Tướng Giáp nói rằng ông đã được lệnh tấn công, và sự việc đã không thể khác được. Tôi lại nghĩ rằng đó là nguyên cớ chỉ ra rằng Tướng Giáp đã đúng.
LTS: Trong cuộc hội thảo thứ ba trong Chương trình Hòa bình cho Đông Á của Đại học Upsalla, tổ chức vào 18.10.2013 tại Học viện Ngoại giao, có một sự cố đặc biệt. Tại lần thứ ba này, các nhà tổ chức đã thất bại trong việc mời một nhà lãnh đạo của Đông Á tham dự và phát biểu.
Giáo sư sử học Stein Tonnesson, người sẽ tham dự hội thảo đã có sáng kiến là thay vào bài diễn văn của một lãnh đạo Đông Á, ông sẽ trình bày một bài diễn văn về cuộc đời và những chiến tích của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người vừa từ trần ở tuổi 102, và được đồng ý.
Giáo sư Stein Tonnesson đã viết cuốn sách "Việt Nam năm 1946: Chiến tranh đã bùng nổ như thế nào", bản tiếng Anh ra đời năm 2010" với giả định rằng lẽ ra cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất có thể ngăn được, và Việt Nam đã bị "bẫy".
Tuần Việt Nam có cuộc phỏng vấn GS Tonnesson về giả định này.
GS Stein Tonnesson. Ảnh Huỳnh Phan |
Cái bẫy chiến tranh
Tại sao Việt Nam và Pháp bỏ lỡ cơ hội ngăn cuộc bùng nổ chiến tranh cuối năm 1946, theo quan điểm của ông?
Việt Nam và Pháp đã ký Hiệp định sơ bộ vào 6.3.1946. Nhưng cuộc đàm phán để đi đến hiệp định này hoàn toàn không tự nguyện, bởi vì cuộc đàm phán này là do sức ép của Trung Quốc (chính quyền Tưởng Giới Thạch). Họ có quân chiếm đóng ở Việt Nam, và vẫn còn chiếm đóng miền Miền Bắc Trung Quốc.
Họ có thỏa thuận với người Pháp vào ngày 28.2.1946, khi họ rút quân ra khỏi Bắc Việt Nam, và cho phép người Pháp quay trở lại thế chân. Đổi lại, họ nhận được rất nhiều tiền từ người Pháp.
Nhưng quân Tưởng đã không biết rằng người Pháp đã chuẩn bị quay lại Việt Nam nhanh như thế, và muốn chiếm Việt Nam bằng vũ lực. Nhưng, với mong muốn như vậy, người Pháp cũng muốn thương lượng với chính phủ Hồ Chí Minh để được phép cập cảng ở Hải Phòng.
Chính quân Tưởng cũng đã yêu cầu Pháp phải thỏa thuận được với Chính phủ Hồ Chí Minh trước. Vì vậy, cả người Pháp lẫn người Việt đều bị Quốc Dân Đảng gây sức ép về việc ký hoà ước này.
Tướng Giáp đã trả lời ra sao khi ông đề cập về chuyện này?
Khi tôi hỏi tại sao hiệp định này lại không được thực thi đầy đủ, Tướng Giáp đã trả lời rằng nó được ký trong điều kiện với đầy sức ép như vậy, nhưng đã giúp Việt Nam có thêm thời gian củng cố thêm vị thế của mình.
Tức là Việt Nam được công nhận là quốc gia tự do, và họ chỉ cho phép Pháp ở lại tạm thời, sau đó sẽ đuổi quân Pháp ra.
Cuộc đàm phán tiếp theo ở Fontainebleau để tiếp tục những kết quả của hòa ước 6.3.1946, và làm tăng thêm tính độc lập của Việt Nam, đã không đạt được kết quả.
Thế nhưng, Hoà ước 6.3.1946 không bị dập tắt ngay, bởi Đảng Xã hội và Đảng Cộng sản Pháp ở Pháp lúc đó nắm quyền, và họ không muốn có chiến tranh ở Đông Dương. Chính phủ Hồ Chí Minh cũng muốn tránh cuộc chiến tranh này, và họ đã đạt được hòa ước với Bộ Trưởng Thuộc địa Pháp, thuộc Đảng Xã hội.
