Tổng thống Nga Vladimir Putin tròn 61 tuổi vào ngày 7/10 vừa qua. Nhân dịp đó, hãng Pravada đã trao đổi với các nhà khoa học chính trị về những hành động của lãnh đạo Nga đối với các chính sách trong nước và quốc tế. Nhiều người trong số đó coi là là vị tổng thống thành công nhất.
Trưởng khoa chính trị trường Trung học Kinh tế Nga Leonid Polyakov: "Tôi sẽ đưa ra một trong số các quyết định lớn dẫn tới thành tựu trong và ngoài nước ở mỗi nhiệm kỳ.
"Với nhiệm kỳ tổng thống 2000-2004, quyết định lớn là vãn hồi trật tự tại Chechnya, quyết định hoàn toàn xóa bỏ sự can thiệp của chủ nghĩa khủng bố quốc tế ở khu vực này, đưa Chechnya trở lại với khuôn khổ hiến pháp luật pháp Nga.
Nó đòi hỏi sự can đảm, ý chí, lòng quyết tâm rất lớn vì phần lớn tầng lớp tinh hoa Nga không muốn như thế. Họ nói về sự cần thiết của các cuộc đàm phán dù là vô ích. Tôi nhớ trong giai đoạn cuối 1999-đầu 2000. Putin đã thực hiện trách nhiệm xóa bỏ khủng bố và ly khai với chính sách bàn tay sắt. Ông đã thành công.
Trong cùng giai đoạn này, về chính sách đối ngoại, tôi sẽ chỉ ra một quyết định táo bạo là phản đối Mỹ và đồng minh bắt đầu chiến dịch can thiệp quân sự chống lại Iraq. Sau đó, với lý do tìm kiếm vũ khí hủy diệt mà lực lượng Mỹ đã phá hủy một quốc gia có chủ quyền”.
"Trong nhiệm kỳ thứ hai, tôi sẽ đề cập tới hai quyết định nội địa và quốc tế. Với chính sách nội địa, đó là quyết định tạo lập một quỹ bình ổn hóa – đây là tầm nhìn xa trông rộng rất sớm. Ông ấy tận dụng những điều kiện tốt diễn ra trên thị trường năng lượng, để dự trữ cho một ngày mà chúng tôi sẽ phải lo lắng về cuộc khủng hoảng toàn cầu, bất ổn thị trường thế giới”.
Ảnh: Wordpress |
Đây chính xác là những gì diễn ra trong 2008-2009. Chính nhờ “bước đệm an toàn” này mà chúng tôi có thể tránh được hậu quả thảm khốc xảy ra với nền kinh tế Nga và với toàn thể xã hội.
Trong chính sách đối ngoại, đây chính là giai đoạn bảo vệ chủ quyền Nga, giai đoạn của học thuyết dân chủ có chủ quyền. Putin không sử dụng cụm từ này, nhưng thực thế đã thực thi nó. Điều đó thể hiện trong bài phát biểu Munich của ông vào tháng 2/2007. Lần đầu tiên, ông phác thảo rõ ràng với phương Tây hàng loạt vấn đề, các cam kết với Nga và với cộng đồng các quốc gia độc lập. Đây chính là một bước đi rất táo bạo và đáng nhớ.
"Ở nhiệm kỳ thứ ba có hai sự kiện. Về lĩnh vực đối nội, ông Putin đã thành công khi trong quá trình tranh cử đã trình bày rõ ràng với người dân Nga về chiến lược phát triển quốc gia thông qua bảy bài viết. Sau đó, ông đã nói lại rõ ràng trong các sắc lệnh tháng 5 sau khi nhậm chức vào năm 2012. Đây là một chương trình rõ ràng và khác biệt, một kế hoạch từng bước cho nước Nga để tạo lập cơ sở cho chính phủ dưới sự kiểm soát của tổng thống. Đó là thành tựu rất quan trọng khi ấy. Nó tạo ra một cơ chế chuẩn mực cho các hoạt động cụ thể của các cơ quan điều hành.
"Về nền tảng chính sách đối ngoại, tất cả chúng ta có thể đồng ý rằng, đó là vị thế của Nga với tình hình Syria và sáng kiến của Vladimir Putin trong việc kiểm soát vũ khí hóa học Syria. Trên thực tế, nó đưa Nga ra khỏi bế tắc vào thời điểm khó có thể tránh khỏi một cuộc can thiệp quân sự chống lại Syria – khi Mỹ tiến sát bờ vực dính líu vào một cuộc xung đột khác. Đề xuất của Putin, thực tế đã cứu vãn thể diện cho Obama và vì thế cũng cứu khu vực Trung Đông khỏi một cuộc chiến tranh toàn diện. Tại thời điểm này, mọi thứ vẫn tiếp tục diễn ra và nó rất quan trọng".
