cách công bằng”, Vương tử Harry và Nữ công tước Meghan của Anh viết.
“Bất chấp những thử thách, bà biết cách hoàn thành công việc - ngay cả giữa những người không phải lúc nào cũng đồng ý và bà làm điều đó với sự duyên dáng và nụ cười sưởi ấm những căn phòng lạnh giá nhất”, theo MIT Daily.
Năm 2023, Ngozi Okonjo-Iweala được Tạp chí Forbes bình chọn vào Top 100 những người phụ nữ có tầm ảnh hưởng nhất thế giới. Bà xếp ở vị trí 87 và trở thành người phụ nữ châu Phi quyền lực nhất thế giới. Trước đó, Okonjo-Iweala xuất hiện trên trang bìa TIME trong số đặc biệt "100 người có ảnh hưởng nhất năm 2021" của tạp chí này.
Tử Huy