Làm... sạch cho đời

Làm công nhân vệ sinh môi trường từ năm 22 tuổi, bà Nguyễn Ngọc Ánh (60 tuổi, Hà Nội) luôn tâm niệm một điều, làm nghề là phải yêu, hết mình với nghề. Công việc vất vả là thế nhưng ngày mưa cũng như nắng, ngày đông cũng như hè, bà Ánh chưa từng đi muộn, chỉ nghỉ khi có việc thực sự cần thiết hoặc bị ốm đau.

W-nhavesinh7-3.jpg
Gần 10 năm bà Ánh gắn bó với công việc dọn dẹp nhà vệ sinh công cộng ở phố Lê Thạch

Sau nhiều năm làm lao công, cách đây 10 năm, bà Ánh chuyển sang trông coi nhà vệ sinh công cộng trên phố Lê Thạch (Hoàn Kiếm, Hà Nội). Công việc ở đây được chia làm 2 ca, từ 6h đến 14h và 14h đến 22h.

Hiện bà Ánh phụ trách ca sáng từ 6h đến 14h. Tùy vào tình hình sức khỏe, công việc, bà và người cùng phụ trách có thể đổi ca cho nhau. 

 Nhà vệ sinh công cộng chia hai buồng sạch sẽ, được bà Ánh dọn dẹp hàng ngày

Chiếc nhà vệ sinh nhỏ, chia hai ngăn được bà lau dọn sạch sẽ chẳng khác nhà vệ sinh gia đình. Tiếp chuyện PV nhưng một lúc bà lại đứng dậy vì có người vừa ra khỏi. “Cứ một người vào là tôi lại vội đứng lên, dội nước. Tôi phải làm ngay như vậy để người sau vào đỡ hôi và nhà vệ sinh cũng không bị ám mùi. Mình ngồi ở đây cả ngày, để nhà vệ sinh bốc mùi thì không chỉ người sử dụng mà mình cũng phải hứng chịu nhiều”, bà cho hay.

W-nhavesinh-balien2-1.jpg
Bà Liên trông coi nhà vệ sinh công cộng tại ngã tư Lê Duẩn - Nguyễn Thái Học

Không chỉ bà Ánh, bà Phí Thị Liên (65 tuổi), hiện phụ trách trông coi nhà vệ sinh công cộng tại ngã tư Lê Duẩn - Nguyễn Thái Học, phường Cửa Nam (Hoàn Kiếm) cũng là người hết lòng tâm huyết với công việc.

Ở tuổi 65, lẽ ra bà Liên ở nhà nghỉ ngơi nhưng vì yêu nghề, bà quyết định đi làm thêm để khuây khỏa tuổi già. Tiếp quản trông coi nhà vệ sinh này chưa lâu nhưng bà cũng trải qua nhiều câu chuyện vui buồn tại đây.

"Sáng nào tôi cũng mở cửa nhà vệ sinh từ 6h, đến 22h thì đóng cửa. Những người sử dụng hầu hết là xe ôm, khách du lịch, người lao động tự do... Ở đây có nhiều kiểu người lắm. Có nhiều người rất lịch sự, nhà vệ sinh miễn phí nhưng vẫn trả tiền hoặc cho tôi đồ. Tất nhiên là tôi không nhận và chỉ cảm ơn tấm lòng của họ. Nhưng cũng có một số người ý thức kém, vào đi vệ sinh không chịu dội nước, giấy bày bẩn ra sàn. Mình nhắc thì họ còn quát lại. Nói chung mỗi nghề mỗi kiểu, mình chấp nhận và làm đúng trách nhiệm thôi". 

W-nhavesinh-balien5-1.jpg
Nhà vệ sinh công cộng (tầng 1) nằm ngay mặt đường ngã tư Lê Duẩn - Nguyễn Thái Học

Bà Liên cho biết, nhà vệ sinh công cộng này có từ rất lâu đời. Đây có lẽ là nhà vệ sinh công cộng đặc biệt nhất ở Hà Nội vì nằm ngay trên 'khu đất vàng', diện tích khá rộng.

"Mỗi ngày tôi phải dội nước, lau quét dọn 3-4 lần cho hết mùi thì thôi. Mỗi người mỗi kiểu, họ có ý thức thì mình mừng, họ không có thì mình chịu vất vả thêm thôi. Công việc của mình, cho mình thu nhập nữa nên phải làm hết sức", bà Liên chia sẻ. 

Một ngày bà Liên dọn rửa 4-5 lần 

Vị khách… 'dùng' thử 

“Trong suy nghĩ nhiều người, nhà vệ sinh công cộng là nơi không được sạch sẽ nên dù có muốn họ cũng ngại sử dụng. Vậy mới có trường hợp, vài người đi qua nhà vệ sinh công cộng này, muốn đi vệ sinh nhưng không dám vào. Sau một lần ‘liều’ dùng thử, họ thấy sạch sẽ quá nên vội ra gọi bạn bè đến. Lúc về, ai cũng khen nhà vệ sinh sạch và cảm ơn tôi. Tôi cũng thấy vui, ấm áp trong lòng”, bà Ánh kể chuyện của 2 tháng trước. 

