Đẩy mạnh nông nghiệp chất lượng cao

Hòa Bình có diện tích đất tự nhiên lớn, riêng đất nông nghiệp chiếm 14,03% tổng diện tích, đóng vai trò quan trọng bảo đảm an ninh lương thực, tạo việc làm cho hơn 80% dân cư nông thôn, góp phần xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Bước vào giai đoạn hội nhập sâu rộng, ngành nông nghiệp Hòa Bình đã định vị những lợi thế cạnh tranh, tái cơ cấu ngành, hướng tới nền nông nghiệp sạch chất lượng cao, nông nghiệp hữu cơ có giá trị gia tăng lớn và nông nghiệp bền vững.

Hiện, Hòa Bình phấn đấu thúc đẩy tăng trưởng xanh, xây dựng tỉnh phát triển nhanh và bền vững; trở thành trung tâm ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao của cả nước. 

Theo Đề án Phát triển nông nghiệp, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, Hòa Bình tiếp tục xác định phát triển nông nghiệp là nền tảng, trụ đỡ cho nền kinh tế theo hướng hiện đại, an toàn, hiệu quả, gắn kết chặt chẽ với công nghiệp chế biến. Đồng thời, phát triển nhanh, toàn diện nông nghiệp theo hướng mở rộng quy mô sản xuất hàng hóa, hướng đến xuất khẩu và cung ứng nguyên liệu cho công nghiệp chế biến; xây dựng quy hoạch vùng sản xuất chuyên canh bền vững gắn với bảo vệ môi trường sinh thái.

 Việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp đã đem lại hiệu quả thiết thực. (Xã Mai Hạ, Mai Châu). Ảnh: CTV Thu Hường.

Để đạt được các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, tỉnh đang tập trung, phát triển cấp mã số vùng trồng, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Cải thiện, nâng cao số lượng, chất lượng nhóm nông sản chủ lực từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, đẩy mạnh việc đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ, xây dựng thương hiệu cho các nông sản chủ lực; chú trọng quảng bá, tiêu thụ sản phẩm, nhất là tại thị trường lớn trong nước và xuất khẩu…

Việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp hữu cơ, tiêu thụ nông sản đã và đang đem lại hiệu quả thiết thực tại tỉnh Hòa Bình. 

Tính đến hết năm 2021, tỉnh đã cấp được 14 mã số vùng trồng cho hơn 200 ha chuối, thanh long, nhãn, bưởi Diễn và 7 mã số cơ sở đóng gói. Đồng thời, Hòa Bình đã xuất khẩu chính ngạch 1.326 tấn sản phẩm sang thị trường Trung Quốc, Nhật Bản và châu Âu (Hà Lan, Séc, Đức...). Các sản phẩm nông nghiệp như: chuối, chè, măng, mía... được tiêu thụ ở nhiều địa phương trong cả nước. Đây là kết quả của việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp theo quy trình VietGAP, hữu cơ.

Việc ứng dụng công nghệ thông tin được cụ thể hóa trong quản lý, điều hành, tra cứu thông tin thị trường, xúc tiến thương mại tiêu thụ sản phẩm… cụ thể tại 3 lĩnh vực được ứng dụng các mô hình thông minh là trồng trọt, chăn nuôi, quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản.

Phát triển các mô hình ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp hữu cơ, VietGAP; công nghệ tưới nhỏ giọt, điều khiển tự động chăm sóc cây trồng trong nhà màng, nhà lưới; sử dụng máy bay không người lái để phun thuốc bảo vệ thực vật. Quan tâm hỗ trợ xây dựng, cấp, quản lý mã số vùng trồng đối với các cây trồng; ứng dụng công nghệ thôn tin trong truy xuất nguồn gốc nông sản…

Huyện Lương Sơn là địa phương tiêu biểu trong ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp hữu cơ và nông nghiệp an toàn. Từ đó, hướng tới xây dựng ngành nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, sản xuất hàng hóa có năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh cao trên thị trường.

Theo Phòng NN&PTNT huyện Lương Sơn, hiện tổng diện tích trồng rau hữu cơ của toàn huyện là 22,31 ha, trong đó có hơn 12 ha rau được cấp chứng nhận hữu cơ với sản lượng đạt khoảng 80 - 100 tấn/năm; giá bán theo hợp đồng ký kết với các đơn vị tiêu thụ khoảng 20.000 đồng/kg. Ngoài ra, toàn huyện có khoảng 13,4 ha cây ăn quả của hợp tác xã. 

Cùng với sản xuất hữu cơ, các hợp tác xã, tổ hợp tác tích cực sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, bảo đảm an toàn thực phẩm, với 119,4 ha cây ăn quả có múi, chuối, nhãn, ổi được chứng nhận VietGAP và một số sản phẩm chăn nuôi như thịt gà, ong mật... Các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, VietGAP của huyện chủ yếu tiêu thụ tại chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch, các siêu thị lớn tại thành phố Hà Nội.

