Lấy dân làm gốc trong xây dựng và bảo vệ đất nước là truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam. Trải qua mấy ngàn năm lịch sử, tư tưởng lấy dân làm gốc ngày càng được củng cố và chứng minh được giá trị to lớn trong công cuộc gìn giữ núi sông bờ cõi và phát triển đất nước.

Tiếp thu tinh hoa của dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh tư tưởng lấy dân làm gốc trong xây dựng chính quyền. Mọi hoạt động của các cơ quan nhà nước phải lấy dân làm gốc vì: “Gốc có vững cây mới bền, Xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân”(1).

{keywords}
Lấy dân làm gốc trong xây dựng và bảo vệ đất nước là truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam.

Lấy dân làm gốc nghĩa là các cơ quan nhà nước phải hướng mọi hoạt động của mình để phục vụ nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân. Tất cả cán bộ, nhân viên trong bộ máy nhà nước đều là công bộc của nhân dân. Mọi hoạt động của cơ quan nhà nước phải xuất phát từ lợi ích và nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Các cơ quan nhà nước phải chăm lo, quan tâm đến đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.

Dựa vào dân chính là thể hiện tư tưởng lấy dân làm gốc. Kế thừa và phát triển tư tưởng trọng dân, dựa vào sức dân trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhấn mạnh vai trò của nhân dân trong xây dựng chính quyền. Nếu biết huy động và tổ chức sức mạnh của nhân dân thì sức mạnh đó trở thành vô địch. Trong bối cảnh đất nước còn hạn chế về nguồn lực, cần phải biết huy động tài lực, trí lực, vật lực, nhân lực từ nhân dân để xây dựng chính quyền. Tuy nhiên, phải biết “khoan thư sức dân”, huy động đúng lúc, đúng chỗ, phù hợp, không phung phí.

Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện tư tưởng lấy dân làm gốc trong quá trình chỉ đạo soạn thảo Hiến pháp đầu tiên của đất nước Việt Nam độc lập. Hiến pháp năm 1946 chỉ rõ: “Tất cả quyền bính trong nước là của toàn dân” (Điều 1), “tất cả công dân Việt Nam… đều được tham gia chính quyền” (Điều 7). Các cơ quan nhà nước phải thấm nhuần nguyên tắc mà Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn khẳng định rằng, cách mạng là sự nghiệp của quần chúng. Phải lôi cuốn nhân dân tham gia trực tiếp vào công việc chính quyền, vào công tác quản lý nhà nước. Khi nhân dân tham gia vào hoạt động quản lý nhà nước tại địa phương, các cơ quan nhà nước hiểu hơn nguyện vọng của nhân dân, từ đó phục vụ nhân dân tốt hơn.

Lấy dân làm gốc nghĩa là phải tôn trọng, lắng nghe ý kiến của nhân dân. Phải tuyệt đối tôn trọng nhân dân, không được quan cách, ra lệnh với nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhắc nhở cán bộ rằng phải yêu dân, kính dân, phải có ý thức tôn trọng nhân dân, phải thấy được vai trò và vị trí của nhân dân trong xây dựng chính quyền. Muốn tôn trọng dân thì đầu tiên phải gần dân, lắng nghe dân, từ đó hiểu dân, yêu dân và kính dân. Mọi cán bộ phải rèn luyện và không có hành vi hoặc lời nói khiến người dân hiểu lầm rằng cán bộ thiếu tôn trọng dân. 

Trong bài nói chuyện với Hợp tác xã Tảo Dương, xã Hồng Dương, huyện Thanh Oai, Hà Nội, ngày 10-2-1967, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh, cán bộ, công chức phải tự mình nêu gương, “làm sao cho nhân dân biết hưởng quyền dân chủ, biết dùng quyền dân chủ của mình”(5). Để làm được điều đó, cán bộ, công chức phải “giải thích cho mỗi một người dân hiểu rõ ràng”(6), qua đó mới vận động được nguồn lực từ mỗi người dân và góp thành lực lượng toàn dân để thực hiện những công việc mà Nhà nước giao phó. 

Là người chỉ đạo biên soạn Hiến pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh vai trò của nhân dân trong xây dựng chính quyền, trong đó có tham gia vào việc ra quyết định và thực hiện quyết định của cơ quan nhà nước. Điều 32, Hiến pháp năm 1946 quy định: “Những việc quan hệ đến vận mệnh quốc gia sẽ đưa ra nhân dân phán quyết”. Nhằm phát huy vai trò của nhân dân trong xây dựng pháp luật, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu sau khi dự thảo Hiến pháp năm 1959 “cần phải trưng cầu ý kiến của nhân dân cả nước một cách thật rộng rãi”(8). Các cơ quan nhà nước phải tiếp thu ý kiến của nhân dân trong quá trình ra quyết định. Các quyết định của cơ quan nhà nước đều phải xuất phát từ ý chí, nguyện vọng của nhân dân, sao cho có lợi cho nhân dân.

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhấn mạnh rằng, để các chủ trương, chính sách đi vào cuộc sống và được thực hiện hiệu quả, “cách làm là: dựa vào lực lượng của dân, tinh thần của dân”(9) vì mọi nguồn lực mà Nhà nước có thể hoạt động đều được huy động từ dân. Khi bàn về hoạt động của chính quyền địa phương, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ các ủy ban nhân dân phải “dựa vào ý nguyện của dân chúng”(10). Để các quyết định của Nhà nước đáp ứng được ý nguyện của nhân dân, phải bàn bạc với nhân dân để xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện, giám sát theo dõi quá trình thực hiện và tổng kết rút kinh nghiệm. Dù thực hiện công việc có khó khăn đến bao nhiêu, dù nguồn lực có thể bị khan hiếm, nhưng chỉ cần có sự tham gia đồng lòng của nhân dân, quyết định có thể được thực thi trong thực tiễn.

Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ vai trò của nhân dân trong giám sát hoạt động và quá trình thực thi pháp luật của các cơ quan nhà nước. Nhân dân có quyền góp ý với Chính phủ, có quyền đôn đốc và phê bình Chính phủ, như thế là giúp đỡ Chính phủ. Nhân dân thực hiện quyền giám sát đối với đại biểu của mình và nếu những đại biểu ấy tỏ ra không xứng đáng với sự tín nhiệm, nhân dân có quyền bãi miễn đại biểu Quốc hội và đại biểu hội đồng nhân dân. Tất cả các cơ quan nhà nước phải lắng nghe ý kiến và chịu sự kiểm soát của nhân dân.

Để nhân dân thực hiện tốt quyền giám sát, cần thực hiện tốt công tác giáo dục pháp luật. Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt chú trọng đến nâng cao dân trí, làm cho nhân dân có ý thức chính trị trong tham gia công việc của chính quyền các cấp, tham gia vào các đoàn thể ở địa phương cùng giám sát hoạt động của các cơ quan nhà nước.

Lương Bằng