- Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2014 với nhiều điểm đổi mới đã mang đến nhiều cảm xúc, tâm trạng cho giám khảo chấm thi.
Xúc động trước tình yêu đất nước
Những câu hỏi trong đề thi môn văn, sử, địa chính là phần mang lại nhiều cảm xúc nhất cho không chỉ học sinh mà cả giám khảo khi chấm thi.
“Học sinh đa phần viết khá tốt vì vấn đề gần gũi mang tính thời sự. Các em bộc lộ được hiểu biết về tình hình thực tế, bày tỏ được lòng yêu nước, lên án hành động của TQ.
Không ít bài học sinh viết ngoài việc học tốt, các em sẵn sàng lên đường bảo vệ Tổ quốc khi đất nước cần” – một giám khảo chấm thi môn văn ở Hưng Yên cho biết.
Một giám khảo ở Hải Dương cho biết trong câu hỏi này có em còn dẫn lời phát biểu của Thủ tướng trên các diễn đàn quốc tế: “Việt Nam yêu chuộng hòa bình nhưng không đánh đổi chủ quyền để có thứ hòa bình viển vông”...
Tâm trạng của thí sinh trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2014 (Ảnh: Văn Chung). |
Tại Hải Phòng, nhiều giám khảo ở một hội đồng thi đã xúc động truyền cho nhau đọc bài viết của một thí sinh đạt 9 điểm môn văn. Có giám khảo tâm sự họ “sởn gai ốc” vì xúc động trước tình cảm chân thành lồng trong câu văn sắc sảo, dẫn chứng đầy thuyết phục của học sinh.
“Lâu nay những thầy cô chúng tôi ít nhiều có phần bi quan vì việc học sinh có phần hời hợt với những vấn đề chính trị xã hội của đất nước. Với sự kiện Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trên vùng biển Việt Nam và qua bài viết của học sinh mới thấy thế hệ trẻ cũng rất quan tâm và luôn có trái tim nồng nàn trong bộc lộ tình yêu đất nước” – một vị giám khảo chấm môn văn ở Hà Nội chia sẻ.
Ở môn sử, nhiều giám khảo cho biết học sinh năm nay làm bài khá tốt. Đã xuất hiện rất nhiều điểm 9 hay 9,5 điểm.
3 câu hỏi trong đề thi được đánh giá bám sát chương trình, phù hợp với khả năng nhận thức và vận dụng của thí sinh. Trong đó, câu thứ 3 (3 điểm) cách hỏi khá hay, yêu cầu thí sinh vận dụng kiến thức sách vở (biện pháp hòa bình trong giải quyết tranh chấp quốc tế của Liên Hợp Quốc) với liên hệ thực tế đời sống, cụ thể là việc bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam hiện nay.
“Học sinh câu này đa phần làm khá tốt, thể hiện được chính kiến và lòng yêu nước của mình. Đọc đến những đoạn, những dòng chân thật, nồng nàn, nhiệt huyết của tuổi trẻ như vậy, giám khảo chúng tôi truyền cho nhau đọc đi, đọc lại mà lòng không kìm nén xúc động...”- một thầy giáo tham gia công tác chấm thi tâm sự.
Chấm mở đến đâu?
Với đề văn mở, thay vì đáp án năm nay Bộ GD-ĐT ra hướng dẫn chấm thi, trao quyền chủ động, linh hoạt cho các hội đồng chấm thi và giám khảo. Quy định nhiều điểm mới ít nhiều gây áp lực cho các giáo viên.
Do không có khung cụ thể, việc chấm điểm đôi khi cảm nhận của từng người là khác nhau đã gây nên tranh cãi, đặc biệt là những bài thi mang tính sáng tạo.
Một giám khảo ở Hưng Yên phân tích: Ở ý thứ ba, câu 1 hỏi về việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trên vùng biển Việt Nam. Đa số các em đều tỏ thái độ phê phán và bức xúc trước hành động xâm phạm chủ quyền của TQ.
Tuy nhiên, một số bài học sinh chỉ dùng những kiến thức sách vở, chung chung về biển đảo, chưa đi vào thực tế tình hình biển Đông, chưa có những biện pháp đấu tranh cụ thể có người cho rằng như vậy đã đạt yêu cầu, người lại phản đối.
Sau khi hội đồng họp, thống nhất bài viết được đánh giá cao ngoài bày tỏ nhiệt tình của tuổi trẻ với đất nước còn cần thể hiện một thái độ chín chắn, bản lĩnh, trách nhiệm của bản thân.
Trong khi đó, một số giáo viên ở Điện Biên nơi việc tiếp cận, cập nhật các thông tin thời sự còn khó khăn đa phần các giáo viên thống nhất các em chỉ cần các em trình bày được tư tưởng của mình, lòng yêu nước, tinh thần biển đảo là có thể có điểm.
Ở môn địa lý cũng có câu hỏi mở ở câu II, ý 1 yêu cầu thí sinh lý giải tại sao cần bảo vệ chủ quyền của một hòn đảo dù rất nhỏ.
Đây là câu hỏi mở, trong hướng dẫn bộ chỉ yêu cầu thí sinh nêu được ý: Dù nhỏ nhưng là lãnh thổ thiêng liêng, có ý nghĩa trong việc bảo vệ an ninh, phát triển kinh tế.
Thực tế có những bài thi, thí sinh không triển khai đủ các ý này, nhưng đi phân tích sâu một ý làm bật lên nội dung. Từ đó nhiều giám khảo cho rằng như thế chưa đủ, nhưng cũng còn ý kiến cho rằng lập luận chưa chặt chẽ....
Tại Quảng Ngãi, đến hết ngày 10/6, công việc chấm thi của các giám khảo môn ngữ văn và lịch sử cơ bản đã hoàn tất. Theo phản ánh của nhiều thầy cô, môn văn có điểm số tương đối thấp; tỉ lệ, số lượng bài làm thí sinh đạt điểm 3, điểm 4 chiếm khoảng 50% tổng số bài. |
- Văn Chung