Tuy nhiên, hòa ước này đã bị phá hoại bởi Cao ủy Pháp tại Sài Gòn Georges Thierry d'Argenlieu, một người được Đại tướng Charles de Galle, chứ không phải Đảng Xã hội bổ nhiệm.
Nhưng đến tháng 12.1946, trong một thời gian ngắn, Pháp có một chính phủ do André Léon Blum đứng đầu, và ông ấy muốn giữ hòa bình tại Đông Dương.
Hồ Chí Minh muốn chính phủ Pháp rút d'Argenlieu, Cao ủy Pháp tại Đông Dương, về, và bổ nhiệm một người khác tốt hơn. Nhưng chuyện đó đã không diễn ra.
Có một cuộc khủng hoảng chính trị ở Pháp thời điểm đó, và Tổng Tư lệnh Quân đội Pháp ở Đông Dương được lệnh ném bom Hải Phòng, giết hàng ngàn người ở đó. Từ đó, ở Hà Nội nổi lên phong trào tiêu diệt quân Pháp, xây dựng công sự và chuẩn bị chiến tranh.
Khi Pháp vào Việt Nam từ tháng 3.1946, quân Tưởng cũng đã rút đi. Hồ Chí Minh muốn giữ chặt mối quan hệ với André Léon Blum, lúc đó là Thủ tướng Pháp, và gửi hàng loạt bức điện tín, nhưng những người Pháp ở Sài Gòn, con đường duy nhất để các bức điện có thể sang Pháp, đã tìm cách trì hoãn những bức điện đó lại. Trong khi đó, ngoài Hà Nội, người Pháp tìm cách phá hoại Hiệp định, và khiêu khích với mong muốn là Việt Nam sẽ tấn công trước.
Tướng Giáp cho rằng đã quá sức chờ đợi của Việt Nam về mặt thời gian, trong khi Hồ Chí Minh lại quyết định chờ đợi thêm với Chính phủ Blum, song song với việc chuẩn bị những chứng cứ về việc quân Pháp giết người ở Hải Phòng. Hồ Chí Minh muốn có thêm thời gian chuẩn bị cho cuộc chiến tranh.
Và quyết định ngày 19.12.1946 ông đã gọi là "cái bẫy" của Pháp ở Đông Dương?
Đúng vậy. Và vào 19.12, Pháp đã tiến thêm một bước nữa, gửi điện tín cho phía Việt Nam, với hàm ý rằng Pháp sẽ tấn công. Và Tướng Giáp đã tin vào điều đó.
Nhưng Hồ Chí Minh cho đến phút chót vẫn nghĩ rằng ông có thể chờ đợi Blum, với quyết định không gây chiến?
Đúng vậy. Và Chính phủ Blum đã làm đúng như vậy. Có điều bức điện mà ông gửi chỉ đến Sài Gòn sau khi chiến tranh nổ ra. Bởi vì khi lên làm Thủ tướng, Blum đã gửi một phái đoàn hòa bình sang Việt Nam, và ngày 17.12.1946, trước cuộc chiến hai ngày là ngày ông ra quyết định.
Tôi nghĩ là có sự thiếu nhất trí trong việc tuyên bố chiến tranh trong nội bộ chính phủ Việt Nam, và có sự hiểu nhầm giữa chính phủ Pháp và Việt Nam, và cơ hội gìn giữ hòa bình đã bị bỏ lỡ.
Và ông đã hỏi lại Tướng Giáp chuyện này bao giờ?
Cuối năm 1991. Tướng Giáp nói rằng ông đã được lệnh tấn công, và sự việc đã không thể khác được.
Tôi lại nghĩ rằng đó là nguyên cớ chỉ ra rằng Tướng Giáp đã đúng. Tôi biết ở Việt Nam có những tài liệu nói về chuyện này, nhưng rất tiếc là những người nước ngoài như tôi không thể tiếp cận chúng.
Khi lần đầu tiên ông gặp Tướng Giáp, cảm giác của ông về vị tướng này thế nào?