Dự kiến đến năm 2023, huyện triển khai sản xuất nông nghiệp hữu cơ với quy mô khoảng 22 ha tại các xã: Cao Sơn, Nhuận Trạch, Cư Yên và Liên Sơn; đồng thời sản xuất rau an toàn, VietGAP quy mô 15,5 ha.

Ứng dụng công nghệ cao vào tái canh cây có múi

Những năm gần đây, phát triển cây ăn quả có múi ở tỉnh Hòa Bình đang dần khẳng định vị thế trong sản xuất nông nghiệp, góp phần vào mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh. Để tiếp tục khẳng định thương hiệu sản phẩm chủ lực từ cây ăn quả có múi theo hướng an toàn, bền vững, thông qua mô hình kinh tế tập thể, hợp tác xã, tỉnh đang đẩy mạnh thực hiện quy hoạch vùng sản xuất tập trung, mở rộng liên kết sản xuất, mở rộng thị trường tiêu thụ.

Trồng cây có múi ứng dụng công nghệ cao là hướng đi giai đoạn tới của tỉnh Hòa Bình. (Vườn cam xã Phong Phú, Tân Lạc). Ảnh: CTV Thu Hường.

Những năm gần đây, diện tích trồng cây chủ lực có múi toàn tỉnh có xu hướng gia tăng nhanh, hiện có khoảng 8,08 nghìn ha, trong đó có 3,61 nghìn ha trong thời kỳ kinh doanh, năng suất 24 tấn/ha, thu nhập đạt 500 – 600 triệu đồng/ha/năm.

Trong đó, diện tích cây có múi được chứng nhận an toàn thực phẩm, VietGAP là hơn 3 nghìn ha. Quy hoạch đến năm 2025 vùng sản xuất cây có múi quy mô 10,774 nghìn ha, định hướng đến năm 2030 là 15 nghìn ha, trong đó 6 nghìn ha được chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm, VietGAP, GlobalGAP.

Diện tích trồng cây chủ lực có múi của đồng bào các dân tộc thiểu số khoảng hơn 6,2 nghìn ha, trong đó có hơn 2 nghìn ha đã sản xuất theo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, VietGAP.

Để đưa cây có múi thành mặt hàng mũi nhọn sản xuất theo hướng hữu cơ, là sản phẩm chủ lực, tỉnh cần tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong thâm canh cây ăn quả có múi như sử dụng phân bón hữu cơ và các chế phẩm sinh học, tưới nước vào mùa khô, thoát nước vào mùa mưa, tiến hành tỉa cành tạo tán, thụ phấn bổ sung nhằm nâng cao tỷ lệ đậu quả, cải thiện kích thước quả, áp dụng kỹ thuật bao quả để hạn chế thuốc bảo vệ thực vật và ruồi đục quả…

Mở rộng diện tích áp dụng các chương trình quản lý dịch hại tổng hợp và vùng sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP.

Tăng cường công tác quản lý nhà nước trong cung ứng giống vật tư cây trồng, đảm bảo cây giống sạch bệnh, đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật theo quy định cũng như bảo vệ và phát triển thương hiệu, hướng tới xây dựng nhãn hiệu tập thể đối với sản phẩm.

Đặc biệt ưu tiên hình thành các vùng sản xuất tập trung theo chuỗi liên kết, áp dụng quy trình sản xuất, ứng dụng công nghệ cao để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả. Nâng cao ý thức của người dân sản xuất kinh doanh, bảo vệ thương hiệu và sử dụng giống có nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo chất lượng. 

Theo Đề án Tái canh cây ăn quả có múi tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến 2030, giai đoạn 2021 – 2025, tỉnh này sẽ tập trung tái canh trên địa bàn huyện Cao Phong với cây cam, quýt quy mô khoảng 1.500 ha.

Trong 9 nhóm giải pháp được Hòa Bình đưa ra có việc tập trung nguồn giống sạch bệnh và nghiên cứu, áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến trong sản xuất, tái canh cây có múi. 

Đến nay, đã có khoảng 780 ha cây có múi được trồng luân canh cây trồng khác để cải tạo đất với thời gian luân canh từ 2 - 4 năm. Hầu hết diện tích trồng luân canh đều được hỗ trợ kết nối trong khâu tiêu thụ, không có tình trạng ứ đọng sản phẩm.

Sở NN&PTNT Hòa Bình cũng phối hợp với Viện Bảo vệ thực vật, các cơ quan liên quan xây dựng giải pháp kỹ thuật cải tạo đất, tạo quỹ đất sạch sâu bệnh phục vụ tái canh cây có múi. Giải pháp này sẽ sớm được đánh giá, hoàn thiện và thông tin rộng rãi đến các địa phương, cơ sở và người sản xuất cây có múi.

Quỳnh Nga