- Dạy con biết lao động trước khi hưởng thành quả, dạy con cách sống điềm tĩnh không dùng bạo lực để giải quyết tranh chấp, dạy con kỹ năng rút lui khỏi tình yêu an toàn… là những bài học mà các bậc phụ huynh rút ra cho mình từ vụ thảm án ở Bình Phước.

Dạy con kỹ năng rút lui an toàn khỏi tình yêu

Nhà báo Vĩnh Quyên: Theo dõi toàn bộ vụ thảm án khủng khiếp ở Bình Phước một ý nghĩ cứ làm tôi day dứt và nghĩ ngợi: Tại sao hung thủ lại có thể ra tay tàn bạo như vậy với những người mà hắn đã từng rất yêu quí, nhất là với cô gái - người mà hắn đã từng hy vọng thành người vợ của mình?

Nghĩ đi nghĩ lại chỉ có thể tìm thấy một câu trả lời: Đấy là vì tình yêu đã biến thành thù hận. Chỉ có động cơ đó mới khiến Dương thành một kẻ mất nhân tính như vậy.

Và hãy nhớ lại, rất nhiều cô gái đã bị hủy hoại vì chính những kẻ yêu mình giống như thằng ku này đã làm, từ tạt axit, đổ xăng, đến đâm chết. Chỉ cần gõ vài từ trên bác Gúc đảm bảo ra hàng loạt các vụ trả thù người tình như vậy.

{keywords}

Để cuộc chia tay diễn ra êm đẹp và không biến kẻ mình từng yêu thương trở thành kẻ thù thì các cô gái cũng cần phải học kỹ năng rút lui an toàn khỏi tình yêu.

Thực ra, tình yêu đến tình yêu đi là chuyện muôn đời.

Người có văn hóa, hiểu biết một chút thì hiểu rằng yêu nhau đến thế nhưng khi một người dứt áo ra đi thực ra chẳng phải có lý do gì mà chỉ vì đã HẾT DUYÊN rồi. Giữa vạn người xa lạ mà tự dưng gặp nhau rồi yêu nhau, rồi ngủ với nhau, rồi muốn ở bên nhau suốt đời đấy không phải là DUYÊN thì là gì? Vì thế , khi hết duyên thì một bên dù có níu kéo cũng chả giải uyết được gì. Sướng nhất là cả hai cùng biết là hết duyên thì rất thanh thản, lâu lâu gặp nhau vẫn còn tay bắt mắt mừng hỏi nhau được một câu: Bồ mới độ này thế nào, có ngon không???

Nhưng Bi kịch nhất là chỉ một bên muốn rút, còn bên kia vẫn muốn giữ? Người hiểu biết thì chấp nhận nhưng những thanh niên trẻ, ít học thì thường không nghĩ được thế, họ chỉ có một cảm giác là bị phản bội. Đấy là chưa nói đến chuyện sự can thiệp của cha mẹ vào chuyện tình yêu khiến cho ngọn lửa hận thù bùng cháy thêm

Vậy làm thế nào để cuộc chia tay diễn ra êm đẹp và không biến kẻ mình từng yêu thương trở thành kẻ thù chính là kỹ năng mà hình như ít ông bố bà mẹ nào, ít trường lớp nào dạy bọn trẻ!!!!

Chúng ta cứ lên án xã hội này nọ, cái ác thế nọ thế kia nhưng thực ra chính trong các cuộc hậu tình yêu ấy sự ứng xử không khéo léo, không chân thành của người trong cuộc đã khiến cho phần CON VẬT trong con người mà họ đã từng yêu quí trỗi dậy bất ngờ. Và đó chính là khỏi nguồn của tội ác!

Vì vậy, không chỉ cần trang bị kỹ năng YÊU mà còn phải học kỹ năng rút lui an toàn khỏi TÌNH YÊU nữa!

Dạy con biết lao động trước khi hưởng thành quả

Chị Nguyễn Thúy (Ba Đình, Hà Nội): Trong vụ việc này, điều tôi suy nghĩ nhiều nhất là thực trạng hiện nay có rất nhiều bạn trẻ tiêu dùng vượt quá mức điều kiện cho phép. Họ cứ sống như thế thành quen, rồi từ đó mà sinh ra chuyện phạm pháp. Ví dụ: họ nhất định phải đi xe sang, mua quần áo xịn, vào những bar sang trọng... trong khi họ còn trẻ và thu nhập còn thấp. Bạn trẻ có lối sống như vậy rất dễ sa vào những cạm bẫy nguy hiểm. Chuyện này tôi thấy rất phổ biến. Con trai bạn tôi, ai đẹp trai thì toàn thấy đi làm người mẫu lấy tiền tiêu xài hoặc có bạn gái đại gia đi audi đón đi chơi. Cách sống như thế bất thường, rất nguy hiểm.

Với hai con của tôi, tôi chỉ có thể rèn con bằng cách phân tích cho chúng thấy cứ thích những thứ xa xỉ ngoài tầm tay của mình là việc không nên. Ngoài ra phải cố gắng để lao động trước rồi hưởng thụ thành quả, công sức của mình chứ không phải cứ đòi hỏi cha mẹ dành những thứ tốt nhất cho mình. Nói vậy nhưng rất khó, vì môi trường bạn bè xung quanh nhiều người giàu có. Con cũng bị ảnh hưởng ít nhiều.

{keywords}

Tiêu xài xa xỉ, vượt quá mức điều kiện cho phép khiến giới trẻ dễ sa vào những cạm bẫy nguy hiểm.

Dạy con nói không với bạo lực

Chị Lê Quyên (Cầu Giấy, Hà Nội): Đọc những tin về cướp của, giết người, tôi thấy bất an vô cùng, cảm giác như nguy hiểm luôn rình rập xung quanh mình. Những thanh niên gây tội còn rất trẻ, có người cũng ăn học đàng hoàng chứ không phải thất học. Tôi lại lo lắng đến tương lai của hai con tôi. Môi trường xung quanh chúng nhiều bạo lực quá, ra đường va quệt là lao vào mắng chửi, đánh nhau ngay, mạng internet thì đầy rẫy game bạo lực, máu me. Con trẻ non nớt, rất dễ bị ảnh hưởng bởi những thứ đó.

Tôi luôn cố gắng đưa hai con tôi tránh xa các môi trường xấu như thấy người ta đánh nhau là đưa con bỏ đi ngay chứ không dừng lại “hóng chuyện” như người khác. Nhưng nhiều lúc cũng bất lực, bởi tôi không thể kè kè bên chúng mãi. Ngay cả ở trường, con vẫn chứng kiến bạo lực khi các bạn cùng lớp đánh nhau, anh lớn đánh em bé…

Tôi muốn dạy con cách sống điềm tĩnh, không dùng bạo lực để giải quyết các tranh chấp. Như trong nhà tôi, ai mắc lỗi là viết bản kiểm điểm rồi cha mẹ sẽ phân tích cho các con hiểu tại sao con được làm cái này, không được làm cái kia. Cả hai vợ chồng tôi thống nhất không quát mắng, không dùng roi vọt với con. Nhưng thực tế thì không phải lúc nào cũng làm được. Làm cha làm mẹ, đành phải cố gắng hoàn thiện từng ngày thôi.

Kim Minh (ghi)