- 41,2 % phụ nữ trầm cảm sau sinh trường hợp nặng có ý định và hành vi tự tử. Đáng sợ hơn họ có tâm lý: "Yêu con nên muốn đưa con đi cùng mình".
Những ngày gần đây, người dân tổ 37 phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy chưa hết xôn xao trước cái chết đầy uẩn khúc của cháu Nguyễn Gia H (3 tháng tuổi, con trai chị Nguyễn Thị Mai Nhung (SN 1991) và anh Nguyễn Đình T (SN 1980).
Điều đáng sợ là, chính mẹ của đứa bé cũng đã tìm đến cái chết nhưng bất thành và hiện đang được cấp cứu tại bệnh viện.
Ngôi nhà nơi xả ra sự việc (Ảnh: Tri thức trẻ) |
Hàng xóm của nạn nhân cho biết, chiều hôm trước khi xảy ra sự việc, họ nhìn thấy chị Nhung ôm đứa con ở ban công tầng 2 với những biểu hiện rất lạ. Đồng thời trước khi đi chị Nhung cũng để lại một bức thư tuyệt mệnh. Có thể do bế tắc trong cuộc sống người này đã sát hại con và tự tử.
Trước đó, tại Long An, người dân cũng phát hiện 3 mẹ con Đỗ Thị Ái Nguyên, 30 tuổi, ở huyện Cần Giuộc tử vong. Trong điện thoại của chị Nguyên có nhiều tin nhắn chán đời và lá thư nội dung chị nhận mình "người vợ không tốt, không xứng đáng làm con dâu của gia đình" nên có ý định tự tử. Vì yêu con, chị Nguyên "xin đưa 2 đứa" theo cùng mình.
Tháng 3/2014, chị Giang Thị Mỹ Diệu (SN 1987, huyện Phú Ninh, Quảng Nam, giáo viên mẫu giáo) dẫn 2 con nói về nhà ngoại chơi nhưng sau đó chị đã dẫn con ra hồ Phú Ninh rồi 3 mẹ con tự tử.
Hàng loạt các trường hợp mẹ sát hại con rồi tự tử khiến dư luận bàng hoàng. Kết luận của cơ quan điều tra đều cho thấy, họ đều sống trong hoàn cảnh gia đình “có vấn đề”, vợ chồng mâu thuẫn, xích mích, sức khỏe tâm thần không ổn định. Đa số các nạn nhân đều mang chứng trầm cảm sau sinh.
Trường hợp nặng, người bị trầm cảm sau sinh có ý nghĩ hay hành vi tự tử (Ảnh minh họa) |
Trên trang web của BV Từ Dũ, TS. BS. Lê Thị Thu Hà, BV Từ Dũ nhấn mạnh, phụ nữ mắc bệnh trầm cảm sau sinh thường kèm theo trạng thái lo sợ con mình sẽ bị hại và bản thân mình là người mẹ xấu. Trường hợp nặng, người bị trầm cảm sau sinh có ý nghĩ hay hành vi tự tử (41.2%).
Một số người rối loạn tâm thần, luôn có cảm giác bị hại nên tìm cách trả thù hay đối phó. Có những bà mẹ nghĩ con mình bị ma quỉ nhập nên tìm cách trừ tà, như vậy rất nguy hiểm đến tính mạng của bé. Ngay cả những người thân khác trong gia đình cũng vậy, có khi bà mẹ mang dao đâm người thân chỉ vì hoang tưởng bị hại.
Cũng theo BS Hà, các dấu hiệu nhận biết sớm bệnh trầm cảm sau sinh bao gồm: Suy nhược cơ thể, lo lắng, căng thẳng, rối loạn giấc ngủ, mất tập trung.
Về mặt tâm lý, những phụ nữ có tâm trạng buồn bã; Giảm hứng thú hoạt động; Cảm thấy vô dụng hay tội lỗi; Khó tập trung hoặc không quyết đoán; Thường nghĩ đến cái chết và tự tử; Thay đổi khẩu vị và tăng hoặc giảm cân; Mất ngủ hoặc ngủ quá nhiều; Suy nghĩ, hành động, phản ứng chậm; Mệt mỏi, thiếu sinh lực có nghĩa là họ đã có dấu hiệu của trầm cảm sau sinh.
Theo các chuyên gia tâm lý, với trầm cảm nhẹ, có thể can thiệp bằng thuốc ngủ giúp giải quyết những cơn mất ngủ trước mắt. Kèm theo đó là sự chủ động từ phía các bà mẹ trẻ trong việc sẻ suy nghĩ và công việc với người thân để giải tỏa gánh nặng.
Trong giai đoạn nhạy cảm này, vai trò của người chồng chiếm vị trí rất quan trọng. Người chồng, gia đình, người thân… cần gần gũi chia sẻ với sản phụ trong thời kì hậu sản, để có thể tránh được những hệ quả đáng tiếc có thể xảy ra.
Cùng về vấn đề này, GS.TS Lê Thị Quý – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển chia sẻ trên một tờ báo mạng, con người nên rộng mở lòng mình, chủ động tham gia vào các hoạt động xã hội, sinh hoạt tập thể hoặc thể thao lành mạnh, trò chuyện với bạn bè… Vì môi trường sống của con người rất quan trọng, nó làm cho con người sống lành mạnh tránh bị khuyết tật về tinh thần.
Ngành công tác xã hội đang phát triển hiện nay sẽ có vai trò rất quan trọng trong việc giải tỏa tâm lý, tinh thần để giúp những người yếu thế vươn lên. Chúng ta cũng nên đào tạo và mở rộng các cơ sở phục hồi tâm lý khi bị trầm cảm, khủng hoảng, giảm thiểu tối đa nạn tự tử.
Chính quyền địa phương và các tổ chức xã hội cần quan tâm hơn nữa đến đời sống người dân và các vấn đề của họ, đặc biệt là phòng chống nạn bạo lực gia đình và bạo lực xã hội.
P.Lễ (tổng hợp)