Theo kết quả rà soát hộ nghèo, cận nghèo năm 2023 của tỉnh Quảng Ngãi, địa phương còn 23.317 hộ nghèo (tỷ lệ 6,13%) và 18.912 hộ cận nghèo (4,97%).
Cũng theo điều tra, hiện số hộ nghèo và cận nghèo thiếu hụt chỉ số dịch vụ xã hội cơ bản là việc làm tại tỉnh còn cao. Cụ thể, có 7.412 hộ nghèo thiếu hụt chỉ số này, tỷ lệ 31,79%; 4.787 hộ cận nghèo bị thiếu hụt việc làm, tỷ lệ 25,31%. Trong số các hộ nghèo, có tới hơn 7.500 hộ nghèo không có khả năng lao động (khoảng 32% tổng số hộ nghèo), con số này với hộ cận nghèo là hơn 4.200 (22%).
Quảng Ngãi xác định giải quyết việc làm là giải pháp quan trọng để người dân nâng cao thu nhập, góp phần bù đắp các chiều thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản khác (nhà ở, y tế, giáo dục...), từ đó giảm nghèo đa chiều, bền vững. Theo kế hoạch thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, năm 2024, tỉnh sẽ hỗ trợ xây dựng, nhân rộng trên 20 mô hình giảm nghèo, xây dựng và phê duyệt trên 200 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, du lịch, khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh nhằm tạo sinh kế, việc làm, thu nhập bền vững...
Tỉnh cũng đặt mục tiêu phấn đấu 80% người có khả năng lao động, có nhu cầu thuộc hộ nghèo, hộ trên địa bàn huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo được hỗ trợ nâng cao năng lực sản xuất nông, lâm, ngư, diêm nghiệp; Phấn đấu hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo có ít nhất một thành viên trong độ tuổi lao động có việc làm bền vững;
Để bù đắp chiều thiếu hụt về việc làm, ngoài tư vấn, định hướng nghề nghiệp, cung cấp thông tin thị trường lao động, tỉnh đặt mục tiêu có tối thiểu 200 người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, vùng nghèo, vùng khó khăn được hỗ trợ kết nối việc làm thành công.
Tối thiểu 200 người lao động thuộc các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo được hỗ trợ đào tạo; trong đó, có khoảng 100 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (ít nhất 80% hộ gia đình có người đi làm việc ở nước ngoài sẽ thoát nghèo)...
Tại thành phố Quảng Ngãi, nơi còn 681 hộ nghèo và 1.650 hộ cận nghèo, để giúp người lao động có việc làm, địa phương đã thực hiện đồng bộ các giải pháp tư vấn, giới thiệu, đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho người dân, ưu tiên các hộ nghèo, cận nghèo, hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn.
Người dân muốn được kết nối, giới thiệu việc làm có thể tìm thông tin bằng nhiều hình thức như trực tiếp tại Phòng LĐ-TB&XH thành phố, tại UBND các xã, phường, qua các phiên giao dịch việc làm và gián tiếp qua mạng xã hội, điện thoại, tin nhắn...
Từng tháng, các xã, phường đều cập nhật số liệu về người lao động đang có nhu cầu tìm việc, phân theo độ tuổi, trình độ lao động, để khi thành phố kết nối, thông tin về thị trường lao động, người dân nhanh chóng được nhận thông tin từ phường, xã.
Hai năm gần đây, bình quân mỗi năm thành phố có hơn 6.000 lao động được giải quyết việc làm. Từ đầu năm 2024 đến nay, địa phương có gần 6.000 được giải quyết việc làm, đạt gần 90% kế hoạch năm. Trong đó, 45 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lao động.
Ngoài ra, các mô hình sinh kế trong lĩnh vực thương mại - dịch vụ cũng tạo việc làm cho nhiều lao động thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo. Đơn cử, Chi hội Phụ nữ thôn Tân An, xã Nghĩa An (TP.Quảng Ngãi) triển khai mô hình Tổ hợp tác nấu đám, tiệc và vận động phụ nữ địa phương, đặc biệt là những phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, không có việc làm tham gia. Nhờ hoạt động này, gần 20 lao động được tạo việc làm, duy trì mức thu nhập trung bình từ 1 - 2 triệu đồng/tháng. Mô hình Tổ hợp tác nấu đám, tiệc cũng được Hội LHPN phường Quảng Phú duy trì hiệu quả, tạo việc làm thường xuyên cho 18 lao động, với thu nhập ổn định khoảng 3,5 triệu đồng/tháng.
Tại huyện Sơn Tịnh, Phòng LĐ-TB&XH huyện vừa phối hợp khai giảng 4 lớp đào tạo, dạy nghề tại 4 xã cho người lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người có thu nhập thấp. Các học viên không chỉ được định hướng lựa chọn nghề nghiệp, làm ăn, phát triển kinh tế mà còn học kỹ năng phục vụ chăm sóc cây trồng, vật nuôi, vốn là thế mạnh ở nông thôn. Đặc biệt, phương pháp đào tạo được tiếp cận theo hướng hướng dẫn, "cầm tay chỉ việc" giúp học viên dễ cập nhật kiến thức vừa ứng dụng ngay trong thực tiễn. Đây là cơ sở để các địa phương hỗ trợ sinh kế - trao "cần câu" phù hợp cho người nghèo, giúp họ "biết cách câu" để phát huy hiệu quả các mô hình kinh tế.