Lần đầu tiên tôi xin gặp ông là cuối những năm '80, nhưng mọi cố gắng đã không đạt kết quả. Trước khi tôi quay lại Việt Nam cuối năm1991, tôi lại xin, và tôi đã được gặp ông.
Có một chuyện hơi buồn cười là tôi đi đến nơi hẹn, Nhà khách Chính phủ, nhưng những người ở Học viện Ngoại giao bảo tôi phải gửi xe ở gần đó, và lên xe ô tô của họ để vào gặp ông. Họ giải thích rằng một vị khách của Tướng Giáp phải như vậy.
Khi tôi vào phòng, chúng tôi ngồi đối diện nhau. Những người của Học viện Ngoại giao ngồi một bên, còn bên kia, phía Tướng Giáp, là những người phụ tá của ông. Tổng cộng cả phòng có chừng 50 người.
Ông bảo tôi đặt câu hỏi bằng tiếng Anh, và Tướng Giáp trả lời, và người phiên dịch sẽ dịch Anh - Việt và Việt -Anh. Nhưng tôi đã hỏi ông bằng tiếng Pháp, và ông cũng trả lời bằng tiếng Pháp, và người phiên dịch không có việc gì phải làm, giống hệt như cuộc gặp của tôi với GS Phan Đình Diệu vào năm sau.
Ấn tượng đầu tiên của tôi là tiếng Pháp của ông rất tốt. Nhưng ấn tượng mạnh hơn là ánh mắt của ông, ánh mắt của một người có bản lĩnh lớn.
Hồi đó tôi đã đọc cuốn "Những năm tháng không thể nào quên" của Tướng Giáp, và tôi muốn nghe ông giải thích về một số điều ông viết trong đó, cũng như cách ông kết thúc cuốn sách.
Đối với câu hỏi của ông về khả năng cứu vãn hòa bình cuối năm 1946, Tướng Giáp đã trả lời thế nào?
Khi câu chuyện chuyển sang năm 1946, Tướng Giáp nói rằng ông biết rằng tôi sẽ hỏi câu hỏi đó, và ông nói rằng phía Việt Nam đã chủ động tuyên chiến vào ngày 19.12.1946.
Sau đó, Tướng Giáp viết hồi ký của mình, gồm 3 tập, nói rõ những việc mà trong "Những năm tháng không thể nào quên" còn chưa nói rõ. Và ở cuối cuốn thứ 3, ông đã tranh luận về việc cuộc chiến đã xảy ra như thế nào ở miền Bắc, với các luận điểm của một học giả Pháp và một học giả Na uy.
Học giả Na uy là ông?
Đúng thế.
Nhưng tôi không cảm thấy hài lòng với giải thích của ông. Bởi qua đó tôi không thấy rõ ràng nguyên nhân chính của Lời Kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Hồ Chí Minh.
Tướng Giáp còn đọc rất kỹ những gì đồng tác giả người Pháp và tôi nói, và ông thể hiện rõ quan điểm của mình chống lại những gì chúng tôi giả định.
Ông giả định điều gì?
Một quan điểm khác của tôi là nếu Việt Nam tránh khỏi cuộc chiến cuối năm 1946, sẽ không có cuộc chiến nào ở Việt Nam, kể cả cuộc chiến Đông Dương lần 2 (Chiến tranh Việt Nam), và con đường phát triển của chính trị và xã hội Việt Nam sẽ hoàn toàn di theo hướng khác. Và Việt Nam sẽ không quá phụ thuộc vào Liên Xô và Trung Quốc như thực tế đã diễn ra, và Việt Nam sẽ thực sự độc lập hơn nhiều.
Thế nhưng, cho đến bây giờ, ngay cả luận điểm này tôi cũng không tin.
Bìa cuốn sách của GS Stein Tonnesson |
Việt Nam cùng lắm là hoãn chiến tranh được 10 tháng
Tức ông không tin vào điều mà ông đã giả định trong cuốn sách của mình?
Bởi nếu tránh được cuộc chiến cuối năm '46, Việt Nam vẫn sẽ vấp phải cuộc chiến, khoảng 10 tháng sau, vào năm 1947. Tôi đã suy nghĩ rất kỹ chuyện này, về phía Pháp, và đi đến kết luận rằng cuộc chiến chắc chắn sẽ xảy ra vào Mùa Thu 1947.