Bà Ánh tâm niệm, là công việc của mình thì mình phải làm hết sức, hết tâm. Xưa nay nhiều người ác cảm với nhà vệ sinh công cộng, cho rằng đó là nơi không sạch sẽ nhưng chính bà là một trong những người thay đổi suy nghĩ của họ. Ai bước vào trong cũng cảm thấy hài lòng. Họ luôn nở nụ cười tươi với bà Ánh như để thay một lời cảm ơn. Cũng vì nhà vệ sinh sạch sẽ, thơm tho mà ý thức của mọi người được nâng cao hơn, ai cũng giữ gìn vệ sinh chung. 

W-nhavesinh-3.jpg
 "Lúc nào tôi cũng tự hào về công việc của mình"

Gần 10 năm gắn bó với chiếc nhà vệ sinh công cộng ở phố Lê Thạch, bà Ánh luôn được mọi người yêu quý. Những người ở quanh khu phố đã quá quen thuộc với hình ảnh người phụ nữ tuổi 60 nhưng lúc nào cũng rạng rỡ, vui vẻ, say mê với công việc của mình.

Ở đây, không ít lần bà trở thành “người trông đồ bất đắc dĩ”: “Nhiều người đi vệ sinh gửi đồ ở bàn rồi quên luôn. Có người gửi túi xách, có người gửi điện thoại. Ai quên, tôi đều giữ, đợi họ quay lại lấy. Tôi tuyệt nhiên không động vào đồ đạc của họ”. 

Có một kỉ niệm khiến bà Ánh nhớ mãi đó là chuyện một vị khách để quên đồ: "Chuyện để quên đồ là thường xuyên vì nhiều người gửi đồ ở bàn rồi vào đi nhà vệ sinh lắm. Nhưng hôm đó, tôi làm ca tối, có một cô gửi túi đồ to lắm. Lúc đi vệ sinh ra, cô ấy đi thẳng luôn, tôi cũng quên không nhắc. Đến gần tối không thấy cô ấy quay lại, tôi cũng chẳng dám mở túi của người khác ra nên cứ để nguyên đó.

Nhưng tôi cũng thấy run run vì sợ nhỡ là đồ gì thì mình lại oan. Định bụng sẽ mang gửi công an để họ giữ nhưng rồi tôi cố đợi thêm. Khoảng 23h, qua giờ đóng cửa nhà vệ sinh (giờ đóng cửa là 22h) thì tôi thấy cô ấy hớt hải chạy đến, cảm ơn tôi rối rít. Cô gái còn cho tôi tiền nhưng tôi không nhận. Sau đó cô ấy mang túi đồ đi. Bên trong toàn là quần áo đi chụp ảnh. Thế mà tôi hết hồn". 

Cũng có lúc bà cảm thấy căng thẳng bởi một số đối tượng nghiện ngập vào sử dụng nhà vệ sinh rồi mượn chỗ tiêm chích.

“Mấy năm trước, thi thoảng có vài cậu thanh niên nghiện vào đó chích hút. Lúc họ ra, tôi vào dọn thì mới phát hiện. Cậu nào mình biết hoặc nhận diện được thì lần sau đến, tôi sẽ dọa, không cho vào. Thấy tôi cứng rắn, dọa báo công an, mấy cậu ấy cũng bỏ đi, không dám bén mảng. Còn bây giờ chuyện đó hầu như không còn”, bà nói. 

Dịp lễ, Tết, bà Ánh càng bận hơn vì nhu cầu sử dụng nhà vệ sinh công cộng cao hơn. Cuối tuần bà cũng không nghỉ. Bà cho rằng với việc phân ca như hiện tại thì làm cả tuần, cả ngày lễ, Tết cũng khá hợp lý, bà vẫn có thời gian được nghỉ ngơi. 

W-nhavesinh9-3.jpg
 Bà Ánh coi đây như nhà vệ sinh gia đình, dọn dẹp bằng cái tâm của "chủ nhà" nên lúc nào sàn cũng sạch bóng

Nhiều năm làm công tác vệ sinh môi trường, gần 10 năm làm việc dọn dẹp, trông coi nhà vệ sinh công cộng, người phụ nữ 60 tuổi chưa bao giờ hết tự hào: “Tôi không biết người khác nghĩ về công việc của mình như thế nào. Nhưng với tôi, công việc nào mang lại thu nhập cho mình, giúp mình có đồng lương để mưu sinh thì mình phải trân trọng, yêu quý và làm hết cái tâm. Đây không chỉ là công việc mà còn là một phần trách nhiệm của người làm trong công tác vệ sinh môi trường nhiều năm như tôi”.  

Với thu nhập hiện tại, bà Ánh có thể trang trải cuộc sống, tích cóp để lo sức khỏe tuổi già, không cần phụ thuộc con cái. Những ngày lễ, Tết, bà cũng nhận chế độ thưởng như người khác nên cảm thấy rất thoải mái. 

Ở tuổi xế chiều, cả bà Ánh, bà Liên đều có thể chọn nghỉ ngơi bên con cháu. Nhưng vì yêu nghề, vì muốn tuổi già được có ý nghĩa hơn, họ vẫn chọn lao động, đóng góp sức mình cho môi trường xanh, sạch, đẹp.

“Con cái cũng bảo mẹ nghỉ ngơi nhưng tôi thấy mình còn sức khỏe thì vẫn tiếp tục lao động được. Đây cũng là công việc gắn bó suốt đời mình nên 'không làm tôi thấy nhớ lắm'. Đến khi nào cảm thấy sức khỏe không còn đảm bảo thì mình nghỉ thôi”, bà Ánh bộc bạch.