Quy định của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền cùng với các quy định của Đảng đã từng bước khắc phục tình trạng lạm quyền, lộng quyền.
Ngày 26/7, Ban Tổ chức Trung ương tổ chức Hội nghị Quán triệt Quy định 114 của Bộ Chính trị về “Kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ”.
Nhiều quy định mới kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ
Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương Mai Văn Chính cho biết, quy định 114 cơ bản kế thừa một số nội dung tại quy định 205/2019 về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức chạy quyền. Đồng thời, quy định này cũng bổ sung một số hành vi trong việc bao che, tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền.
Cụ thể như quy định “lồng ghép ý đồ cá nhân khi thực hiện các khâu trong công tác cán bộ vì động cơ, mục đích vụ lợi hoặc có lợi cho nhân sự trong quá trình thực hiện công tác cán bộ”; “khi nhận đơn, thư phản ánh, tố cáo hoặc biết nhân sự có hành vi tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ nhưng thỏa hiệp, lúng túng, bao che không xử lý theo thẩm quyền, xử lý không đúng quy định hoặc không báo cấp có thẩm quyền xử lý”.
Trong 6 hành vi chạy chức, chạy quyền, quy định 114 có thêm hành vi mới là “chạy tuổi, thâm niên công tác, danh hiệu thi đua, khen thưởng, bằng cấp, phân công, bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử, chỉ định, điều động, luân chuyển, biệt phái, thăng quân hàm… nhằm mục đích đủ tiêu chuẩn, điều kiện, có được chức vụ, quyền lợi”.
Quy định 114 cũng bổ sung một số hành vi tiêu cực khác. Cụ thể như hành vi “thiếu trách nhiệm hoặc vì động cơ cá nhân làm thất lạc, mất hồ sơ cán bộ thuộc thẩm quyền quản lý”; “làm giả, làm sai lệch hồ sơ, tài liệu để được xem xét, thực hiện quy định, quy trình, quy chế, quyết định về công tác cán bộ”.
Hay như các hành vi “báo cáo, lập hồ sơ, kê khai lý lịch đảng viên, lý lịch cán bộ, nhất là lịch sử bản thân và gia đình không đầy đủ, không trung thực”; “trực tiếp, thông qua người khác, lợi dụng phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội đưa thông tin không đúng sự thật, xuyên tạc, kích động, gây mất đoàn kết nội bộ, ảnh hưởng xấu đến công tác cán bộ” cũng là điểm mới của quy định lần này.
Đáng chú ý, để tăng cường phòng ngừa, kiểm soát việc lợi dụng, lạm dụng quyền lực trong công tác cán bộ, Quy định 114 nêu rõ, không bố trí người có quan hệ gia đình đồng thời đảm nhiệm các chức danh có liên quan, gồm: Thành viên trong cùng ban thường vụ cấp ủy, ban cán sự đảng, đảng đoàn, tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị; người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu trong cùng địa phương, cơ quan, đơn vị; người đứng đầu các cơ quan ở 13 ngành.
Đó là các ngành: Nội vụ, thanh tra, tài chính, ngân hàng, thuế, hải quan, công thương, kế hoạch đầu tư, tài nguyên môi trường, quân đội, công an, tòa án và viện kiểm sát ở Trung ương hoặc cùng cấp ở một địa phương...
Đã cấm thì không được làm
Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai cho biết, từ năm 2019, Bộ Chính trị ban hành Quy định 205 về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền.
Quy định này, cùng với các quy định của Đảng đã từng bước khắc phục tình trạng lạm quyền, lộng quyền trong công tác cán bộ.
Bà Trương Thị Mai lưu ý, các ngành, địa phương, tổ chức đảng cần thực hiện nghiêm Quy định 114, đặc biệt là không bố trí người có quan hệ gia đình đồng thời đảm nhiệm các chức danh có liên quan, trong đó có 13 ngành đã nêu cụ thể.
Nhấn mạnh đây là quy định khó, vì đụng chạm đến con người, tâm tư, tình cảm, mong muốn, Thường trực Ban Bí thư yêu cầu người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo quản lý phải cân nhắc đầy đủ, gương mẫu. Quy định cấm thì không được làm, yêu cầu gương mẫu thì phải cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng.
Bà Mai đề nghị, ngay sau hội nghị này, các cấp ủy, tổ chức đảng tiếp tục quán triệt trong phạm vi, chức trách của mình, cụ thể hóa, thường xuyên kiểm tra, giám sát thực hiện.
Khi phát hiện vấn đề bất bình thường, có phản ánh cần kiểm tra, xử lý kịp thời, nghiêm túc. Có như vậy Quy định 114 mới đi vào thực chất, tạo niềm tin của cán bộ đảng viên, nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng trong công tác cán bộ.
Phát hiện 50 trường hợp có quan hệ gia đình cùng làm lãnh đạo
Quy định số 114 thay thế Quy định 205 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền.
Sau 3 năm triển khai Quy định 205, các bộ ngành, địa phương thí điểm đổi mới tuyển chọn cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp vụ, cấp sở, cấp phòng theo hướng khách quan, công khai, minh bạch với 438 vị trí, 9.100 cán bộ được điều động gắn với việc chuyển đổi vị trí công tác.
Ngoài ra, các cơ quan tổ chức 1.600 cuộc thanh tra, kiểm tra, giám sát về công tác cán bộ; tham mưu, đề xuất không xem xét 251 lượt cán bộ diện Trung ương quản lý chưa đảm bảo tiêu chuẩn, điều kiện.
Qua thực hiện Quy định 205, các cơ quan đã phát hiện 50 trường hợp có quan hệ gia đình cùng đảm nhiệm chức danh có liên quan để điều động, phân công, bố trí chức danh khác phù hợp; xử lý trách nhiệm với các vi phạm trong công tác cán bộ, trong đó đình chỉ công tác, chức vụ 5 trường hợp; tạm dừng có thời hạn theo quy định của cấp có thẩm quyền việc quy hoạch, điều động, luân chuyển với 190 trường hợp.
Bộ Chính trị cấm bố trí người nhà đồng thời đảm nhiệm các chức danh người đứng đầu các cơ quan: Nội vụ, thanh tra, tài chính, ngân hàng, thuế, hải quan, công thương, kế hoạch đầu tư, tài nguyên môi trường, quân đội, công an, tòa án, viện kiểm sát.
Ngoài việc nêu gương của người lãnh đạo, cán bộ đứng đầu thì sự gương mẫu của những người thân là vợ, chồng, con hiện nay có ý nghĩa rất quan trọng và quyết định đến quá trình thăng tiến hay thụt lùi của mỗi cán bộ, đảng viên.