Ảnh: Wordpress |
Chủ tịch Viện Nghiên cứu Chiến lược quốc gia Mikhail Remizov: "Về chính sách đối nội, tôi tin thành tựu quan trọng nhất là thành tựu về chế độ thuế và cải cách việc thu thuế. Nó khiến cho nhà nước có khả năng hơn, tạo nền tảng vững chắc cho khả năng ấy. Vẫn còn nhiều thứ mong muốn hơn, nhưng một số bước đi quan trọng đã được thực thi trong lĩnh vực này. Có lẽ việc tập trung hóa quyền lực và sự chấm dứt tự do khu vực có thể gọi là thay đổi lịch sử và cần thiết lúc này. Nó còn bao gồm việc cải tổ Hội đồng Liên bang, thiết lập các khu vực liên bang và định ra luật pháp khu vực phù hợp với luật pháp liên bang...
"Liên quan tới chính sách đối ngoại, đó là sự hình thành Liên minh Hải quan Nga, Belarus và Kazakhstan. Thành công này mang tính địa phương nhưng hoàn toàn thực tế. Chúng ta có thể nói tới các biện pháp gây dựng hình ảnh, phục hồi vị thế Nga như trong vấn đề Syria. Nhưng nhìn từ quan điểm lợi ích thực sự của đất nước, thì việc hình thành Liên minh hải quan là sự kiện số một trong chính sách đối ngoại dưới thời Putin. Mặc dù nó diễn ra trong nhiệm kỳ tổng thống của Dmitry Medvedev, nhưng các nền tảng đã được tạo lập thời Putin và bằng rất nhiều cách, hoạt động thực tế được hoàn thành ở cấp chính phủ”.
Phụ trách nghiên cứu Viện Kinh tế-Chính trị Quốc tế thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga Alexander Tsipko: "Tất nhiên, thành công quan trọng đầu tiên là khôi phục toàn vẹn lãnh thổ Nga, thắng lợi trong cuộc chiến Chechnya cho phép chúng tôi khôi phục lại vị thế lịch sử của mình ở Bắc Caucasus. Đồng thời, quyết định bổ nhiệm Akhmat Kadyrov làm người đứng đầu bộ máy hành chính Chechnya là thiên tài. Đây là quyết định cực kỳ quan trọng dẫn tới sự phục hồi toàn vẹn lãnh thổ.
Quyết định quan trọng thứ hai mà Putin gặt hái thành tựu là vào năm 2003 – áp dụng luật tài nguyên khoáng sản. Không có luật này, việc tăng giá dầu không mang lại thành quả nào. Chỉ có luật này, chúng tôi mới có thể kiểm soát giá dầu. Putin đã giải quyết được vấn đề chính từng được giải quyết trong mọi nước văn minh. Ông trả lại tiền thuê tài nguyên về với nhà nước.
"Một thành công khác là khôi phục độc lập, chủ quyền Nga trên trường quốc tế. Putin đã phục hưng lòng yêu nước Nga. Một chính sách xã hội phù hợp là rất quan trọng. Putin đem lại đỉnh cao kinh tế thông qua nguồn tiền thuê tài nguyên tự nhiên, và cũng thiết lập những đỉnh cao chính trị. Nói một cách khách quan, nhiều người có thể không thích Putin nhưng thực sự, đây là một nhân vật có lẽ sẽ tồn tại mãi trong lịch sử nước Nga".
Cách Putin thống trị thế giới Nắm giữ quyền lực: Từng là điệp viên KGB, Vladimir Putin đủ sắc sảo thông minh đã chiếm giữ không gian chính trị hàng đầu của Nga kể từ lúc bắt đầu thế kỷ 21. Ông làm thủ tướng từ 1999 - 2000, tổng thống từ 2000 – 2008, quay trở lại Kremlin từ 2008 to 2012 và hiện lại là Tổng thống Nga. Sát cánh cùng đồng minh: Là một trong số ít người ủng hộ mạnh mẽ Tổng thống Syria Bashar Al Assad, Putin đã kiên quyết ngăn chặn bất kỳ hành động quân sự nào chống lại chính phủ Syria. Tổng thống Nga thậm chí còn gửi “tâm thư” cho dân chúng Mỹ qua bài viết trên Thời báo New York, thúc giục họ ngăn chặn chính phủ của mình khỏi cuộc tấn công nhằm vào Syria. Khơi nguồn “chủ nghĩa Putin”: Nổi tiếng với tuyên bố cứng rắn, sắc bén và táo bạo, Putin từng nói về các phần tử khủng bố Chechnya: “Nếu chúng ở sân bay, chúng ta sẽ tiêu diệt chúng ở đó… và xin lỗi, nếu tìm thấy chúng trong nhà vệ sinh, chúng ta tiêu diệt chúng trong nhà xí của chúng”. Đấng nam nhi: Người đàn ông qua tuổi lục tuần vẫn luôn thu hút bởi những hình ảnh “đại trượng phu” của mình: Ngực trần câu cá, cưỡi ngựa, tham gia các hoạt động mạo hiểm, đi moto khủng… |
Minh Tâm (Pravda, gulfbusiness)