Bởi vì cuối năm 1946, người Cộng sản ở Pháp rất mạnh, có nhiều ảnh hưởng, thậm chí họ còn có các thành viên trong Chính phủ vào tháng 1 năm 1947. Và những đảng viên Đảng Xã hội cũng mạnh, và họ rất muốn giữ hòa bình.
Còn những người Dân chủ, tuy không ham thích chiến tranh lắm, nhưng họ phải chiến đấu vì những chiếc ghế trong Quốc hội, nên họ đã quyết định dừng lại tất cả những nhượng bộ với Việt Nam.
Và vào tháng 4 - tháng 5, năm 1947, những người Cộng sản bị mất ghế trong chính quyền, và cuộc chiến tranh lạnh thực sự đã diễn ra trên tầm quốc tế. Vì vậy, tôi kết luận rằng bên Pháp đã có phong trào chống lại Việt Nam, và chính phủ không còn nằm trong phe tả nữa. Như vậy, nếu Việt Nam tránh khỏi cuộc chiến cuối năm 1946, và tiếp tục đàm phán với Chính phủ Pháp, nhưng không có kết quả cho tới khi có cuộc thay đổi về chính trị ở Pháp mùa thu năm sau, với bất lợi lớn về phía Việt Nam.
Tức là cả trong hai trường hợp, Việt Nam không thể tránh được cuộc chiến tranh với Pháp, chẳng qua là nếu lùi lại được 10 tháng thì có thêm cơ hội chuẩn bị kỹ càng hơn cho cuộc chiến?
Đúng vậy. Và anh nói đúng, Việt Nam sẽ có thêm thời gian chuẩn bị cho cuộc chiến, và kể từ đó tới khi Cách mạng Trung Quốc thắng lợi, Việt Nam sẽ phải chờ đợi ít thời gian hơn để có thể nhận được sự giúp đỡ của họ.
Hơn nữa, thế giới cũng biết thêm về Việt Nam, về những điều người Pháp gây ra ở Việt Nam năm 1946, và bản thân Hồ Chí Minh cũng được thế giới biết tới nhiều hơn.
Và với tư cách là một sử gia, tôi phải nghiên cứu mọi khả năng có thể xảy ra.
Ông có nghĩ là trong trường hợp đó, Việt Nam sẽ ít phụ thuộc hơn vào Trung Quốc, để dẫn tới các hệ luỵ kèm theo, ví dụ như cải cách ruộng đất?
Vẫn như vậy thôi, bởi sự giúp đỡ của Trung Quốc với Việt Nam bắt đầu từ năm 1950, và Mao Trạch Đông công nhận nước VNDCCH (18.1.1950), rất nhanh trước khi Stalin làm việc này. Ông ta làm vì không muốn Pháp công nhận Đài Loan, và ông ta muốn gây xung đột với phương Tây, ủng hộ phong trào giải phóng dân tộc ở Đông Dương, và Trung Quốc sẽ được hưởng lợi từ đó.
Trong khi đó, Liên Xô không hề quan tâm tới Việt Nam.
Ý ông nói là Việt Nam từ lúc đó đã là con bài trong ván bài của Mao Trạch Đông?
Đúng. Bởi vì đối với Mao, cuộc chiến ở Đông Dương tốt hơn cuộc chiến ở bán đảo Triều Tiên, bởi Triều Tiên nằm gần vị trí trọng yếu của Trung Quốc. Trong khi đó, Stalin không muốn có một nước Trung Quốc mạnh, nên Stalin đã "gây ra" cuộc chiến ở bán đảo Triều Tiên", còn Mao thì phải trả giá với hàng triệu sinh mạng và vô số nguồn lực.
Nhưng nói gì thì nói, cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất là một yếu tố cấu thành của "chiến tranh lạnh"
Xin cảm ơn ông!
Huỳnh Phan (thực hiện)
Bài cùng tác giả: Sóng Biển Đông giữa lòng Hà Nội Myanmar - một con đường với ba góc quan sát |