Thị trường tài chính trong nước đang trải qua những ngày diễn biến phức tạp khi tài chính thế giới biến động mạnh do ảnh hưởng từ dịch Covid-19. Những ngày qua, ngoài chứng khoán chao đảo thì thị trường vàng trong và ngoài nước đều ghi nhận xu hướng giảm mạnh.
VN-Index giảm mạnh nhất từ năm 2008
Trong tuần này (9-14/3), các nhà đầu tư chứng khoán là nhóm chịu ảnh hưởng nặng nhất khi chỉ số VN-Index giảm mạnh từ vùng 891 điểm xuống 761 điểm hiện tại, tương ứng mức giảm trên 14,5%.
Lần gần nhất chỉ số chứng khoán lớn nhất thị trường trong nước giảm trên 15% đã diễn ra từ tháng 3/2008, cách đây 12 năm. Cũng trong tuần, thị trường chứng khoán còn ghi nhận phiên giảm mạnh nhất trong vòng 19 năm khi VN-Index giảm hơn 6% trong phiên 9/3.
Ước tính, vốn hóa thị trường chứng khoán tuần vừa qua đã bốc hơi hơn 590.000 tỷ đồng, tương đương hơn 25 tỷ USD. Trong đó, hàng loạt cổ phiếu vốn hóa lớn giảm hai chữ số.
Diễn biến chỉ số VN-Index tuần 9-14/3. Nguồn: Vntradingview. |
Cổ phiếu VIC (Vingroup) tuần qua đã giảm gần 12% từ vùng giá 105.000 đồng/cổ phiếu xuống 92.000 đồng hiện tại. Cùng mức giảm là cổ phiếu VHM (Vinhomes), FPT (Tập đoàn FPT), SAB (Sabeco)…
Tuy nhiên, đây chưa phải nhóm giảm mạnh nhất, trong rổ VN30, ROS (Xây dựng FLC Faros); PLX (Petrolimex); và BVH (Tập đoàn Bảo Việt) là bộ 3 cổ phiếu lớn giảm mạnh nhất tuần qua, đều giảm trên 26%.
Nhiều cổ phiếu lớn khác cũng giảm trên 20% như SSI (Chứng khoán SSI); CTD (Coteccons); MWG (Thế giới Di động); PNJ (Vàng Phú Nhuận)…
Ngoài tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, tác động tới thị trường chứng khoán trong nước còn đến từ tâm lý lo ngại của thị trường thế giới.
Dù đã tăng gần 10% trong phiên giao dịch đêm qua (theo giờ Việt Nam), chứng khoán Mỹ vẫn giảm gần 20%/tháng. Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones đêm qua tăng 9,4% nhưng vẫn giảm 21,1% một tháng gần nhất. S&P 500 tăng 9,3% nhưng tính trong tháng vẫn giảm 19,8%, cả Nasdaq Composite và Nyse Composite đều ghi nhận mức giảm tương tự.
Các chỉ số chứng khoán tại châu Âu và châu Á. Nguồn: Bloomberg. |
Chứng khoán châu Âu thậm chí còn ảnh hưởng nặng nề hơn khi khu vực này đang trở thành tâm dịch mới ngoài Trung Quốc với số ca dương tính tăng nhanh.
Trong 1 tháng gần nhất, chỉ số Euro Stoxx 50 đã giảm xấp xỉ 33%, trong khi FTSE 100 Index giảm 27,6%. Nhóm chỉ số Dax Index, CAC 40 Index và IBEX 35 Index đều có cùng mức giảm trên 32%.
Tương tự là thị trường châu Á khi Nikkei 225 giảm 26,4%; Topix Index giảm 25,9%, Hang Seng Index giảm 13,6%...
Vàng giảm liên tục, lỗ cả triệu đồng sau một đêm
Trái ngược với xu hướng trước đó, vàng thường tăng mạnh khi chứng khoán lao dốc, tuần này chứng kiến thị trường kim loại quý diễn biến cùng chiều giảm với chứng khoán.
Trên thế giới, vàng giao ngay trên sàn Kitco đêm qua đóng cửa tuần ở mức 1.529 USD/ounce, giảm 45 USD so với phiên liền trước và giảm 170 USD so với đầu tuần (9/3). Mức giảm này tương đương 10%/tuần và là vùng giá thấp nhất từ đầu năm 2020 đến nay.
Nguyên nhân khiến vàng rớt giá là việc ngân hàng trung ương các nước đã bắt đầu nới lỏng chính sách tiền tệ và bơm thêm vốn ra thị trường.
Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) ngày 12/3 đã tuyên bố sẽ bơm thêm 1.500 tỷ USD vốn ngắn hạn thông qua hợp đồng mua lại (repo). Trước đó, cơ quan này cũng đã hạ lãi suất đột ngột 0,5 điểm phần trăm và dự kiến sẽ giảm tiếp trong cuộc họp ngày 17-18 tới đây.
Người mua vàng từ đầu tuần (9/3) đến nay đang lỗ 2,65 triệu đồng mỗi lượng. Ảnh: Việt Hùng. |
Diễn biến này đã kéo giá vàng trong nước đi xuống.
Hiện tại, Công ty TNHH MTV Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) - đơn vị độc quyền sản xuất và phân phối vàng miếng trong nước niêm yết giá ở mức 45,6-46,7 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), giảm 1,55 triệu so với đầu tuần.
Việc SJC và nhiều doanh nghiệp nới rộng chênh lệch giá mua - bán vàng khiến nhà đầu tư vào mặt hàng này lỗ cả triệu đồng sau mỗi đêm.
Đến nay, người mua vàng từ ngày 9/3 với giá 48,25 triệu/lượng đã lỗ 2,65 triệu đồng vì giá mua vào của các doanh nghiệp hiện chỉ ở mức 45,6 triệu, tương đương lỗ 6%/tuần.
Không chỉ chứng khoán và vàng sụt giảm khiến giới đầu tư trở tay không kịp, tài sản được nhiều người lựa chọn trú ẩn trong giai đoạn này là bitcoin cũng lao dốc.
Cuối tuần trước, giá mỗi bitcoin được mua bán sang tay ở mức 9.000 USD. Tuy nhiên, 2 phiên giảm mạnh ngày 12 và 13/3 đã kéo giá tiền điện tử xuống dưới 4.000 USD/BTC, thấp nhất từ tháng 4/2019.
Sau phiên phục hồi đêm qua, hiện giá mỗi bitcoin được nhà đầu tư sang tay ở mức 5.450 USD, tương đương 127 triệu đồng/BTC, giảm 40% trong tuần này.
(Theo Zing)