Chiều 11/9, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng chủ trì buổi làm việc giữa Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ với 7 tỉnh Hà Nam, Nam Định, Bắc Giang, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Thái Bình. Nội dung buổi làm việc là kiểm tra công tác cải cách hành chính và xây dựng Chính phủ điện tử tại các địa phương này. 

Tiến độ hiện nay khó đáp ứng được yêu cầu

Báo cáo của các địa phương cho thấy, tất cả các tỉnh đã triển khai kết nối với Cổng Dịch vụ công quốc gia và hoàn thành tích hợp đăng nhập một lần, đồng bộ trạng thái hồ sơ và hầu hết đã tích hợp đồng bộ kết quả xử lý hồ sơ, thanh toán trên cổng.

{keywords}
Chỉ có Vĩnh Phúc, Bắc Ninh có số lượng giao dịch thành công phát sinh nhiều. Ảnh: VGP

Tuy nhiên chỉ có Vĩnh Phúc, Bắc Ninh có số lượng giao dịch thành công phát sinh nhiều, các tỉnh còn lại chỉ dừng ở hoàn thành kết nối kỹ thuật, chưa phát sinh giao dịch hoặc số lượng giao dịch rất ít...

Theo đánh giá của Văn phòng Chính phủ, với tiến độ như hiện nay sẽ khó đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ, chỉ tiêu Chính phủ đặt ra. 

Về việc kết nối, liên thông gửi, nhận văn bản điện tử qua trục liên thông văn bản quốc gia, hầu hết các tỉnh đã thực hiện 4 cấp hành chính. Phần mềm quản lý văn bản và hồ sơ công việc ở các cấp chính quyền đã được triển khai, bước đầu xử lý hồ sơ công việc trên môi trường điện tử. 

Nam Định, Hà Nam, Bắc Giang, Phú Thọ, Vĩnh Phúc đã áp dụng chữ ký số cá nhân trong gửi, nhận văn bản điện tử và xử lý công việc trên môi trường điện tử. Tuy nhiên, Thái Bình, Bắc Ninh vẫn đang trong tình trạng "thử nghiệm" áp dụng chữ ký số cá nhân.

Đại tá Nguyễn Đăng Lực, Phó Trưởng ban Cơ yếu Chính phủ cho biết, đến nay, Ban đã cung cấp trên 276.800 chứng thư số cho các bộ, ngành, địa phương. Các tỉnh đã chủ động phối hợp với Ban Cơ yếu Chính phủ và đơn vị phát triển phần mềm triển khai tích hợp chữ ký số vào hệ thống quản lý văn bản, điều hành.

Để hỗ trợ tốt cho các bộ, ngành, địa phương triển khai Chính phủ điện tử và cải cách thủ tục hành chính, Ban Cơ yếu Chính phủ đã và đang đổi mới mạnh mẽ phương thức trong các hoạt động cung cấp, quản lý và sử dụng chữ ký số như ứng dụng hệ thống thông tin quản lý, cấp phát chứng thư số. Việc này sẽ được phân cấp tối đa cho bộ, ngành, địa phương để chủ động quản lý, cấp phát chứng thư số, rút ngắn thời gian cung cấp chứng thư số,

Muốn thông được thì trên phải thông trước

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh, với quyết tâm xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số, nền kinh tế số, Thủ tướng yêu cầu phải kết nối được 30% dịch vụ công của địa phương với Cổng Dịch vụ công quốc gia vào cuối năm 2020 nhưng hiện nay đa số các địa phương  mới chỉ tích hợp được 6-7 dịch vụ công.

"Trên cơ sở cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục, ứng dụng công nghệ thông tin để thực hiện thủ tục, thay đổi tư duy đã sử dụng văn bản điện tử thì không kèm văn bản giấy, còn vừa dùng bản điện tử mà vẫn kèm bản giấy thì tốn kém gấp đôi", Bộ trưởng đề nghị các địa phương quyết liệt đẩy nhanh tiến độ công việc. 

{keywords}
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng.

Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ lưu ý, từ nay đến hết tháng 11, các tỉnh phải thực hiện kết nối 100% hệ thống chỉ tiêu, báo cáo, thực hiện gửi nhận văn bản điện tử cấp tỉnh sử dụng chữ ký số đạt 70%, cấp huyện 60% và cấp xã, phường, thị trấn đạt 30%.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng lưu ý, nhiều địa phương đã gửi nhận văn bản tới 4 cấp. Cấp xã, phường, huyện ký nhiều mà lãnh đạo tỉnh không ký là không được. Muốn thông được thì trên phải thông trước, phải đồng bộ.

Ông Dũng yêu cầu Văn phòng Chính phủ phối hợp với Ban Cơ yếu Chính phủ, các nhà mạng đốc thúc đẩy nhanh tiến độ. Về đề nghị ủy quyền cho địa phương cấp chữ ký số. Bộ trưởng cho biết, vấn đề này đã được bàn thảo nhưng còn có những lo ngại trong quá trình quản lý, cán bộ địa phương có thể bảo mật không tốt, dẫn đến lộ, lọt thông tin.

Do vậy, trong khi chưa thực hiện phân cấp được, Ban Cơ yếu Chính phủ đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, điều chỉnh ổn định SIM ký số cho cá nhân, về lâu dài từng bước giao cho địa phương theo ngành dọc của cơ yếu.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, sau hơn 9 tháng khai trương, Cổng Dịch vụ công quốc gia đã có 1.094 dịch vụ công phục vụ người dân, doanh nghiệp; trên 16,5 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái; trên 505.000 tài khoản đăng nhập một lần. 

Thu Hằng

Chính phủ số là con đường đưa Việt Nam hùng cường, thịnh vượng

Chính phủ số là con đường đưa Việt Nam hùng cường, thịnh vượng

Theo Thủ tướng, phát triển Chính phủ số là xu thế tất yếu, đẩy lùi nạn tham nhũng, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, là con đường phát triển Việt Nam hùng cường, thịnh vượng.